Những lời khuyên của một cây bút mẫu mực
Tin tức - Ngày đăng : 09:07, 21/06/2019
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận là “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Hoạt động báo chí đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Người. Trong di sản hết sức phong phú của Người, thế hệ các nhà báo hôm nay có thể tìm thấy những lời khuyên bảo sâu sắc chân tình của một cây bút mẫu mực và từng trải, đã sáng lập nhiều tờ báo cách mạng, trực tiếp viết hàng ngàn bài báo bằng các thứ tiếng khác nhau, với các thể loại khác nhau, dưới những bút danh khác nhau
Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí Cách mạng Việt Nam
Hồ Chí Minh từng viết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén…”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”… Người luôn luôn đặt các câu hỏi cho các nhà báo: “Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì và viết như thế nào?...”
Bác thường chỉ rõ: Trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, không cho phép xem lâu. Vì vậy viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy. Từ những bài viết của người có thể thấy đặc điểm trong phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự ngắn gọn. Bác dạy: “Trước hết là cần phải tránh lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”. Mình viết ra cốt để giáo dục cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều.
Viết ngắn, viết gọn, rõ ràng, dễ hiểu là việc cần được rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên mới có thể thành công. Trong thời gian đầu bước vào nghề báo, Bác từng được một nhà báo Pháp hướng dẫn cách rút ngắn các bài viết. Nhà báo ấy khuyên Bác: “Viết cho thật chặt, xem đi xem lại, những cái gì lôi thôi, dài dòng không cần thiết thì bỏ nó đi…”. Bác cho biết: “Thế rồi mình đếm từng chữ. Một dòng có mấy chữ, một cột có mấy dòng. Nó có số chữ của nó rồi, đếm từng chữ mà viết cũng khó chứ không phải dễ. Kết quả là viết được”.
Kể chuyện về thời kỳ làm báo Việt Nam độc lập ở Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Có lần tôi ở Tĩnh Tây về, Bác phân công viết một bài về phong trào cho báo. Bác nói:
- Chú viết đúng một trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu.
Tôi ngồi viết, cảm thấy khó quá. Thời gian qua ở Tĩnh Tây, chúng tôi cũng ra báo. Cũng chỉ là báo in thạch, nhưng giấy sẵn, khuôn khổ tờ báo rộng, bài viết thoải mái chứ không hạn chế như thế này.
Thấy tôi ngồi viết khó khăn, Bác cười rồi bảo:
- Báo của các chú có gửi về nhưng mình không xem hết, mà ở đây cũng không mấy ai xem. Báo của các chú văn hay, chữ nhiều, nhưng khó đọc, và có đọc được cũng không mấy ai hiểu…”
Đại tướng kể tiếp: “Về sau có dịp đi công tác địa phương, tôi mới thấy hết tác dụng rất to lớn của tờ báo; đồng bào ở khắp các nơi đều rất hoan nghênh báo Việt Nam độc lập. Đó chính là nhờ lối viết ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu của những người viết mà chủ yếu là Bác Hồ với lời văn giản dị, thơ vần mộc mạc, dễ hiểu, dễ thuộc, rất thích hợp với đối tượng tuyên truyền là cán bộ và quần chúng cách mạng thuộc các dân tộc ít người. Bác đã đề ra mục đích của tờ báo: Phải làm cho nhân dân ta hết dốt nát, biết rõ sự việc từ xa đến gần, từ nhỏ đến lớn, từ cụ thể đến khái quát. Từ đó biết đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, tự do bình đẳng.
Để bài viết dễ hiểu, Bác khuyên các nhà báo “chớ ham dùng chữ”. Ngày 17/8/1952, nói chuyện với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành tại trường Lý luận chính trị Trung ương, Bác chỉ rõ: “Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng chữ lung tung, nhiều khi không đúng”. Và Bác đã nêu lên nhiều ví dụ cụ thể để mọi người biết mà khắc phục.
Năm 1946, một trường trung học đệ nhất ở Nam Định có ra một tờ báo và gửi biếu Bác Hồ. Bác gửi thư cảm ơn, kèm theo tấm ảnh chân dung của Người và lời đề tặng:
“Bác có mấy lời khuyên các cháu,
Ý tứ nêu rõ ràng,
Lời lẽ nên phổ thông,
Câu chữ nên ngắn gọn,
Chúc các cháu thành công”
Cảm ơn các cháu,
Thân ái
Hồ Chí Minh
Là người sáng lập hàng loạt tờ báo cách mạng, như “Le Paria” (Người cùng khổ), “Thanh niên”, “Thân ái”, “Việt Nam độc lập”…, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt mục đích ra đời của tờ báo, và tuân theo mục đích cụ thể, người viết xác định nội dung từng bài viết, khuôn khổ cũng như văn phong cho thích hợp. Bản thân Bác coi viết báo là một nhiệm vụ cách mạng, nên Người dường như làm báo suốt đời, nhằm vận động quần chúng. Khi cho ra mắt tờ Le Paria, Người chỉ rõ: “Tờ báo này kể cho các bạn biết về việc bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào…” Người đã viết hàng loạt bài văn chính luận sắc bén với những tư liệu hết sức cụ thể, mang tính thuyết phục cao. Một bạn đọc giỏi tiếng Pháp từng nhận xét rằng, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng ngôn ngữ Pháp thật nhuần nhuyễn, mang phong cách một nhà chính luận xuất sắc. Và Người sử dụng nhiều thể loại khác nhau, từ tin ngắn, đến những bút ký, bài chính luận. Dù ở thể loại nào, Người luôn luôn yêu cầu viết thế nào cho quần chúng hiểu được, nhớ được. Từ buổi đầu viết báo cho đến khi làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, khi viết xong một bài báo, Người thường chữa đi chữa lại và đưa cho một vài người giúp việc gần gũi xem trước, nếu họ hiểu thì mới cho đăng. Chính vì vậy, Người thường dạy các nhà báo: “Viết phải thiết thực”.
50 năm làm báo (1919-1969), Bác đã viết ngót 2000 bài báo, với trên 50 bút danh, ngoài ra còn vẽ và phát hành báo, chỉ tập trung vào một đề tài - như Bác nói là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bác còn viết cả văn (truyện, ký), làm thơ nhưng Người khiêm tốn không nhận mình là nhà thơ, nhà văn mà chỉ nhận mình có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí. Người nói: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi tôi là người tuyên truyền - tôi cũng không cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”.
Một nhà báo lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc và bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trường Chinh nhận xét: “Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo, nội dung khảng khái, thấm thía và đi vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim cả khối óc của người ta, hình thức sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân… Người rất ghét văn chương sáo rỗng, nhạt nhẽo, rất ghét nói hoặc viết dài dòng, khó hiểu, lủng củng, lằng nhằng và kiên quyết phản đối dùng chữ nước ngoài một cách không cần thiết”.
Đối với các nhà báo, những lời dạy cũng như những bài học rút ra từ văn phong, cách nói, cách viết của Người mãi mãi là kim chỉ nam trong quá trình rèn luyện tư tưởng, đạo đức và nghiệp vụ của mình.