Giảm nỗi lo cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa bão

Tin tức - Ngày đăng : 07:28, 26/06/2019

Mùa mưa bão đang đến gần, nỗi lo về tình trạng cây xanh gãy, đổ, gây mất an toàn khiến không ít người bất an. Để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ gãy đổ, các ngành chức năng đang khẩn trương chỉ đạo, tổ chức cắt tỉa, chằng chống cây xanh trên địa bàn thành phố trước mùa mưa bão.
Giảm nỗi lo cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa bão
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Hữu Tiệp

Nỗi lo mùa mưa, bão

Nhớ lại trận “siêu dông” gây thiệt hại trên diện rộng tại Hà Nội xảy ra cuối tháng 7-2016, chị Nguyễn Thị Băng (số 14, phố Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm) vẫn không khỏi rùng mình. “Lúc đó vào tầm chiều, trời bỗng nổi cơn dông lớn. Gió giật mạnh quật tung cả cây xà cừ to tại ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng. Cây đổ kéo đứt dây và làm đổ cột điện gần đó, rất nguy hiểm...”, chị Băng nhớ lại.

Không riêng chị Nguyễn Thị Băng, đây là nỗi lo chung của rất nhiều người dân Thủ đô. Bởi lẽ, đã có nhiều trường hợp “tai bay, vạ gió”, cành gãy, cây đổ đè vào xe máy, ô tô đang đỗ; thậm chí gây chết người. Trong khi đó, với sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan như các cơn bão mạnh, mưa lớn cục bộ, hay nắng nóng kéo theo thiên tai diễn biến bất thường ngày càng phức tạp và khó có thể lường trước. Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn trung ương nhận định, khu vực đô thị nhiều bê tông nên việc hấp thu bức xạ mặt trời càng mạnh hơn. Đối lưu khí quyển cũng tăng, nên nơi có nhiều nhà cao tầng thường xảy ra hiện tượng hút gió, khiến sức gió tăng lên khoảng 2-3 cấp, gây nguy hiểm hơn cho hệ thống cây xanh.

Sở Xây dựng Hà Nội đang quản lý hơn 235.000 cây bóng mát đô thị có đường kính lớn (hơn 20cm). Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa... Đặc biệt, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan, như cây bị xâm hại, chặt rễ hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được... "Điều đó lý giải vì sao có những cây nhìn bề ngoài xanh tốt mà vẫn bị đổ dù không có gió lớn", ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Hạn chế thấp nhất thiệt hại
Giảm nỗi lo cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa bão
Thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác cắt, tỉa, chỉnh trang cây xanh. Trong ảnh: Máy nghiền cành cây nhỏ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển sau khi cắt tỉa cây xanh. Ảnh: Khuê Diệp

Để giảm nỗi lo cây đổ, cành gãy và giảm thiệt hại cho hệ thống cây xanh trong mùa mưa, bão, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, hằng năm thành phố đều có kế hoạch cắt, tỉa hệ thống cây xanh. Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2019, Sở đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ gãy, đổ; xây dựng kế hoạch thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao cây và gia cố cọc chống cho cây mới trồng, trồng thay thế kịp thời những cây bóng mát có nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão. Theo đó, có khoảng 67.600 cây ở 435 tuyến đường, phố được cắt tỉa trong năm 2019; trong đó, có khoảng 30.160 cây nặng tán.

"Những năm gần đây, thành phố đầu tư nhiều phương tiện chăm sóc cây xanh hiện đại, thực hiện cắt, tỉa cây thường xuyên quanh năm nên hiện tượng cây đổ, cành gãy đã giảm rất nhiều", ông Lê Văn Dục thông tin thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cho biết, thực hiện chỉ đạo trên, các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm tra, xử lý các cây chết, cây nguy hiểm, cây có dấu hiệu bị xâm hại; cắt sửa theo kế hoạch (2 năm/lần/tuyến); chú trọng cắt sửa làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao các cây nặng tán, cây có nguy cơ gãy đổ... Việc cắt tỉa cây bảo đảm sự hài hòa về tỷ lệ chiều cao ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, hình thái tán, phù hợp đặc điểm không gian, cảnh quan của tuyến đường.

Là một trong những đơn vị được giao trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị tập trung xử lý những cây có đường kính và chiều cao lớn, như xà cừ, muồng, phượng. Trong đó, ưu tiên xử lý ngay những cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn, cành khô, sâu mục...

Theo ông Trần Anh Tuấn, bên cạnh việc chủ động rà soát, thực hiện cắt tỉa, chằng chống cây xanh có nguy cơ gây mất an toàn, các đơn vị chức năng của ngành Xây dựng còn lập kế hoạch ứng trực, sẵn sàng xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa cây gãy, đổ sau mưa, bão, bảo đảm phân luồng giao thông... Hiện, Sở Xây dựng đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị triển khai cắt tỉa cây xanh trên các tuyến trọng điểm, hạn chế cây đổ đến mức thấp nhất trong mùa mưa bão.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã cắt tỉa khoảng 20.000/28.448 cây trên 200 tuyến phố, đạt 70% kế hoạch được giao. Trong đó, có khoảng 10.000/12.714 cây nặng tán; 1.005/1.844 cây phải hạ độ cao. Đơn vị cũng bổ sung, gia cố 13.935 cọc chống với những cây trồng mới.

Ở khu vực ngoại thành, các đơn vị cũng đã thực hiện cắt tỉa 17.682/39.153 cây tại 105 tuyến đường thuộc địa bàn các huyện và thị xã Sơn Tây, trong đó có 12.431/17.445 cây nặng tán, gồm 854 cây xà cừ. 

Dạ Khánh/HNM