Nhớ về nét đẹp xưa cũ của mảnh đất kinh kỳ

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 11:49, 07/04/2022

Bộ sách “Chuyện người Hà Nội” mới ra mắt đã dẫn người đọc đi sâu vào từng ngõ ngách văn hoá và đời sống sinh hoạt của một Hà Nội xưa cũ.
Trải lòng về Hà Nội

Sau thành công của “Chuyện người Hà Nội” tập 1, nhận được sự đón nhận của độc giả yêu Thủ đô, mới đây, Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam phối hợp với nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức, đã tiếp tục cho ra mắt “Chuyện người Hà Nội” tập 2.

Hai tập sách ra đời như một cái duyên bất ngờ gắn với Thủ đô của một nhóm có tên “Hà Nội Tri Thức” với số lượng thành viên lên tới hàng chục nghìn người. Với cảm xúc cá nhân, nhiều cây bút trong nhóm này đã thuật lại khung cảnh đời sống sinh hoạt xưa của con người với những nét văn hóa rất riêng chỉ có ở Thủ đô như: Rạp chiếu bóng Hòa Bình, bãi chiếu bóng Khương Thượng, các khu nhà tập thể chật hẹp xây theo kiểu lắp ghép, đầy “chuồng cọp”...  Với nhiều người Hà Nội, đó chắc chắn là những hồi ức không thể quên của một thời khốn khó nhưng đáng nhớ và đầy ắp kỉ niệm.

Nhóm Hà Nội Tri Thức hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội Facebook, dành cho những người ở khắp nơi muốn chia sẻ về nét văn hóa đẹp, về lịch sử và cuộc sống hiện tại, xưa kia ở Hà Nội. Nhóm được thành lập từ năm 2019 và hiện tại đã có 20.000 thành viên tham gia, thảo luận các chủ đề.

Trong cuốn sách, các tác giả đều trải lòng mình với mảnh đất này. Từng trang sách như bức tranh, từng câu chữ như nét bút họa lại một thành phố cổ kính, tráng lệ. Đó có thể là những con phố cũ như Phan Đình Phùng với hàng cây sấu đẹp đến nỗi người dân Thủ đô hay khách thập phương đều biết đến cái tên thân thương “phố sấu”. Nét đẹp về Thủ đô cũng được cẩm nhận một cách mộc mạc, giản dị như hoa cúc vàng đã hoá thân thành “hồn vía” của mùa Thu Hà Nội.

Độc giả Lê Hương Giang (Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: Đọc cuốn sách này, người đọc có thể thấy những nét đẹp hào hoa, phong nhã của Thủ đô, cùng ý chí mạnh mẽ, vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Nét đẹp ấy là sự kết tinh tinh hoa của gia giáo nhiều đời và được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Điều này được thể hiện rõ nét qua các đoạn văn như: “Thuở nhỏ cắp sách đến trường, trước khi ra khỏi nhà, mẹ tôi bao giờ cũng kiểm soát lũ con xem quần áo có chỉnh tề không, đầu tóc có chải chuốt nghiêm chỉnh không. Lúc ấy, chải đầu là ngôi phải thẳng, không bao giờ được đầu bù tóc rối đến trường. Nhà tôi đông anh chị em nên áo quần đứa lớn sau lại để cho đứa bé dùng. Quần áo rách thì vá lại mặc. Đầu gồi thủng thì píc-kê cho dày. Quần áo lành thì mặc đến lớp. Áo quần vá thì mặc ở nhà hoặc mặc đi lao động. Áo lành hay áo rách đều phải giặt giũ tinh tươm. Quần áo giặt xong gấp lại ngăn nắp. Ô tủ của ai người nấy tự xếp cho gọn gàng” – Trích bài viết “Cái nếp nhà Hà Nội” của tác giả Vũ Thế Long.

Cùng với đó, 34 bài viết thuộc thể loại tản văn đi sâu khai thác những góc nhìn khác nhau về mảnh đất nghìn năm văn hiến. Có thể kể đến như: “Những sắc vàng Hà Nội” (Uông Triều), “Nghề trên phố Hà Nội” (Ngô Hà Sơn), “Quanh cái xích lô Hà Nội” (Dương Trung Quốc), “Cầu Thăng Lăng – Cây cầu có nhiều cái nhất” (Nguyễn Văn Ất)… Đúng như tiêu đề sách, “Chuyện người Hà Nội xoay” quanh chủ đề con người đầy bản lĩnh, khí phách nhưng cũng rất đỗi giản dị và đời sống sinh hoạt, văn hóa của thủ đô giữa những dâu bể thăng trầm.

Ngõ ngách của văn hoá Thủ đô

“Chuyện người Hà Nội” tập 2 có một nội dung thu hút bạn đọc, đó là những câu chuyện đầy ắp thông tin mang chất khảo cứu cho người yêu quý Hà Nội. Đơn cử, cuốn sách đã đưa người đọc đi ngược thời gian chiêm nghiệm về nguồn gốc và thân thế chiếc xe tay – một phương tiện giao thông của Hà Nội xưa. Một địa danh lịch sử với tên gọi “Bác cổ” – nơi mà bất cứ người Hà Nôi nào cũng quen biết, thích thú bởi kiến trúc độc đáo.

Các gương mặt nhà văn, nhà thơ ở thời này cùng tác phẩm của họ cũng góp phần tạo nên bức tranh văn học nghệ thuật Hà Nội sinh động, đa màu sắc. Tình yêu và sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế trước vẻ đẹp thủ đô khiến nhà văn Uông Triều cảm nhận được giữa những gam màu làm nên bức tranh Hà Nội, nổi lên nhất vẫn là sắc vàng.

Trong bài viết “Những sắc vàng Hà Nội” mở đầu tập 2, nhà văn Uông Triều miêu tả những tòa nhà điển hình nhất của Hà Nội đều có màu vàng như: Nhà hát Lớn sang trọng trên phố Tràng Tiền, Đại học Dược trầm mặc trên phố Lê Thánh Tông hay những biệt thự trên phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lý Thường Kiệt.

Có thể thấy, từng trang sách, từng con chữ trong “Chuyện người Hà Nội” đều thấm đượm tình cảm của người viết. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép kí ức thật đẹp về Thủ đô ngàn năm văn hiến. Qua đó, người đọc càng thêm yêu mến, trân trọng hơn các giá trị văn hóa truyền thống và cả những con người nơi đây.

KTĐT