Chuyện về ông cố vấn phim “Biển lửa” trên Trường Sơn

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 19:38, 27/06/2019

Sau chiến công vang dội của bộ đội Trường Sơn và “quân chính quy Bắc Việt”(1) đập tan kế hoạch cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với miền Nam - cuộc hành quân chiến lược đại bại của địch mang tên “Lam Sơn - 719”, tôi được Trung tá Hoàng Long (Trưởng phòng tuyên huấn) cho ra Hà Nội tập huấn nghiệp vụ nhiếp ảnh tại phòng ảnh của Tổng cục Hậu cần một thời gian.
Chuyện về ông cố vấn phim  “Biển lửa” trên Trường Sơn
Để biến “Đường mòn Hồ Chí Minh” thành “Đại lộ Hồ Chí Minh” - Ảnh: Hoàng Kim Đáng
 Sau chiến công vang dội của bộ đội Trường Sơn và “quân chính quy Bắc Việt”(1)  đập tan kế hoạch cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với miền Nam - cuộc hành quân chiến lược đại bại của địch mang tên “Lam Sơn - 719”, tôi được Trung tá Hoàng Long (Trưởng phòng tuyên huấn) cho ra Hà Nội tập huấn nghiệp vụ nhiếp ảnh tại phòng ảnh của Tổng cục Hậu cần một thời gian. Hôm trở lại chiến trường, tôi được bố trí đi cùng xe với Thiếu tá Đỗ Tất Yến - người trực tiếp chỉ huy đánh phi trường Cát Bi (Hải Phòng). Ông được mời làm cố vấn cho bộ phim “Biển lửa” của Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim “Biển lửa” quay cảnh đánh sân bay Cát Bi, ghi lại chiến công hiển hách của “Quân Việt Minh” (2) nhằm cắt đứt sự chi viện của quân đội Liên hiệp Pháp với chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi còn được nghe kể về Thiếu tá Đỗ Tất Yến đóng giả viên quan ba Pháp trong trận đánh kho xăng “Sáu kho” để cắt nguồn nhiên liệu phục vụ việc tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Hiện thực mà cứ như huyền thoại. Tôi cũng được nghe kể về chiến công của Đỗ Tất Yến đột nhập vào thành phố Hải Phòng giữa ban ngày bắt sống tên trùm mật thám rồi chui cống ngầm ra ngoại thành để trị tội. Và, con người “Xuất quỷ nhập thần” ấy đều được giới “anh chị” ở Hải Phòng biết tiếng và tôn ông là bậc “sư phụ”! Nghe uy danh Đỗ Tất Yến là bọn chúng biết điều, phải tránh xa!.

Hôm nay trên đường vào chiến trường, được ngồi cùng xe với ông, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và thán phục. Ông có nước da đen óng ánh như đồng hun, có đôi mắt sáng quắc, giọng nói chắc nịch và truyền cảm. Tôi bước lên xe để đồ và vừa kịp ngồi xuống, ông hỏi luôn:

- Cậu tên gì? Bước đầu ta làm quen với nhau nhỉ?

- Thưa, tôi tên là Đáng, họ Hoàng Kim, công tác ở báo Trường Sơn, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh 559.
- Vậy là mình có đọc đôi bài và ảnh của cậu in trên báo Quân đội rồi. Mình có thói quen: chỉ hỏi họ tên có một lần là nhớ ngay! Nhưng mình cũng chợt nhớ và bật cười tới một vị thủ trưởng hỏi anh lính mới được điều về làm công vụ. Ông thủ trưởng đó ngồi trước tấm gương to, vừa cạo râu, vừa hỏi: 

- Cậu tên gì nhỉ?
- Thưa thủ trưởng em tên là Tuấn ạ!
- Tốt! Cậu bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 21 tuổi ạ.
- Tốt, còn trẻ quá. Quê cậu ở đâu?
- Thưa, em quê ở Hải Dương ạ.
- Tốt, thế cha mẹ làm gì, ở đâu?
- Thưa, cha mẹ em làm ruộng, đều đã mất cả.
- Tốt, cậu tên là gì nhỉ?!...

Không đợi cậu đó trả lời, ông ta quay lại điệp khúc và tái bản lần thứ hai. Lần này thì cậu công vụ có ý kiến luôn:
- Thưa, bố mẹ em mất, sao lại tốt ạ?

- Mình xin lỗi, cứ tưởng bố mẹ em mạnh khỏe nên mới nói như vậy.
Đây là câu chuyện có thật đấy. Mình không “bịa” đâu.

Trên đường xuất phát từ Hà Nội qua Nam Định, Ninh Bình, vào Hà Tĩnh, đến đoạn cầu Nghèn, nơi túi bom thì trời sáng. Lúc này trên trời vắng tiếng máy bay. Chợt trông thấy chiếc thuyền giương buồm trước ánh bình minh, tôi giơ máy định chụp thì ông cố vấn bộ phim “Biển lửa” sửng sốt thốt lên: “Tuyệt quá! Qua vùng trọng điểm đầy bom đạn mà trời sáng trong, qua khung cửa xe thấy thuyền buồm trong nắng sớm. Thơ, thơ quá! Chụp, chụp đi cậu Đáng ơi!”.
Thoạt trông, con người ấy như có “thép”, hóa ra chất “nghệ” cũng đầy mình!.

Chuyện về ông cố vấn phim  “Biển lửa” trên Trường Sơn
Con đường mòn ấy thuở ban đầu - Ảnh: Hoàng Kim Đáng

Trong chuyến trở lại chiến trường lần ấy, trên đường đi tôi cũng “thu hoạch” được nhiều điều bổ ích ở ông, chụp được một số ảnh có góc nhìn của Đỗ Tất Yến. Vào đến Bộ Tư lệnh, ông được điều động đến một trung đoàn bộ binh chuyên tiễu phỉ, bảo vệ hành lang vận chuyển. Có lần địch phát hiện được ông cố vấn phim “Biển lửa” ở trong bản khi trời đang còn chạng vạng tối, bọn biệt kích bao vây, đợi trời tối hẳn thì hành động. Lính trinh sát của ta mấy lần vào báo cáo: Có địch bao vây xung quanh bản nhưng ông vẫn bình tĩnh tiếp tục ngồi đánh cờ, như không có chuyện gì xảy ra.
Đúng tám giờ ông đứng lên nổ súng phát lệnh:

- Tao, Đỗ Tất Yến đây! Chúng mày đã bị bao vây, lệnh bắt sống toàn bộ!

Nói rồi, ông giương súng bắn liên tiếp ba phát rồi mở đường máu “chuồn” thẳng vào rừng sâu trước sự ngơ ngác của kẻ địch.

Cuối năm 1973, Thiếu tá Đỗ Tất Yến được điều về phụ trách một Binh trạm vận chuyển trên tuyến hành lang phía Đông, tiếp giáp với Đường 9 - Khe Sanh. Mở đầu mùa khô, toàn tuyến ra quân mở chiến dịch vận chuyển Tổng công kích. Một số nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo được tăng cường làm nhiệm vụ ghi chép. Nhà văn Bùi Bình Tâm (3) đến Binh trạm do Đỗ Tất Yến phụ trách. Sau buổi gặp khai thác tài liệu, lễ phát động ra quân trong chiến dịch vận chuyển Tổng công kích được tổ chức trọng thể. Sắp đến giờ phát lệnh xuất kích, Binh trạm trưởng Đỗ Tất Yến trịnh trọng giới thiệu nhà văn Bùi Bình Tâm (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) sẽ là người ngồi buồng lái xe thứ nhất để quan sát, ghi chép. Tôi, Đỗ Tất Yến, ngồi buồng lái thứ hai để quan sát và truyền lệnh!”. Hình như kẻ địch cũng đã “ngửi” thấy “hơi” xe nên chúng cho máy bay AC.130 tích cực thả pháo sáng và quần đảo, khóa đầu, chặn đuôi. Chúng phóng tia hồng ngoại để tìm luồng xe và liên tục xả súng. Từng ổ đạn 40 ly phóng xuống thun thút, phát ra tiếng nổ “tăng bình, tăng bình”, còn cánh lính lái xe lại “phiên dịch” là “xin thùng, xin thùng”!.

Vượt qua trọng điểm cua chữ A có hai xe bị trúng đạn. Khi đoàn xe tạm dừng, Bùi Bình Tâm định “cài số lùi” xuống phía sau đoàn xe nhưng Đỗ Tất Yến đã đoán biết và tiến lại chỗ Bùi Bình Tâm, nói nhỏ:

- Xe thứ nhất mới là vị trí của nhà văn Bùi Bình Tâm. Hãy ngồi đúng vị trí của mình mà quan sát, ghi chép. Nếu Đỗ Tất Yến hi sinh, Bùi Bình Tâm có trách nhiệm viết về Đỗ Tất Yến. Nếu Bùi Bình Tâm hi sinh, Đỗ Tất Yến sẽ phải viết về gương hi sinh dũng cảm hoặc kể lại để nhà văn khác viết về Tâm. Như Yến tôi đây bẩy lần bị thương nhưng đã chết được đâu! Nào, ta lên xe, tiếp tục xuất kích. Bởi vì lính ta đã tổng kết: “Bắn chưa chắc đã trúng. Trúng chưa chắc đã chết”!.

Đêm ấy, địch quần thảo dữ quá. Đoàn xe trên cung đường đi tiếp, bị cháy thêm ba chiếc nữa nhưng người thì an toàn tuyệt đối.

Đến bản Huội San thì trời rạng sáng. Sau khi đoàn xe bốc “hàng” xong, xe đã dấu kín vào bãi, Đỗ Tất Yến mới lấy chiếc áo ca bốt trải xuống nền cỏ cháy xám, mở nắp bình tông nước chè Thanh Hương và gói kẹo mềm “Hải Châu” mời nhà văn cùng liên hoan mừng chiến thắng.

Ông nói: “Cái tên của nhà văn Bùi Bình Tâm kể cũng hay. Bùi Bình Tâm - tên như một lời khuyên nhủ: lúc nào cũng phải thận trọng và bình tâm mới đi đến chiến thắng!”.
..........................................................................
(1) + (2): Tên của Bộ đội Cụ Hồ do kẻ địch thường gọi, được in trên báo chí vùng địch tạm chiến.
(3) Bùi Bình Tâm là tên tác giả do người viết đặt. Chuyện nhà văn nói trên là có thật, do chính ông cố vấn phim “Biển lửa” kể lại sau ngày 30/4/1975. 

Hoàng Kim Đáng