Cuối năm 2019 hoàn thành các trạm thu phí tự động không dừng
Tin tức - Ngày đăng : 16:48, 05/06/2019
Sáng 5-6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề nóng như việc thực hiện các dự án thu phí tự động không dừng và quản lý, giám sát các trạm BOT giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. |
Tháng 12-2019, hoàn thành các dự án thu phí tự động không dừng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) về nguyên nhân dẫn tới việc thu phí tự động không dừng đến nay mới bảo đảm 30% tổng số trạm trên toàn quốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải chia các dự án thu phí tự động không dừng thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai; giai đoạn 2 có 33 trạm. Bộ thống nhất để Tổng cục Đường bộ giao cho Viettel và Vietinbank khảo sát 33 trạm thu phí giai đoạn 2.
“Do Viettel đã có hạ tầng trên khắp cả nước nên tiến độ thu phí tự động không dừng có thể sẽ được đẩy nhanh. Theo cam kết thì các nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12-2019”, Bộ trưởng cho biết.
Cùng nội dung về thu phí tự động không dừng, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Đoàn Hưng Yên) chất vấn: Hiện nay, số chủ xe ô tô đăng ký mở tài khoản trả phí tự động không dừng còn khiêm tốn, giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc thực hiện các dự án thu phí tự động không dừng hiện còn bất cập liên quan đến việc nạp tiền vào thẻ. Nguyên nhân là do chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thu phí tự động không dừng, nên dù có làn thu phí tự động nhưng các trạm vẫn thực hiện song song cả thu phí thủ công, dẫn tới việc nhiều lái xe lựa chọn trả phí thủ công.
Để giải quyết tình trạng này, đến thời hạn cuối năm 2019, mỗi trạm thu phí sẽ được bố trí 2 làn thu phí thủ công. Nếu lái xe chưa dán thẻ hay nộp tiền thì bắt buộc phải đi vào các làn thu phí thủ công, trong trường hợp xảy ra ách tắc, lái xe buộc phải chấp nhận. Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để liên thông tài khoản thẻ với tài khoản của các ngân hàng, tạo thuận lợi cho lái xe khi trả phí tự động không dừng.
Tăng tính minh bạch các dự án BOT giao thông
Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cho biết, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Tuy nhiên, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông, với lý do đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân. “Vì sao hai bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm tại 61 dự án này không? Và có lợi ích nhóm ở đây hay không?”, đại biểu Phương đặt câu hỏi.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ Giao thông - Vận tải đã trực tiếp chỉ đạo các nhà đầu tư chủ động mời kiểm toán nên 100% dự án BOT đã được kiểm toán. Theo quy định, khi dự án được phê duyệt thì ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư, triển khai xong sẽ thực hiện quyết toán và điều chỉnh hợp đồng. Sau khi chốt hợp đồng cuối cùng, Bộ mới cho thu phí. Đây là vấn đề Bộ Giao thông - Vận tải đã từng giải trình trước đó.
"Số liệu hơn 200 năm là đúng, nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Tranh luận lại, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, thông tin Bộ Giao thông - Vận tải chủ động mời kiểm toán là không chính xác... Giải đáp ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, đã chỉ đạo tất cả các nhà đầu tư chủ động mời kiểm toán ngay từ đầu. Trong quá trình hậu kiểm, nếu phát hiện dự án có vấn đề thì Bộ sẽ phối hợp làm rõ hơn nữa.
Về tính minh bạch của các trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2019, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ ứng dụng phần mềm thu phí và sử dụng hệ thống camera để giám sát thu phí tại các trạm BOT giao thông.
Phần mềm thu phí của từng trạm sẽ được kết nối số liệu với cơ quan chức năng của Nhà nước để giám sát. Ngoài các làn thu phí tự động không dừng, mỗi trạm còn 1-2 làn thu phí thủ công để phục vụ cho xe có thẻ ưu tiên, xe nước ngoài vào Việt Nam và nguồn thu từ các làn thu phí thủ công cũng sẽ được giám sát chặt chẽ.
Cuối năm nay, hệ thống camera sẽ được hoàn thiện để xem xét, kiểm tra lưu lượng xe qua các trạm BOT giao thông và thực hiện công tác đối chiếu, bảo đảm tính chính xác về doanh thu.