Nhớ nhà văn Tô Hoài
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:33, 01/07/2019
Nhà văn Tô Hoài đi xa đã 5 năm (7/2014 - 7/2019) nhưng trong lòng độc giả, ông mãi mãi là một nhà văn Hà Nội với chất Kẻ Chợ đậm đà suốt đời văn, đời người.
Độc đáo Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) là một người giản dị, luôn điềm đạm mà sâu sắc. Cái tinh tế, sự thông thái dí dỏm của ông dù thể hiện trong tác phẩm hay trong đời thực luôn nhẹ nhàng mà thấm thía.
Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) |
Với gần 200 đầu sách được xuất bản, trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Truyện Tây Bắc”, “Chuyện cũ Hà Nội”, “Chiều chiều”, “Cát bụi chân ai”… Tô Hoài xứng đáng được coi là một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam. Ông đã để lại một gia sản văn chương và văn hóa cho các thế hệ mai sau. Đọc văn của ông, độc giả biết thêm rất nhiều những phong tục, tập tục từ sinh hoạt trong gia đình, đến những sinh hoạt cộng đồng lễ hội, ma chay, cưới hỏi… ở nhiều vùng miền khác nhau.
Sinh thời, nhà văn chia sẻ: “Viết lách là một nghề cũng như bao nghề khác, chả phải cái gì thiêng liêng ghê gớm. Cốt là anh phải tinh thông và chăm chỉ. Viết là khó, là nặng nhọc nhưng vì đã xác định là làm nghề nên phải rèn luyện hàng ngày. Ngày nào cũng ngồi vào bàn, cứ ngồi vào bàn là con chữ tự nhiên bò ra. Hầu như lúc nào tôi cũng ở trạng thái viết”…
Theo ông, điều quan trọng nhất, thuyết phục người đọc nhất và làm nên tính cách nhà văn nhất, chính là chi tiết. Mà chi tiết thì chỉ có thể học trong cuộc sống. Đến một độ từng trải nào đó rồi, thì những điều mình nói ra đều đủ sức thuyết phục...
Được sống và làm việc nhiều năm bên nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nói ông là người rất hóm hỉnh. Nếu ngồi trò chuyện với ông thì thật khó đứng lên. Ông hiểu biết rất rộng, sâu sắc. “Có lần nhà văn Tô Hoài bảo với tôi là: “Cô viết thiếu chi tiết lắm. “Con đê mọc đầy cỏ dại”. Như thế không được. Cô phải biết rõ con đê ấy cỏ gì: Cỏ mật, cỏ gấu hay cỏ mần trầu, mùa ấy cỏ có ra hoa không, có mùi thơm không? Phải biết nghiêm khắc với mình và chịu khó nhận xét, ghi chép nếu muốn viết văn, cô ạ” - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể. Thái độ chân thành và sự chỉ bảo tỉ mỉ như vậy nên rất nhiều nhà văn trẻ đã tìm đến ông, nhất là những cây bút miền núi.
Tô Hoài luôn biết loại trừ những cuộc đãi giao vô bổ để dành thời gian cho việc viết và đọc. Ông luôn có hai địa chỉ để tiện cho việc “xa lánh sự đời”. Một địa chỉ là ngôi nhà riêng của ông ở 21 Đoàn Nhữ Hài và một là nhà người con gái cả ở Nghĩa Đô. Những ai không thật thân tín và công việc không quá cần kíp sẽ khó mà đoán biết ông đang ở chỗ nào.
Một người Hà Nội
Là người gốc Hà Nội, nhà văn Tô Hoài hiểu và yêu Hà Nội sâu sắc. Nhiều người cũng gọi Tô Hoài là "Ông già Hà Nội", xem ông như một biểu tượng của trí thức Thủ đô, một chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất Thủ đô.
Trong bài viết về chân dung Tô Hoài, nhà văn Vũ Bằng kể: “Có một lần, tôi đã nói chuyện về bút hiệu của Tô Hoài và hỏi xem ai đã đặt cho anh. Tô Hoài cho biết anh chẳng nhờ ai đặt cả. Thấy người ta viết có bút hiệu, anh cũng tự tìm một bút hiệu cho mình. Vì làng Bưởi nơi anh ở có một con sông nổi tiếng là sông Tô Lịch chảy qua, mà ở đấy lại thuộc về phủ Hoài Đức (tỉnh Hà Đông) nên anh lấy hai chữ đầu, đặt bút hiệu là Tô Hoài. Thế thôi. Giản dị hết sức: Giản dị như đời anh. Giản dị như lời văn anh”.
Tô Hoài có một tuổi trẻ lam lũ, khốn khó. Học vừa hết tiểu học, ông đã đi vào đời với nhiều nghề để kiếm sống: Thợ dệt, dạy học tư, bán hàng thuê, kế toán hiệu buôn… rồi bước vào làng báo một cách tình cờ: Viết truyện ngắn đăng báo. Tự học Quốc văn, Pháp văn; có năng khiếu văn chương từ nhỏ, lại là người được đi nhiều, giỏi quan sát và hành văn nên tác phẩm của ông phần lớn được thai nghén trong các chuyến đi đó.
“Bật lên từ thuở “Dế mèn phiêu lưu ký”, bút hiệu Tô Hoài từ đó bắt đầu ký một cách hãnh diện dưới nhiều truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá… Rồi tên Tô Hoài xuất hiện trên Phổ thông bán nguyệt san, Những tác phẩm hay… và thấy rằng: Bên lề các con vẹt làm bạn với anh hằng ngày ở căn nhà làng Bưởi, anh bắt đầu đề cập đến đám người hiền lành chất phác; sống đầu tắt mặt tối rất cần cù mà chẳng đủ ăn ở chung quanh anh, trong bùn lầy nước đọng. Bước sang địa hạt này Tô Hoài cũng thành công ngay với những truyện đầu như: “Cỏ dại”, “Xóm Giếng ngày xưa”, “Giăng thề” – Vũ Bằng viết…
Văn Tô Hoài có gì đó ma mị, nó cứ cuốn người ta vào chuyện tưởng như là những chuyện vặt, nhưng đằng sau đó là những ý tứ sâu sắc mà phải có cái nhìn bao quát môi trường xã hội và thế cuộc mới hiểu.
Tô Hoài từng giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội. Với kinh nghiệm sống, với sự từng trải của một người rất yêu Hà Nội, muốn Thủ đô ngày một tốt hơn, đẹp hơn, ông đã truyền lòng yêu mến và quý trọng công việc của một nhà văn, nhà báo chân chính, mạnh dạn làm báo vì cái đẹp, vì sự tiến bộ của Thủ đô.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể: “Khi còn là Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trực tiếp phụ trách các mục như: Văn vật thủ đô, Chuyện cũ Hà Nội… Ông biên tập rất kỹ. Một lần, duyệt bài “Chuyện cũ Hà Nội” có câu: “Phần thưởng là một giải lụa đỏ” và “chiếc kiệu sơn đen”, ông đã ôn tồn giảng giải cho chúng tôi: “Mình đã sửa lại cho đúng: “Phần thưởng là một tấm lụa điều” và “chiếc kiệu sơn then”. “Tấm lụa điều” là cách nói vừa dân dã vừa trân trọng từ ngàn xưa, còn giải lụa đỏ là cách nói rất thực nhưng thô và thiếu trang nhã. “Sơn đen” cũng là tiếng nói của hôm nay. Trong không khí của Chuyện cũ Hà Nội, ta nên dùng đúng từ cổ của các cụ xưa, nghe trang trọng và nho nhã. Các cô các cậu còn trẻ, phải chịu khó đọc nhiều, muốn là người biên tập giỏi thì cái gì cũng phải biết, nhất là câu chữ”.
Là cuốn từ điển về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội, vốn hiểu biết của Tô Hoài giống như nồi cơm Thạch Sanh – xới mãi không hết. Nó vẫn đầy đến những ngày cuối cùng.
Theo nhà báo Phương Vũ, con trai ông, đặc điểm lớn nhất mà anh trân trọng ở cha, là cách ông ghi chép tỉ mẩn, sổ ghi chép dày cộp và rất nhiều nhưng cần cái gì, ông dễ dàng tìm đúng quyển sổ ấy. Chính vì vốn tư liệu rất phong phú nên ông viết nhanh và chính xác. Sau khi nhà văn qua đời, còn khoảng chừng hơn 1.500 trang đánh máy các bài viết, tác phẩm, bản thảo của ông chưa từng công bố trong gần 100 cuốn sổ tay được lưu giữ tại gia đình cùng nhiều tài liệu khác. Nhiều trang viết thăm thẳm nỗi niềm về Hà Nội xưa mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Hà Nội một ngày nắng, ngắm ảnh lại nhớ ông. Tưởng như ông vẫn còn đâu đây với dáng đi thong thả, chống cây ba-tong, đầu đội mũ phớt với cái nháy mắt tinh anh, hóm hỉnh.