Phó Thủ tướng chủ trì phiên họp chống khai thác hải sản trái phép
Tin tức - Ngày đăng : 21:32, 22/06/2019
Sáng 21-6 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), không báo cáo và không theo quy định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương là thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tham dự phiên họp.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt.
Ngành Thủy sản nói chung, lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng đã có nhiều bước tiến vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng ven biển, đặc biệt là ngư dân được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém chậm khắc phục, chưa đáp ứng được xu thế hội nhập, hợp tác kinh tế sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam vào thị trường quốc tế, trong đó có hợp tác thủy sản.
Điều đó được thể hiện rõ nhất qua việc ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Nếu không giải quyết được các vấn đề về chống khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trường hợp bị áp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Nỗ lực gỡ “thẻ vàng”
Để phát triển nghề cá bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã rất nỗ lực để chấn chỉnh tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; Quyết định số 78/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác IUU đến năm 2025… với các biện pháp cấp bách và lâu dài.
Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, cơ bản luật hóa các quy định quốc tế để chống khai thác IUU (Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thủy sản đã được hoàn thiện, gồm 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng và 8 Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT).
Các cơ quan liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển, cộng đồng người dân, doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc để chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, xét về tổng thể các giải pháp, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cách thức tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác IUU thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC.
Đặc biệt là tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra phổ biến, chưa có dấu hiệu chấm dứt; công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt; việc xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp chưa nghiêm, chưa triệt để; nguồn lực cho hoạt động chống khai thác IUU chưa được đầu tư đúng mức…
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động chống khai thác IUU, ngày 20-5-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban nhằm quán triệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất từ trung ương đến địa phương các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác triển khai ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại hạn chế chậm khắc phục trong công tác chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua.
Đồng thời, nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chống khai thác IUU, chỉ rõ những yếu kém, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; xác định từng nhiệm vụ cụ thể gắn liền với trách nhiệm của từng bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn về công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư nguồn lực về vật chất, con người, cách thức tổ chức triển khai thực hiện để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.