Văn nghệ miền Bắc trên CÔNG LUẬN BÁO (Sài Gòn, 1916 - 1939)
Tin tức - Ngày đăng : 09:15, 21/06/2019
Trong làng báo Việt Nam dưới thời thực dân Pháp nửa đầu thế kỷ XX, tờ Công luận báo (29/8/1916 - 10/1939) đặt tại Sài Gòn có một vị trí thật đặc biệt. Khởi nguồn, báo là bản Việt ngữ của tờ tiếng Pháp L’Opinion, số đầu ra ngày 29/8/1916, khổ 60 x 45cm, ban đầu mỗi tuần ra hai kỳ vào thứ ba và thứ năm, từ 1918 chuyển thành nhật báo, đến số 691 (ra ngày 6-8-1927) chỉnh lý tên báo thành Công luận, trải qua nhiều khúc quanh rồi kết thúc ở số 9021 (tháng 10/1939), sau 23 năm tồn tại…
Không kể đội ngũ lãnh đạo, biên tập, cộng tác viên bỉnh bút đông đảo vùng Nam Bộ và cận kề Nam Trung Bộ, Công luận báo thu hút được một số cây bút cũng như kịp thời đề cập đến nhiều vấn đề đời sống văn học, nghệ thuật ngoài Bắc thời bấy giờ.

Trước hết, về tác giả có sự tham gia đắc lực của Vân Hạc Lê Văn Hòe (1911-1968) và một số trang viết của Võ Liêm Sơn (1888-1949), Tản Đà (1889-1939), Ngô Tất Tố (1894-1954), Huy Thông (1916-1988)... Ở đây chỉ giới thiệu một số bài viết của Lê Văn Hòe (còn ký các bút danh Vân Hạc, Linh Nhãn), quê sinh ở thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Được biết Lê Văn Hòe sớm viết sách giáo khoa Khai tâm luân lý (1927), truyện Bể lòng (1930), in tập Mảnh hồn thơ (1931) và đặc biệt với hai tập khảo cứu để đời: Truyện Kiều chú giải (1953) và Cung oán chú giải (1954); từng làm chủ bút Ngọ báo – Việt báo, từng tham gia biên tập và cộng tác với các báo Đời mới, Trung Bắc chủ nhật, Quốc gia và mở Nhà xuất bản Quốc học thư xã, thế nhưng chưa rõ bằng cách nào ông lại trở thành cây bút chủ lực của Công luận báo trong một thời gian khá dài, đặc biệt trong khoảng ba năm 1936-1938. Đăng đàn trên Công luận báo giữa thời kỳ phong trào Thơ mới đạt tới đỉnh cao nhưng Lê Văn Hòe lại hầu như luôn trung thành với thơ cũ và nghiêng về phê phán Thơ mới. Trong bài viết in đậm tinh thần phản vấn Thế nào là thơ mới? nhà Hán học Vân Hạc Lê Văn Hòe đề cao quan niệm chiết trung về một chất thơ cao hơn mọi lối thơ mới – cũ, Đông – Tây: “Chỉ có thể nói được rằng bài thơ nầy sáo, bài kia hay mà thôi. Chớ để riêng rẽ ra thì bài thơ nào cũng có thể gọi là cũ hay gọi là mới được ráo!... Cho nên, trước sau, tôi chỉ mong các nhà thơ ta làm được những bài thơ hay mà thôi! Tôi không muốn bắt buộc ai nên hay phải làm thơ mới, hay khuyên ai cứ làm thơ cũ. Vì ngoài những chữ “sáo” và “hay”, hoặc “đặc biệt” (original) ra thì thơ mới và thơ cũ có nghĩa gì đâu… Sau cùng, tôi muốn kết luận rằng thơ mới, nếu chẳng phải hẳn là “thơ làm theo lối Tây” thì chỉ là những danh từ rỗng nghĩa cũng như những tiếng thơ cũ mà thôi. Ta chỉ nên gọi trơn là thơ và chỉ nên khen những bài thơ nầy hay, hoặc chê những bài kia sáo mà thôi” (số 7059, ngày 1-2-1936)... Đến đây xin dẫn mấy bài viết ký tên Vân Hạc - Linh Nhãn - Lê Văn Hòe để thấy được mối quan tâm của cây bút xứ Bắc khi cộng tác với Công luận báo ở Sài thành: Về thơ Thế Lữ (số 7271, ra ngày 7-11-1936), Ông Nguyễn Khắc Hiếu với ông Lê Tràng Kiều, ông nào đáng là thầy dạy thi của ông nào? (số 7466, ra ngày 24-7-1937), Cụ Nguyễn Du và bọn Thế Lữ, Huy Thông (số 7478, ra ngày 7-8-1937), Thi thoại: Tập thơ đầu của Nguyễn Vỹ (số 7537, ra ngày 16-10-1937), Những vần thơ hay, dở: Tìm gì? của Nguyễn Vỹ (số 7668, ra ngày 2-4-1938),…
Về mối quan tâm của Công luận báo đối với đời sống văn chương ngoài Bắc, có khi đó là những phác thảo chân dung sống động của nhà báo nổi tiếng “ba ngang” Bùi Thế Mỹ (1904-1943) về thi sĩ Tản Đà những ngày làm báo trời Nam với nhan đề Một vài dật sự về nhà thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu trong lúc ở Sài Gòn (số 2571, ra ngày 6-2-1933); có khi là Ngô Văn Đức cập nhật bình điểm Phê bình Tần ngọc – Thơ mới của Phạm Huy Thông (số 7339, ngày 30-1-1937); có khi như Phong Trần Hàn Mặc Tử (1912-1940) vừa lên tiếng tranh luận, bênh vực hình thức tự do của thơ mới vừa ngợi ca giọng điệu tân kỳ của thơ mới Chế Lan Viên với các mục bài: Không nên có “luật” thơ mới (số 7724, ra ngày 10-6-1938), Thương xác cùng ông Lam Giang Tử ở báo Tân tiến (số 7782, ra ngày 19-8-1938), Chế Lan Viên – một thi sĩ “điên” (số 7800, ra ngày 9-9-1938)… Đặc biệt ở đây có bài Một cơ quan mới lạ trong thi giới: Dạ lan hương (số 7644, ra ngày 5-3-1938) của Linh Nhãn, trong đó giới thiệu chi tiết về một nhóm, một thi xã, một văn đoàn ở Bắc Hà “do những nhà thi sĩ nổi tiếng gây dựng nên”, gồm có Huy Thông, Thái Can (1910-1998), Lưu Trọng Lư (1912-1991), có dẫn lời tuyên bố ký tên chung ba người và in kèm theo ba bài thơ theo thứ tự: Gởi người yêu – Đêm lặng – Một chút lửa… Có thể nói tính danh của thi xã này mới chỉ thấy giới thiệu trên Công luận báo và hầu như chưa được nhắc lại trong các bộ lịch sử văn học và thi ca đầu thế kỷ XX… Nhìn rộng ra, còn có thể kể đến nhiều tác phẩm văn xuôi du ký độc đáo của ký giả Nam Bộ khi ra thăm Bắc Kỳ như Chùa Hương Tích của Kim Oanh Nguyễn Háo Đàng (số 606/21, ra ngày 20-7-1923); Một nơi cổ tích có vẻ đặc biệt tại Bắc Kỳ của Long Thành (in 3 kỳ, 1928); Học trường Sư phạm Hà Nội (1926-1927) của Yên Sơn (in 23 kỳ, 1929); Bầu giời cảnh Phật của Hà Đông Hiệp Sĩ (in 3 kỳ, 1936); Chẩy đền Kiếp Bạc của Việt Báo (số 7252, ra ngày 16-10-1936); Tôi đi Hà Nội sắm tết Trung thu của Lê Tôi (số 7270, ra ngày 6-11-1936); Trên đường quan lộ cũ: Với đàn cá thần ở suối đền Phố Cát của Nhị Lang (số 7318, ra ngày 6-1-1937); Thăm Hang Cá, đền Tuy Lai – một thắng cảnh không ngờ ở Hà Đông của Anh Hoa – V. Hạc (in 3 kỳ, 1937); Hội đồi Lim của Hoài Đông (số 7635, ra ngày 24-01-1938) và trang thông tin hấp dẫn, sinh động Một cuộc du lịch từ Nam chí Bắc xưa nay ít ai tổ chức của Nguyễn Khắc Nương (số 7983, ra ngày 29-4-1939)…
Thực tế cho thấy nhật kỳ Công luận báo tuân thủ theo định hướng và chịu sự quản lý của nhà nước thực dân đương thời nhưng đã có được tiếng nói tương đối dân chủ, trung thực, nhiều chiều với lượng thông tin cụ thể, phong phú, sinh động. Mối quan tâm đến tình hình văn nghệ miền Bắc chỉ là một chứng dẫn cho thấy khả năng cập nhật, bao quát sự kiện và năng lực của người làm báo, giúp cho Công luận báo đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật tư sản, đứng vững trong cơ chế thị trường và đến được với đông đảo công chúng bạn đọc những năm đầu thế kỷ XX. Bài học kinh nghiệm của Công luận báo từ 100 năm qua chắc chắn còn có ích cho người làm báo hôm nay…