Xét tuyển đại học bằng học bạ: Chất lượng có được kiểm soát?

Tin tức - Ngày đăng : 10:41, 07/06/2019

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2019 ghi nhận nhiều điểm mới, trong đó có xu thế bớt lệ thuộc vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Theo đó, bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi, các trường đã tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh. Điều này kéo theo những lo ngại về độ tin cậy của kết quả trong học bạ, có kiểm soát được chất lượng tuyển sinh hay không? Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng đào tạo, ngăn ngừa hiện tượng “vơ bèo, vạt tép” để tuyển sin
Xét tuyển đại học bằng học bạ: Chất lượng có được kiểm soát?
Hình thức xét tuyển học bạ mở ra cơ hội vào đại học cho nhiều thí sinh. Ảnh: Như Ý

Hơn 100 trường xét tuyển đại học bằng học bạ 

Tổng hợp thông tin tuyển sinh đại học năm nay cho thấy, cả nước có hơn 100 trường có chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Đây là phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, mà sử dụng kết quả học tập của thí sinh ở cấp trung học phổ thông.

Năm 2019 cả nước có gần 490.000 chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, thì có 70% số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển căn cứ theo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, 30% còn lại (tương ứng với gần 148.000 chỉ tiêu) dành cho các phương thức khác, trong đó có phương thức xét tuyển học bạ. 

Ở Hà Nội có nhiều trường sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh như: Đại học Công nghiệp Dệt - May Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học Thủ đô, Đại học Y tế công cộng, Đại học Thành Đô, Đại học Công nghệ giao thông vận tải... 

Em Lê Trọng Khánh, học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định, quận Hoàng Mai cho biết, việc dùng học bạ để xét tuyển vào đại học là một lựa chọn có nhiều ưu thế và bản thân em cũng đang cân nhắc phương thức để thực hiện vào kỳ tuyển sinh năm 2020. Tuy nhiên, có một số 

ý kiến còn băn khoăn về việc tuyển sinh đại học bằng học bạ. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu lý do: Chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông còn nhiều khác biệt, thiếu thước đo chung. 

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, việc sử dụng học bạ để tuyển sinh có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ở bậc đại học, bởi chất lượng ở các trường trung học phổ thông chưa đồng đều. 

Tăng trách nhiệm, tăng giám sát 


Về căn cứ cho phép các trường tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định cơ sở giáo dục đại học được quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh gồm có: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Như vậy, việc xét tuyển theo phương thức nào là do trường quyết định và phù hợp với quy định của pháp luật. Những năm gần đây, nhiều trường đã xét tuyển căn cứ theo kết quả học tập của thí sinh. Năm 2019, chỉ tiêu sử dụng các phương thức khác (ngoài phương thức dựa vào kết quả thi trung học phổ thông quốc gia) là 148.000 chỉ tiêu, tăng gần 37.000 chỉ tiêu so với năm trước. 

Tuy nhiên, số tăng thêm này là của nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như thi đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế…, chứ không phải chỉ là xét tuyển bằng kết quả học tập. 
Xét tuyển đại học bằng học bạ: Chất lượng có được kiểm soát?
Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải là một trong những trường xét học bạ để tuyển sinh đại học năm 2019. Ảnh: Thái Hiền

Trên thực tế, mỗi đơn vị lại có cách sử dụng kết quả học tập để xét tuyển khác nhau. Một số trường tốp trên có sử dụng kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông, nhưng kết quả này chỉ là một trong các tiêu chí để xét tuyển. 

Là một trong những trường sử dụng phương thức xét tuyển học bạ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội cho biết, dù tuyển sinh theo phương thức nào, thì nhà trường vẫn luôn giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo và có cơ chế sàng lọc sinh viên. 

Trước băn khoăn có thể xảy ra hiện tượng “vơ bèo, vạt tép” để tuyển sinh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng dẫn chứng, với những trường khó tuyển sinh, việc xét tuyển có thể chỉ cần điều kiện tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, các trường này đều có rất ít nguyện vọng đăng ký, hầu hết nguyện vọng ở thứ tự cuối, tức là không được thí sinh ưu tiên. Bởi vậy, nếu có trúng tuyển ở nguyện vọng này, thì cũng không có hoặc có rất ít thí sinh nhập học. 

Thực tế ở kỳ tuyển sinh năm 2018 cho thấy, có tới gần 30% đơn vị chỉ tuyển sinh được dưới 50% chỉ tiêu, trong đó khoảng 10% đơn vị chỉ tuyển được dưới 20% chỉ tiêu. Đáng chú ý, có gần 20 đơn vị hầu như không có thí sinh nhập học. Điều này đã chứng minh rằng, nếu các nhà trường không đầu tư xây dựng uy tín bằng chất lượng sẽ tự bị đào thải.

Ngoài việc cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng như tăng trách nhiệm giải trình của các trường; yêu cầu công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp và có cơ chế sàng lọc sinh viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để xã hội cùng giám sát…

Thống Nhất/HNM