Các dấu mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:12, 27/06/2019
Các dấu mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam.
* Ngày 15/4/1865: Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ Việt Nam đầu tiên - ra số 1 tại Sài Gòn, đánh dấu cột mốc khởi nguyên của lịch sử báo chí Việt Nam.
* Ngày 22/9/1881: Trước sự đấu tranh của công luận, chính quyền thực dân Pháp buộc phải ban hành đạo luật để nới lỏng kiểm soát báo chí tại Nam Kỳ.
* Tháng 5/1888: Phát hành số 1 nguyệt san Thông loại khóa trình - tờ báo tiếng Việt tư nhân đầu tiên.
* Năm 1912: Ở Cần Thơ, ra đời tuần báo An Hà - báo tiếng Việt đầu tiên của một tỉnh nhỏ.
* Tháng 1/1918: Tạp chí Nam phong với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa “Số Tết 1918” đã mở màn cho truyền thống làm báo xuân trong làng báo Việt Nam.
* Ngày 1/2/ 1918: Tuần báo Nữ giới chung - tờ báo tiếng Việt đầu tiên chuyên về phụ nữ - xuất bản số 1 tại Sài Gòn.
* Ngày 21/6/1925: Tuần báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và ngày đó sau này được trang trọng chọn làm Ngày Báo chí Việt Nam.
* Ngày 24/4/1937: Hội nghị báo giới Bắc Kỳ tổ chức lần thứ nhất tại Hà Nội.
* Ngày 9/6/1937: Hội nghị báo giới Bắc Kỳ tổ chức lần thứ nhì và ra quyết định: “Nghiên cứu phương hướng và lập nghiệp đoàn báo giới toàn quốc”.
* Ngày 1/9/1945: Tờ Việt Nam Dân quốc Công báo - tiền thân của Công báo hiện nay - ra đời tại Hà Nội.
* Ngày 7/9/1945: Thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam - báo nói quốc gia.
* Ngày 15/9/1945: Việt Nam thông tấn xã - hãng thông tấn chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ra đời tại Hà Nội.
* Ngày 27/12/1945: Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam - tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay - do nhà báo Tiên Đàm (Nguyễn Tường Phượng) làm Chủ tịch.
* Ngày 10/10/1946: Tổ chức tiến bộ và cách mạng mang tên “Thống nhất Báo chí” được thành lập tại Sài Gòn.
* Ngày 4/4/1949: Tại Việt Bắc, khai giảng trường lớp học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta mang tên Huỳnh Thúc Kháng do Đoàn Báo chí Kháng chiến mở để đào tạo cán bộ viết báo, thu hút gần 50 học viên.
*Ngày 21/4/1950: Tại Thái Nguyên, tiến hành Đại hội lần I Hội Những người viết báo Việt Nam; đồng chí Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 2/6/1950: Chính phủ chính thức quyết định công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam và để Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt.
* Tháng 7/1950: Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
* Ngày 11/3/1951: Báo Nhân dân của Trung ương Đảng ra số đầu tiên.
* Ngày 26/4/1954: Phái đoàn báo chí Việt Nam có mặt tại Genève, chuẩn bị tuyên truyền cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
* Ngày 14/12/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 282 SL về chế độ báo chí.
* Ngày 9/7/1957: Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Nghị định số 297/TTg quy định quyền lợi của người làm công tác báo chí chuyên nghiệp.
* Ngày 16-17/4/1959: Diễn ra Đại hội lần II và đồng chí Xuân Thủy tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 7-8/9/1962: Diễn ra Đại hội lần III, đồng chí Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch và Hội Những người viết báo chính thức mang tên Hội Nhà báo Việt Nam cho đến nay.
* Ngày 4/4/1969: Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới tặng Hội Nhà báo Việt Nam Huy chương Hòa bình.
* Ngày 7/9/1970: Thành lập Đài Truyền hình Việt Nam - báo hình quốc gia.
* Ngày 7/7/1976: Sau khi miền Nam giải phóng, Tổ quốc thống nhất, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với Hội Những người viết báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất thành Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động trên phạm vi cả nước.
* Ngày 8-10/12/1983: Diễn ra Đại hội lần IV và đồng chí Hoàng Tùng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch (tới tháng 1/1987, đồng chí Hồng Chương được bầu làm Chủ tịch thay đồng chí Hoàng Tùng về nhận công tác ở Nhà xuất bản Sự Thật).
* Tháng 1/1985: Tạp chí Người làm báo của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ra số đầu tiên.
* Ngày 5/2/1985: Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) đã ra quyết định số 52/QĐ/T.Ư chính thức lấy ngày 21 tháng 6 hàng năm làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
* Ngày 17-18/10/1989: Diễn ra Đại hội lần V và đồng chí Phan Quang được bầu làm Chủ tịch.
* 28/12/1989: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Báo chí, quy định chế độ báo chí nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Luật này được Hội đồng Nhà nước công bố và có hiệu lực từ năm 1990).
* Năm 1990: Song hành với nâng cao trách nhiệm, Hội Nhà báo Việt Nam tôn vinh nghề báo và người làm báo qua việc trao Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam.
* Năm 1991: Hội báo xuân truyền thống của làng báo Việt Nam được tổ chức lần thứ nhất. Thành lập Giải thưởng Báo chí toàn quốc, hàng năm bình chọn và trao giải cho những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong năm.
* Ngày 8-9/3/1995: Diễn ra Đại hội lần VI và đồng chí Phan Quang tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
* Tháng 4/1995: Hội Nhà báo Việt Nam chính thức là thành viên Liên đoàn Báo chí Đông Nam Á (CAJ).
* Tháng 6/10/1995: Tờ Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam ra số đầu tiên.
* Tháng 2/1997: Tạp chí Quê hương điện tử của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao ra số 1, trở thành báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
* Ngày 24/4/1998: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang ký quyết định công nhận tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Văn Đông làm biểu tượng chính thức của Hội Nhà báo Việt Nam.
* Ngày 24-25/11/1999: Tại Hà Nội, với chủ đề: “Báo chí ASEAN - thế kỷ 21: Những thách thức và triển vọng”, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công tốt đẹp Hội nghị lãnh đạo CAJ với các nước bạn.
* Ngày 24-25/3/2000: Diễn ra Đại hội lần VII và đồng chí Hồng Vinh được bầu làm Chủ tịch.
* Tháng 4/2000: Báo chí Việt Nam trực tiếp in và phát hành tại châu Âu với các tờ báo thực hiện thí điểm đầu tiên là tờ Le Courrier du Vietnam.
* Ngày 21/6/2000: Báo Nhân dân điện tử chính thức phát hành trên mạng internet, trở thành nhật báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
* Ngày 23 -27/2/2003: Tại Hà Nội và Quảng Ninh, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công rực rỡ Đại hội CAJ lần thứ XIV và Hội thảo “Báo chí ASEAN - Đoàn kết, đổi mới vì sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực”.
* Ngày 11-13/8/2005: Diễn ra Đại hội lần VIII và đồng chí Đinh Thế Huynh được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 10-12/8/2010: Diễn ra Đại hội lần IX và đồng chí Đinh Thế Huynh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 9-11/8/2015: Diễn ra Đại hội lần X và đồng chí Thuận Hữu được bầu làm Chủ tịch.