Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Giúp người khuyết tật thổi hồn cho tranh ghép vải

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 16:19, 28/06/2019

Hợp tác xã Vụn Art - xưởng học và thực hành ghép tranh vải dành cho những người khuyết tật ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) từ gần một năm nay đã quen với bóng dáng của họa sĩ Đặng Thị Khuê - người đã đồng hành và giúp những người khuyết tật của hợp tác xã thổi hồn cho những bức tranh được làm từ vải vụn. Ở tuổi 73, những tưởng có thể buông bỏ việc “đời” để chuyên tâm với nghệ thuật, nhưng duyên nợ với giá trị di sản, đã đưa bà gắn bó với những số phận không may mắn.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Giúp người khuyết tật thổi hồn cho tranh ghép vải
Họa sĩ Đặng Thị Khuê thích thú khi nhìn học trò khuyết tật hướng dẫn du khách nước ngoài trải nghiệm
 làm tranh bằng vải vụn. Ảnh: Đặng Thủy

Vì khó nên phải nhận lời 

Giám đốc HTX Vụn Art - anh Lê Việt Cường kể rằng khi biết anh có ý định mở Vụn Art làm xưởng thực hành và đào tạo nghề cho những người khuyết tật, một người bạn đã giới thiệu anh tới họa sĩ Đặng Thị Khuê. “Anh bạn tôi từng được họa sĩ Đặng Thị Khuê giúp đỡ, cố vấn cho một số chương trình về văn hóa, nghệ thuật nên “mách” tôi gặp bà để nhờ cậy”. Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, lần gặp đầu tiên với giám đốc HTX Vụn Art, dù thừa nhận có thiện cảm bởi sự chân tình và nghị lực (anh Cường cũng là người khuyết tật) nhưng để nhận lời giúp thì bà vẫn còn ngần ngại.

 Sau khi gặp Lê Việt Cường, bà ngỏ ý muốn đến thăm nhà anh, đến xưởng Kym Việt (cơ sở làm thú nhồi bông dành cho người khuyết tật mà Cường cùng 3 người khuyết tật đồng sáng lập), rồi đến Vụn art để “tìm hiểu”. Khi đinh ninh đó là người tử tế, bà nhận lời giúp. “Tôi thấy việc làm tranh bằng vải vụn là một sáng kiến hay, phù hợp với số đông người khuyết tật, và có thể thu hút họ. Thêm nữa, có thể tận dụng những phế liệu của làng nghề một cách hiệu quả. Tuy nhiên để biến những vải vụn thành nghệ thuật lại là một vấn đề khác và không hề đơn giản, cần chuyên môn sâu và sự hiểu biết thấu đáo về thẩm mỹ. Bởi thế nên tôi đã nhận lời” – họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

Giúp Vụn Art “hồi sinh” giá trị văn hóa truyền thống

Hướng dẫn để người khuyết tật nắm được các công đoạn, kỹ thuật cắt, ghép vải vụn thành một bức tranh là một việc không mấy dễ dàng. Từng là một cán bộ thông tin chuyên dạy vẽ cho những người không chuyên trong những năm tháng chiến tranh; từng trải qua 15 năm là thành viên của Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa (Quỹ đã tài trợ cho 2000 dự án về phục hồi di sản văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam), họa sĩ Đặng Thị Khuê luôn đau đáu với những mất còn của những giá trị truyền thống. Cũng bởi vậy, đến với Vụn Art là cơ hội để bà thực thi kết nối những giá trị thẩm mỹ di sản vào đời sống. Họa sĩ chia sẻ: “Khách du lịch thường muốn được mang về những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa bản địa. Đó thực sự là cơ hội để truyền bá di sản, vẻ đẹp thẩm mỹ riêng của mỗi dân tộc cũng như sự tài khéo, tinh tế của những nghệ nhân, những người thợ. Và chúng tôi muốn hướng sản phẩm của Vụn Art tới điều đó”. 

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Giúp người khuyết tật thổi hồn cho tranh ghép vải
Những bức tranh được ghép từ vải vụn của Vụn Art

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Giúp người khuyết tật thổi hồn cho tranh ghép vải

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Giúp người khuyết tật thổi hồn cho tranh ghép vải

Bằng kinh nghiệm của cả cuộc đời luôn hướng về di sản, bằng khát khao giải mã văn hóa bản địa truyền thống, họa sĩ Đặng Thị Khuê đã miệt mài, say mê để thổi hồn cho những tác phẩm làm bằng vải vụn ở Vụn Art. Nhiều mẫu tranh Kim Hoàng, tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Đông Hồ, tranh làng Sình… đã được họa sĩ Đặng Thị Khuê phục dựng từ những mảnh vải vụn. Nữ họa sĩ chia sẻ, việc đưa vải vào tác phẩm nghệ thuật không phải đến giờ bà mới làm. Sắc màu của lụa từng in dấu trong nhiều tác phẩm sắp đặt của nữ họa sĩ, thậm chí bà còn đặt nghệ nhân dệt những tấm vải đũi làm chất liệu cho các tác phẩm của mình từ nhiều thập kỷ trước. “Tôi luôn nghĩ làm thế nào để qua những mảnh vải vụn ấy có thể chuyển tải được “hồn cốt” của thẩm mỹ Việt Nam. Quan sát khách du lịch và trẻ em trải nghiệm tranh ghép vải tại Vụn Art, tôi thấy họ thật sự thích thú. Đó cũng là tín hiệu vui để tôi có thêm động lực đồng hành cùng Vụn Art.” - họa sĩ Đặng Thị Khuê bộc bạch. Đi cùng với tranh dân gian, bà còn thể nghiệm với các tác phẩm từ các nền văn hóa khác đáp ứng nhu cầu giao thoa và đối thoại văn hóa.


Giúp Vụn Art cũng là giúp những người khuyết tật

Vụn art có hơn 10 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, chủ yếu là người khuyết tật và đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Những khó khăn về vận động, nghe nhìn và nhận thức đã khiến việc hòa nhập cộng đồng của họ không mấy dễ dàng, chưa nói gì đến việc làm nghề. Đây cũng chính là thách thức với nữ họa sĩ. Bà bảo, lúc đầu bà dự định chỉ giúp Vụn Art một thời gian ngắn trong sự định hướng và những kỹ năng cơ bản, nhưng rồi Vụn Art đã “níu” họa sĩ Đặng Thị Khuê đến tận bây giờ.

 Một năm gắn bó với Vụn Art, bao buồn vui, lo lắng song hành cùng nghệ sĩ. Bà vui khi nhìn thấy sự trưởng thành mỗi ngày của những “học trò khuyết tật”, khi Vụn Art có thêm những đơn hàng mới, khi dân làng mang cho từng bao vải vụn, khi lãnh đạo của địa phương và thành phố đến tận nơi động viên…; Bà ấm lòng khi nhận món quà nho nhỏ của phụ huynh mang tặng, khi nhận những lời cảm ơn và gửi gắm của cha mẹ các cháu…; Bà buồn khi thấy người khuyệt tật còn thiệt thòi quá. “Nhiều em không biết chữ, nhiều em bị tách lìa khỏi xã hội nên sự hòa nhập vô cùng khó khăn, rồi kỹ năng sống của các em cũng còn quá non nớt...” – nữ họa sĩ chia sẻ.

Chính sự đau đáu với giá trị di sản truyền thống, sự đồng cảm, thương yêu với người khuyết tật, nên dù chẳng có tiền lương, lại tốn thêm công sức, thời gian, họa sĩ Đặng Thị Khuê vẫn âm thầm gắn bó, dốc sức cho Vụn Art, thậm chí mang cả “đồ nghề” cho Vụn Art. Bằng cả tấm lòng và tri thức, bà truyền đạt, chỉ bảo cụ thể, theo họ đến cùng trong mỗi sản phẩm, giúp các em nắm vững các yêu cầu của công việc. “Khi một bức tranh hoàn thiện, chính họ là người đầu tiên được thụ hưởng thành quả của nghệ thuật. Trong từng công đoạn làm tranh, tôi thường để họ tự quyết, khuyến khích sự khác biệt. Nhờ vậy đã đạt được kết quả rất bất ngờ, khiến tôi vô cùng ngạc nhiên” – họa sĩ Đặng Thị Khuê cho hay.

Với những ai đã gắn bó, đồng hành và chứng kiến sự phát triển của Vụn Art, hẳn đều cảm nhận được sự tận tâm, nhiệt huyết và cả tài năng của họa sĩ Đặng Thị Khuê. Sự giúp đỡ của bà đã phần nào giúp cho người khuyết tật xóa đi những mặc cảm, đưa họ hòa nhập với cộng đồng, khơi gợi cảm xúc cho họ qua những sáng tạo nghệ thuật, và quan trọng nhất là góp phần hồi sinh giá trị văn hóa. Vụn Art với sự giúp sức của nhiều người có tấm lòng như họa sĩ Đặng Thị Khuê giờ đây đã góp thêm một không gian trải nghiệm thú vị bằng tranh vải cho các em nhỏ và nhiều du khách khi đến với Thủ đô.

Gia Phú