Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý vận hành nhà chung cư
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:48, 12/06/2019
Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư, trước tình trạng tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân các dự án nhà chung cư với chủ đầu tư.
Cụ thể, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Thông tư số 28/2017/TT-BXD liên quan đến mô hình quản lý nhà chung cư; quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư; tổ chức Hội nghị nhà chung cư; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.
Đồng thời nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư theo thẩm quyền, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng để góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là pháp luật về quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư, về phòng cháy, chữa cháy.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay trên cả nước có 4.422 nhà chung cư, trong đó có 2.467 chung cư cũ, 1.955 chung cư thương mại, tái định cư. Số lượng nhà chung cư tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội (2.498 chung cư, trong đó có 1.579 chung cư cũ và 919 chung cư thương mại) và TP Hồ Chí Minh (1.440 chung cư, trong đó có 867 chung cư thương mại và 573 chung cư cũ). Hơn 80% số nhà chung cư đang được quản lý, vận hành an toàn, ổn định, không xảy ra các tranh chấp, khiếu nại và hiện còn 458/4422 nhà chung cư có các tranh chấp, khiếu nại.
Các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến các vấn đề, như: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị, chiếm khoảng 57% số lượng tranh chấp; đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, chiếm khoảng 15% số lượng tranh chấp; xác định sở hữu chung - riêng; Thu chi tài chính, quy chế hoạt động của Ban quản trị, giá dịch vụ của nhà chung cư, không thống nhất việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà...
Nguyên nhân của tình trạng này là do một số nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn, các quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa có tính răn đe.