Thủ tướng Thái Lan tái đắc cử: Nền móng cho sự phát triển ổn định
Tin tức - Ngày đăng : 08:35, 08/06/2019
Đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vừa tái đắc cử với đa số phiếu ủng hộ trong phiên họp diễn ra ngày 5-6 của lưỡng viện Quốc hội nước này, qua đó khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới thông qua bầu cử kể từ sau cuộc đảo chính diễn ra năm 2014.
Theo Hiến pháp Vương quốc Thái Lan năm 2017, nhiệm vụ của Thượng viện (gồm 250 thành viên do chính quyền đương nhiệm chỉ định) và Hạ viện (gồm 500 thành viên được bầu trong cuộc bầu cử ngày 24-3 vừa qua) trong phiên họp chung đầu tiên là bầu Thủ tướng mới. Đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath - PPRP) lãnh đạo.Đối thủ của ông là tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit, thủ lĩnh đảng Hướng tới tương lai, ứng cử viên của liên minh Mặt trận dân chủ đối lập gồm 7 chính đảng. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, vị tướng 65 tuổi giành được 500/750 phiếu ủng hộ, vượt xa 244 phiếu mà ứng cử viên đối lập có được, để trở thành Thủ tướng Thái Lan nhiệm kỳ mới.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hôm 5-6. |
Đây là một kết quả không bất ngờ, bởi 250 ghế Thượng viện thuộc về các nghị sĩ của Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO), cơ quan do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha làm Chủ tịch. Ngoài ra, các đảng trong liên minh của PPRP đủ chiếm đa số ghế tại Hạ viện. Còn đối thủ của ông là thủ lĩnh đảng Hướng tới tương lai không được tham gia bỏ phiếu và hiện đang bị đình chỉ chức Nghị sĩ do phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc, bao gồm xúi giục, kích động và giúp đỡ những người biểu tình dân chủ vào năm 2015; vi phạm Đạo luật tội phạm máy tính; sở hữu công ty truyền thông trong quá trình tranh cử.
Bên cạnh đó, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhận được những phản hồi tích cực của người dân Thái Lan. Kết quả khảo sát của Viện Phát triển hành chính quốc gia Thái Lan (NIDA) cho thấy, đa số người dân được hỏi đánh giá người đứng đầu Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo trong những năm qua.
Bản thân Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng nhiều lần khẳng định Chính phủ của ông đã đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài tại xứ sở Chùa Vàng. Tại thời điểm giới chức quân sự mới lên nắm quyền, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan chỉ đạt mức 1%/năm, trong khi tăng trưởng các năm tiếp theo đều đã tăng lên mức 3-4%/năm.
Mặc dù vậy, giới quan sát dự báo nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập và điều hành Chính phủ. Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội diễn ra đúng 10 tuần sau ngày tổng tuyển cử 24-3 - nhằm tiến tới việc thành lập một chính phủ dân sự kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 - cũng có nhiều tranh cãi giữa các đảng đối lập và không ít cáo buộc về gian lận bầu cử.
Chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng, đảng Dân chủ - chính đảng lâu đời nhất của Thái Lan đã đồng ý tham gia liên minh của PPRP, nâng tổng số ghế mà liên minh này có được tại Hạ viện lên 254/500 ghế. Con số đa số quá bán này khá mong manh và có thể gây khó khăn cho chính quyền mới trong việc thông qua các chương trình, kế hoạch hành động chung của đất nước tại cơ quan lập pháp.
Kết quả bầu Thủ tướng của Thái Lan sẽ được Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai trình lên Nhà vua Maha Vajiralongkorn để phê chuẩn và nội các mới dự kiến sẽ được công bố trong tháng 6 này. Trong khi đó, chính quyền quân sự hiện nay sẽ vẫn nắm quyền cho đến khi các thành viên nội các tuyên thệ nhậm chức. Chính phủ dân sự mới được kỳ vọng sẽ duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho xứ sở Chùa Vàng.