Cưỡng chế thi hành án vụ con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên.

Tin tức - Ngày đăng : 22:17, 10/06/2019

Đại điện luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố cáo Chấp hành viên lạm quyền.

TP.HCM, ngày 06 tháng 06, 2019 – Sáng nay, ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng – đại diện luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đến Cục thi hành án TP.HCM (Gò Vấp) gửi đơn tố cáo Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc, cán bộ phụ trách thi hành án vụ án con dấu của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên.

Nội dung đơn tố cáo chỉ ra rằng Chấp hành viên Thanh Trúc có dấu hiệu vị phạm quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự, cụ thể là vượt quá quyền hạn làm trái công vụ để tiếp tục yêu cầu bà Diệp Thảo giao giấy tờ, con dấu. Trên cơ sở đó, luật sư của bà Diệp Thảo đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tiến hành xác minh, làm rõ vi phạm để xử lý và Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao điều tra xác minh đối với bà Thanh Trúc.

Cưỡng chế thi hành án vụ con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên.
Bà Thảo tại phiên xử ly hôn mới đây.

Ông Hưng cho biết theo Điều 383 BLDS quy định Chấm dứt nghĩa vụ thi hành án khi vật thi hành án không còn: “Nghĩa vụ giao vật chấm dứt trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn”.

Trước đó, ngày 28/5/2019, tức là ngay lập tức sau khi nhận được thông báo của Cục Thi hành án dân sự TPHCM, bà Diệp Thảo đã có văn bản phúc đáp Thông báo số 6452/TB-CTHADS ban hành ngày 27/5/2019 của Cục thi hành án dân sự TP.HCM, trong đó nêu rõ Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới và con dấu mới vào ngày 20/10/2015. Hiện tại, bà Diệp Thảo không còn giữ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu của công ty này nữa nên cơ sở để bà Diệp Thảo thực hiện việc thi hành án không còn. Vì vậy, việc Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế số 103/QĐ-CTHADS ngày 25/4/2019 và liên tục thông báo yêu cầu bà Diệp Thảo thi hành là trái pháp luật.

Trước thông tin cho rằng bà Diệp Thảo chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, bà Diệp Thảo một lần nữa khẳng định: “Vụ việc con dấu này là một trong những chiêu trò mà nhóm thao túng đã nhiều lần dùng để bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của tôi. Mục đích của họ là bằng mọi giá phải ngăn tôi trở về củng cố lại Trung Nguyên.”

Trước đây bà Diệp Thảo đã nhiều lần lên tiếng về vụ việc con dấu. Bà nhấn mạnh rằng đây không phải là cuộc chiến giữa vợ chồng bà, mà là cuộc chiến với nhóm thao túng âm mưu lợi dụng bệnh tình của chồng bà để chiếm đoạt Trung Nguyên.

Trong thời gian ông Đặng Lê Nguyên Vũ ẩn tu trên núi suốt 5 năm và ủy quyền hầu như mọi công việc điều hành Trung Nguyên cho cấp dưới quản lý. Nếu như bà Diệp Thảo không trở về lấy lại con dấu và giấy đăng ký kinh doanh của công ty để điều hành hoạt động xuất khẩu của Trung Nguyên thì thời điểm 2015 Tập đoàn đã lâm nguy.  

Cũng theo bà Diệp Thảo, nhóm thao túng rất sợ những hành vi phạm tội của họ bị phơi bày, nhất là khi biết rằng bà quyết tâm trở về để cứu chồng và cứu Trung Nguyên. Vì thế, họ một mặt vừa ngăn cản bà trở về, một mặt tạo ra các vụ kiện tụng để bôi nhọ bà bằng mọi chiêu trò. Vụ việc con dấu trên đã cho thấy rõ điều này.

Sự việc diễn ra ở Trung Nguyên đang gây nhiều bức xúc, cụ thể ngày 20/9/2018 bà Diệp Thảo được Tòa án cấp cao TP.HCM khôi phục chức vụ Phó Tổng giám đốc Thường trực tại Trung Nguyên, nhưng đến nay vẫn chưa thi hành được, hay vụ việc giả mạo tài liệu chứng từ tại Công ty Hòa tan Trung Nguyên từ tháng 3/2018 vẫn chưa xong kết quả Trưng cầu giám định. Tuy nhiên, những hành vi nhằm mục đích bôi nhọ bà Diệp Thảo từ nhóm thao túng thì được xử lý rất nhanh và yêu cầu cưỡng chế thi hành một cách vô lý.

Quy định Điều 357 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Thông tin chi tiết về vụ con dấu của Trung Nguyên:

Tại thời điểm Tập đoàn Trung Nguyên đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Diệp Thảo vào tháng 5/2014, hoạt động kinh doanh quốc tế vẫn được bà điều hành thông qua công ty Trung Nguyên International tại Singapore. Cũng từ thời gian đó cho đến nay, mọi hoạt động hàng ngày của Tập đoàn Trung Nguyên đều giao cho cấp dưới quản lý.

Đỉnh điểm vào tháng 10/2015, cấp dưới của ông Vũ bỗng nhiên ban hành lệnh cấm xuất hàng, không cho xuất khẩu các sản phẩm cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên đến các thị trường quốc tế. Việc làm này dẫn đến 44 đơn hàng với tổng giá trị lên đến hơn 4,8 triệu đô la Mỹ của Tập đoàn Trung Nguyên đã không thể giao được cho đối tác đúng thời hạn. Đây là điều hết sức nguy hại cho hoạt động kinh doanh và uy tín của Tập đoàn Trung Nguyên trên thị trường quốc tế: Tập đoàn Trung Nguyên không những phải chịu phạt và bồi thường theo quy định của các hợp đồng thương mại quốc tế, mà còn đứng trước nguy cơ bị phá hủy hệ thống phân phối quốc tế mất hàng chục năm mới xây dựng được.

Trước những rối ren trong nội bộ do việc ông Vũ gần như vắng bóng tại công ty, lo ngại con dấu bị nhóm người xấu lợi dụng và hoạt động xuất khẩu gần như bị tê liệt hoàn toàn liên tục trong nhiều tháng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (viết tắt “Trung Nguyên IC” là đơn vị quản lý trực tiếp các nhà máy sản xuất các sản phẩm cà phê mang thương hiệu G7) đã nhiều lần có văn bản yêu cầu bàn giao con dấu của Trung Nguyên IC và đã đích thân đến Tập đoàn Trung Nguyên để lấy con dấu. Do biết rõ bà Diệp Thảo là bà chủ của Tập đoàn Trung Nguyên nên nhân viên thư ký đã giao toàn bộ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tập đoàn cho bà.

Bà Diệp Thảo, với trách nhiệm là đồng sáng lập, đồng sở hữu và là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Trung Nguyên, đã quyết định trở về điều hành nhằm chấn chỉnh các hoạt động sản xuất của công ty, trong đó có việc nắm giữ lại các giấy tờ pháp lý và con dấu của Tập đoàn Trung Nguyênvà các công ty trực thuộc.

Sau khi đã đưa Tập đoàn Trung Nguyên khỏi nguy cơ bị phá vỡ hệ thống phân phối quốc tế, nhiều lần bà Diệp Thảo đề nghị bàn giao lại con dấu và các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các Công ty, tuy nhiên phía Tập đoàn Trung Nguyên từ chối không nhận lại (đính kèm việc này được ghi trong 2 “vi bằng” của văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh).

Trên thực tế, ngay sau đó, Tập đoàn Trung Nguyên cũng đã tự làm lại các con dấu và giấy phép kinh doanh tại thời điểm này và sử dụng cho mọi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên bình thường từ đó cho đến nay (đính kèm chứng cứ tài liệu TNG sử dụng con dấu mới này).

Cũng ngay tại thời điểm đó, bà Diệp Thảo cũng đã mang trả lại các con dấu cùng các giấy chứng nhận. Tuy nhiên, Tập đoàn đã này cố tình không nhận để đưa bà Diệp Thảo vào vụ kiện chiếm đoạt con dấu nhằm bôi nhọ và hạ uy tín của nhà đồng sáng lập, đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên.

Lệ Quyên