Tuổi thọ người dân tăng nhưng số năm sống khỏe thấp
Tin tức - Ngày đăng : 10:27, 17/06/2019
Nhận định này được đưa ra tại tọa đàm “Dân số và phát triển: Cơ hội và thách thức mới” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong 10 năm qua phải bảo đảm mức sinh thay thế là 2,1 con.
Điều này khẳng định, công tác dân số đã bảo đảm cho đất nước có cơ cấu dân số hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Quá trình phát triển dân số như vậy tạo một lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, giảm được thất nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới những năm qua.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, công tác DS-KHHGĐ trong 10 năm qua ổn định là do Đảng và Nhà nước ta có chính sách đúng đắn về công tác DS-KHHGĐ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, có bộ máy làm công tác dân số chất lượng, kinh nghiệm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. |
Tuy nhiên, giai đoạn này đã bắt đầu nhận thấy những vấn đề bất cập bộc lộ như: Chất lượng dân số, cơ cấu dân số, sự phân bổ dân số giữa các vùng miền, giữa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, đô thị và các khu vực khác..., đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần chuyển hướng về chính sách. Nghị quyết 21-NQ/TW 2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã yêu cầu chuyển quá trình từ DS-KHHGĐ sang dân số phát triển.
Công tác về dân số phải được thay đổi theo chất lượng cơ cấu, quy mô dân số hợp lý để chuẩn bị cho quá trình dân số Việt Nam chuyển từ dân số vàng sang quá trình già hóa dân số.
“Quan trọng hơn, chúng ta phát triển dân số tốt nhưng chất lượng dân số của chúng ta hiện nay lại rất có vấn đề. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của nam ở nước ta là 72,1 tuổi, nữ là 82,3 tuổi, bình quân tuổi thọ là 76,6. Tuổi thọ này cao hơn so với thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, mỗi người già ở Việt Nam đang phải mang trong mình 3 loại bệnh. Như vậy, tuổi thọ bình quân của người dân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp”, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nghị quyết 21-NQ/TW chuyển dịch cơ cấu dân số chính là để đáp ứng yêu cầu mới về phát triển dân số của đất nước. Điều này sẽ giúp đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp cho thị trường lao động, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện nay, công tác dân số có 3 thách thức lớn là: Chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng khá lớn; cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số.
Cũng tại hội thảo, ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ba thách thức trên không phải bây giờ mới được nhận diện, mà là vấn đề nổi cộm cần giải quyết nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Có những vấn đề về văn hóa, tâm lý cũng như chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, các điểm đặc biệt giữa các vùng miền.
Chẳng hạn, tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, mức sinh rất thấp, trong khi những vùng điều kiện kinh tế thấp, điều kiện sống khó khăn thì mức sinh lại cao.
Qua theo dõi, các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên dù rất phát triển, văn minh, đời sống rất cao nhưng tỷ lệ sinh và mất cân bằng giới tính ở đây khá cao.
Vấn đề về già hóa dân số là thách thức rõ nhất. "Cần phải điều chỉnh cũng như tính đến chuyện 10 năm tới có khoảng 21 triệu người cao tuổi thì sẽ xử lý như thế nào để tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục phát huy năng lực, đóng góp trí tuệ cũng như tạo điều kiện để người cao tuổi có chất lượng sống ổn định", ông Bùi Ngọc Chương nói.