Khởi công vở kịch về vua Lý Công Uẩn
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:05, 18/06/2019
Ngày 17-6, đơn vị sân khấu tư nhân đầu tiên của Hà Nội - sân khấu kịch Lệ Ngọc - tổ chức khởi công vở diễn mới “Huyền thoại gò Rồng ấp”, nói về khởi nguồn của vua Lý Công Uẩn. Vở diễn sẽ tham gia Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN và một số liên hoan sân khấu quốc tế trong năm 2019.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên và NSND Lệ Ngọc thông tin về vở diễn “Huyền thoại gò Rồng ấp”. |
“Huyền thoại gò Rồng ấp” là kịch bản sân khấu được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phóng tác dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn - vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý, một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Chuyện kịch kể về một người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, tên là Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì. Thị Ngà mồ côi cha mẹ, được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ của cha mẹ đến táng ở gò Rồng ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng.
Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, một lễ hội dân gian của người Việt cổ. Vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.
Sau khi hạ sinh được đứa bé ở trước cổng chùa Cổ Pháp, Thị Ngà qua đời. Cậu bé được sư Khánh Văn đem về nuôi nấng, sau này trở thành vị Hoàng đế khai quốc triều Lý - người tạo dựng nên kinh đô Thăng Long nghìn năm rực rỡ.
Tại buổi khởi công vở, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái với vai trò là cố vấn nghệ thuật của vở cho biết, đã có rất nhiều vở diễn sân khấu thành công về đề tài vua Lý Công Uẩn. Vở “Huyền thoại gò Rồng ấp” không nói về thời kỳ hoàng kim của nhà Lý mà tập trung lý giải cho người xem về sự khởi nguồn của vị vua đầu tiên triều Lý. Bởi thế, câu chuyện kịch được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố dã sử, truyền thuyết, đưa đến những lý giải để người xem hiểu hơn về sự khởi nguồn của một vương triều hưng thịnh nước Việt.
NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn của vở cho biết, là một đạo diễn cải lương, anh rất áp lực khi nhận lời dàn dựng một vở kịch. Vở diễn có nhiều yếu tố mang tính huyền thoại, dã sử sẽ là thử thách không nhỏ cho đạo diễn. Hơn nữa, vở diễn sau khi ra mắt sẽ được mang đi nước ngoài tham dự liên hoan sân khấu quốc tế nên các thiết kế mỹ thuật phải bảo đảm tính thẩm mỹ, bắt mắt nhưng vẫn phải gọn nhẹ, tinh tế.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là thiết kế trang phục được thực hiện như thế nào để bảo đảm được tính chuẩn mực. Về vấn đề này, nhà thiết kế Đức Lộc (thuộc công ty THNN Ỷ Vân Hiên, đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế trang phục của vở) cho biết, cái khó nhất của những người thiết kế là thiếu tư liệu lịch sử về những cổ phục của Việt Nam qua các thời kỳ.
Tuy nhiên, đơn vị thiết kế sẽ cố gắng thực hiện các trang phục sao cho vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa bảo đảm sự thuần Việt để khi vở diễn mang ra nước ngoài, người xem sẽ cảm nhận đó là trang phục của người Việt Nam chứ không nhầm lẫn với những quốc gia khác.
Vở diễn “Huyền thoại gò Rồng ấp” dự kiến sẽ ra mắt ngày 20-7. Sau khi ra mắt khán giả Việt Nam, vở diễn sẽ tham gia Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN vào tháng 9-2019 tại Nam Ninh (Trung Quốc) và Liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm do Việt Nam đăng cai tổ chức.