Có một phòng khám miễn phí giữa lòng Thủ đô
Tin tức - Ngày đăng : 11:16, 27/06/2019
Gần 30 năm qua, người dân phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) đã quá quen thuộc với hình ảnh phòng khám miễn phí của bà Trương Thị Hội Tố (sinh năm 1933). Đây không chỉ là nơi khám, chữa bệnh và tư vấn miễn phí cho người già trong phường, mà còn là nơi đem lại niềm vui, tiếng cười bên chén nước, câu chuyện tuổi già vì thế mà bên cạnh cái tên “Phòng khám miễn phí” phòng khám còn có một cái tên khác là “Phòng khám của người cao tuổi phường Giáp Bát’’.
Gọi là phòng khám miễn phí vì gần 30 năm nay, phòng khám được mở ra nhưng chưa hề lấy của ai bất cứ một đồng nào. Thậm chí khoảng thời gian khó khăn nhất bà Tố còn phải lấy lương của mình để mua thuốc phục vụ bệnh nhân. Phòng khám của bà hiện nay đặt tại nơi từng là UBND phường Giáp Bát. Đây cũng chính là điểm dừng chân thứ bảy trong suốt quãng thời gian gần 30 năm đi khám, chữa bệnh miễn phí của bà .
Là bác sĩ chuyên khoa sản, từng là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định sau khi nghỉ hưu, bà Tố được nhiều đồng nghiệp mời hợp tác mở phòng khám tư. Nhưng bà không nhận lời ai mà thay vào đó bà đã tích cực tham gia công tác xã hội ở phường Tương Mai (quận Hai Bà Trưng), gom góp tiền mở phòng khám từ thiện tại 140 phố Hòa Mã. Được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tương Mai, Ủy viên HĐND phường, bà tận dụng mọi cơ hội vận động gây quỹ hội, tuyên truyền giúp đỡ người nghèo. Trong 5 năm sống ở phường Tương Mai, bà đảm nhiệm công việc của bác sĩ tình nguyện khám bệnh cho người nghèo, cựu chiến binh, gia đình chính sách thuộc 25 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Về sau, phòng khám chuyển về số 14, ngõ 4, phố Kim Đồng (quận Hoàng Mai), mở cửa vào sáng thứ hai và thứ năm hằng tuần. Bà và một bác sĩ quân y thay phiên trực khám, chữa bệnh. Phòng khám từ thiện của bà tuy đơn sơ, nhưng là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, nơi họ và những người lao động ngoại tỉnh bảo nhau tìm đến mỗi khi ốm đau. Đến phòng khám của bà, họ đều được chỉ dẫn tận tình, động viên và phát thuốc miễn phí. Nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng vẫn thích đến phòng khám từ thiện, vì được đón tiếp chu đáo, tư vấn tỉ mỉ về thuốc và chế độ ăn. Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bà luôn có mặt đúng giờ ở phòng khám, bất chấp những khó khăn về thời tiết, mưa to, gió lớn, tuổi cao, chân đau vì thấp khớp. Bà Tố tâm sự: “Dù thế nào tôi cũng phải đến đấy, vì không thể để mấy chục người ốm đau chờ mình được. Họ nghèo nên ốm nặng mới tìm đến bác sĩ. Mình không đến thì họ dựa vào đâu?”.
Chồng bà là liệt sĩ hy sinh khi 3 con còn nhỏ dại, đến nay, các con bà đều thành đạt. Bà dùng toàn bộ số tiền trợ cấp dành cho vợ liệt sĩ, tiết kiệm chi tiêu, vận động người thân quyên góp để duy trì phòng khám. Lòng nhiệt tình của bà đã lan tỏa tới con cháu, xóm giềng, những người thân quen. Hằng năm, bà còn cùng các con hỗ trợ thường xuyên cho 3 - 5 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi cha mẹ. Nhiều cháu được bà động viên, giúp đỡ, đã vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình đại học.
Chia sẻ về công việc của mình, bà Tố cho biết: “Tôi làm việc này hoàn toàn xuất phát từ cái tâm của người làm nghề bác sĩ, chứ không vì mục đích kiếm tiền. Sau khi về hưu, tôi cùng với một số bác sĩ cũng đã về hưu mở phòng khám này. Ban đầu có 7 người nhưng bây giờ chỉ còn 2 vì nhiều người đã qua đời. Thế nhưng vài năm lại đây, cũng có thêm một vài y, bác sĩ về hưu ra tham gia cùng chúng tôi. Tôi chỉ tâm niệm một điều, làm nghề thuốc là phải vì bệnh nhân, vì lương tâm chứ không phải vì tiền bạc. Vì tiền bạc thì không thể làm nghề thuốc được. Tôi chỉ mong tôi có sức khỏe để tiếp tục được làm việc có ích cho xã hội. Không những vậy, điều tôi mong muốn hơn bao giờ hết ở thời điểm này là phòng khám sẽ có nhiều bác sĩ hơn để duy trì, phục vụ nhân dân”.
Là bác sĩ chuyên khoa sản, từng là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định sau khi nghỉ hưu, bà Tố được nhiều đồng nghiệp mời hợp tác mở phòng khám tư. Nhưng bà không nhận lời ai mà thay vào đó bà đã tích cực tham gia công tác xã hội ở phường Tương Mai (quận Hai Bà Trưng), gom góp tiền mở phòng khám từ thiện tại 140 phố Hòa Mã. Được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tương Mai, Ủy viên HĐND phường, bà tận dụng mọi cơ hội vận động gây quỹ hội, tuyên truyền giúp đỡ người nghèo. Trong 5 năm sống ở phường Tương Mai, bà đảm nhiệm công việc của bác sĩ tình nguyện khám bệnh cho người nghèo, cựu chiến binh, gia đình chính sách thuộc 25 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Về sau, phòng khám chuyển về số 14, ngõ 4, phố Kim Đồng (quận Hoàng Mai), mở cửa vào sáng thứ hai và thứ năm hằng tuần. Bà và một bác sĩ quân y thay phiên trực khám, chữa bệnh. Phòng khám từ thiện của bà tuy đơn sơ, nhưng là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, nơi họ và những người lao động ngoại tỉnh bảo nhau tìm đến mỗi khi ốm đau. Đến phòng khám của bà, họ đều được chỉ dẫn tận tình, động viên và phát thuốc miễn phí. Nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng vẫn thích đến phòng khám từ thiện, vì được đón tiếp chu đáo, tư vấn tỉ mỉ về thuốc và chế độ ăn. Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bà luôn có mặt đúng giờ ở phòng khám, bất chấp những khó khăn về thời tiết, mưa to, gió lớn, tuổi cao, chân đau vì thấp khớp. Bà Tố tâm sự: “Dù thế nào tôi cũng phải đến đấy, vì không thể để mấy chục người ốm đau chờ mình được. Họ nghèo nên ốm nặng mới tìm đến bác sĩ. Mình không đến thì họ dựa vào đâu?”.
Chồng bà là liệt sĩ hy sinh khi 3 con còn nhỏ dại, đến nay, các con bà đều thành đạt. Bà dùng toàn bộ số tiền trợ cấp dành cho vợ liệt sĩ, tiết kiệm chi tiêu, vận động người thân quyên góp để duy trì phòng khám. Lòng nhiệt tình của bà đã lan tỏa tới con cháu, xóm giềng, những người thân quen. Hằng năm, bà còn cùng các con hỗ trợ thường xuyên cho 3 - 5 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi cha mẹ. Nhiều cháu được bà động viên, giúp đỡ, đã vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình đại học.
Chia sẻ về công việc của mình, bà Tố cho biết: “Tôi làm việc này hoàn toàn xuất phát từ cái tâm của người làm nghề bác sĩ, chứ không vì mục đích kiếm tiền. Sau khi về hưu, tôi cùng với một số bác sĩ cũng đã về hưu mở phòng khám này. Ban đầu có 7 người nhưng bây giờ chỉ còn 2 vì nhiều người đã qua đời. Thế nhưng vài năm lại đây, cũng có thêm một vài y, bác sĩ về hưu ra tham gia cùng chúng tôi. Tôi chỉ tâm niệm một điều, làm nghề thuốc là phải vì bệnh nhân, vì lương tâm chứ không phải vì tiền bạc. Vì tiền bạc thì không thể làm nghề thuốc được. Tôi chỉ mong tôi có sức khỏe để tiếp tục được làm việc có ích cho xã hội. Không những vậy, điều tôi mong muốn hơn bao giờ hết ở thời điểm này là phòng khám sẽ có nhiều bác sĩ hơn để duy trì, phục vụ nhân dân”.
Bà Tố đang khám cho người bệnh
Phòng khám mở cửa vào 8h sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần. Ngoài khám, chữa một số bệnh thông thường, nhiều người còn đến đây để được tư vấn sức khỏe. Tuy là phòng khám miễn phí nhưng thông số sức khỏe của bệnh nhân đều được các bác sĩ ghi chép cẩn thận để tiện theo dõi. Được biết, ở đây chủ yếu khám các bệnh cơ bản, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bệnh nhân như: Theo dõi tiểu đường, đo huyết áp… và những bệnh nhân đến đây chủ yếu là những người cao tuổi. Được biết, mỗi ngày phòng khám đón trên 20 bệnh nhân, có ngày đông thì 30 bệnh nhân.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến giúp đỡ bằng cách ủng hộ tiền và thuốc men, các vật tư khác như kim tiêm, que thử tiểu đường... để duy trì hoạt động của phòng khám. Tất cả những khoản tiền đó được các bác sĩ sử dụng để trang bị thuốc men, máy móc khám, chữa bệnh phục vụ bệnh nhân. Mỗi loại thuốc được mang về, các bác sĩ đều tự tay phân loại, ghi chú, sàng lọc cẩn thận.
Chia sẻ về mong muốn lớn nhất của mình trong thời điểm hiện tại, bác sĩ Hội Tố cho biết: “Tôi chỉ mong khi còn sức khỏe thì có thể giúp đỡ được mọi người, cùng với đó là mong muốn làm sao có thêm nhiều phòng khám miễn phí như thế này nữa, ở Hà Nội và nhiều địa phương khác để ai cũng được thăm khám là mình thấy rất vui rồi”.
Hình ảnh những mái đầu bạc trắng khám bệnh, kê đơn, trò chuyện với người bệnh để lại ấn tượng sâu đậm cho bất kỳ ai đã đến với phòng khám. Gần 30 năm qua, nhiều người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân nghèo đều rất đỗi quen thuộc với những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở phòng khám miễn phí này. Thiết nghĩ, khi mà ở đâu đó những vấn đề y đức của một vài bác sĩ vẫn đang gây tranh luận thì những người bác sĩ già như ở phòng khám của bà Tố sẽ nhân thêm niềm tin nơi người bệnh, để thấy cuộc đời còn đẹp biết bao.