Sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước sẽ phòng ngừa được tham nhũng
Tin tức - Ngày đăng : 19:29, 08/06/2019
Chiều 7-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa). |
Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ chín, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 07-KH/TƯ ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18-1-2018 của Đảng Đoàn Quốc hội và nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, các đại biểu tiếp tục góp ý cụ thể về một số nội dung.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đồng tình với quan điểm sửa đổi luật lần này là nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đại biểu, việc này sẽ giúp phòng ngừa tham nhũng và tránh được sai phạm. Đại biểu đề nghị quy định ngành Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán tất cả hoạt động có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công.
“Không chỉ những đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách mà những đơn vị có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công đều là đối tượng chịu sự kiểm toán”, đại biểu nhấn mạnh.
Tán thành với dự án luật, tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) bày tỏ sự chưa yên tâm với một số điều. Theo đại biểu, đến nay, pháp luật về kiểm toán chưa được củng cố vững chắc và đề nghị bổ sung trong luật một chương về tố tụng kiểm toán.
Quan tâm đến thời hạn công khai báo cáo kiểm toán, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã sửa đổi theo hướng chỉ quy định chung về trách nhiệm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, còn các nội dung công khai, minh bạch trong từng đơn vị sẽ do các luật chuyên ngành quy định. Vì vậy, ngành Kiểm toán nhà nước cần quy định cụ thể vấn đề này. Một số đại biểu cũng cho rằng, luật hiện hành đã quy định công khai báo cáo kiểm toán, nhưng chưa quy định cụ thể hình thức, thời gian công khai, nên hiện rất khó tiếp cận các kết luận của kiểm toán.
Giải trình về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: “Chúng tôi không xử phạt hành chính các công chức, viên chức, mà những đơn vị có liên quan, khi kiểm toán, nếu có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán ngoài Luật Công chức, viên chức thì bị xử phạt hành chính. Chúng tôi chỉ phạt việc cản trở và chống đối”.