Một dòng họ khoa bảng trên đất Thăng Long - Hà Nội
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 00:32, 11/04/2022
Một góc đình làng Giáp Tứ.
Thịnh Liệt là một làng cổ nằm ở phía Nam của Thủ đô Hà Nội, thuở trước vốn thuộc Thanh Trì cũ, ngày nay là một phường thuộc quận Hoàng Mai. Làng có tên Nôm là Kẻ Sét (hay còn gọi là làng Sét). Thế kỷ XV trở về trước, vùng đất này được gọi là động Cổ Liệt. Theo chú thích trong Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1998, tr. 209) thì động Cổ Liệt là Kẻ Sét, tức là xã Thịnh Liệt sau này. Còn theo một số gia phả còn truyền lại của
các dòng họ ở làng thì trước đây vùng đất này có tên là Tịnh Liệt, sau mới đổi thành Thịnh Liệt.
các dòng họ ở làng thì trước đây vùng đất này có tên là Tịnh Liệt, sau mới đổi thành Thịnh Liệt.
Trong số các làng văn hiến hiện tại của Hà Nội nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung, làng Thịnh Liệt là một trong số ít những làng có cả văn chỉ lẫn thọ chỉ và cũng là một trong số ít các làng được “dân biết mặt, nước biết tiếng”. Làng nổi danh bởi là đất học với nhiều dòng họ có người tài đỗ đạt thời phong kiến. Trong đó có dòng họ Bùi được biết đến là một trong số các dòng họ khoa bảng của đất Thăng Long xưa.
Dòng họ Bùi, làng Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, tập trung chủ yếu ở Giáp Nhị và trên thực tế gồm hai họ, gọi là Bùi Trong và Bùi Ngoài. Có nhiều ý kiến khác nhau về hai họ Bùi này cũng như mối quan hệ giữa Bùi Trong và Bùi Ngoài. Dòng họ Bùi được đề cập trong bài viết này là dòng họ Bùi Trong có lịch sử định cư lâu dài ở đất Thịnh Liệt và là dòng họ lớn mạnh với nhiều sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt làng xã ở nơi đây.
Các gia phả của họ Bùi (họ Bùi Trong) ở làng Thịnh Liệt đều ghi lại vị tiên tổ của họ Bùi Thịnh Liệt được biết có tên hiệu là Chí Đức phủ quân (không rõ tên thật, ngày sinh, ngày mất) vốn gốc ở xã Cát Xuyên, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa). Chí Đức là người tuổi trẻ có sức khỏe, võ nghệ hơn người có công cứu con gái của tướng Hoàng Văn Thục (một võ tướng nhà Trần). Quý mến tài ba của người có công cứu mạng con gái, tướng Hoàng Văn Thục đã gả con gái là Hoàng Thị Ngọc Trân cho Chí Đức. Đến cuối đời nhà Hồ (đầu thế kỷ XV) vợ chồng Chí Đức cùng con trai đã di cư đến xã Quảng Công, huyện Thanh Đàm (nay là Định Công, Thanh Trì, Hà Nội). Không lâu sau thì di cư sang thôn Bùi Đông, xã Tịnh Liệt, huyện Thanh Trì. Gia phả họ Bùi đã chép lại thông tin lý giải việc sở dĩ có sự di cư này là: Tương truyền rằng rên đường di cư từ xứ Thanh Hoa ra Thăng Long, Cung Quận công Trung Phác phủ quân (tức cụ Tả Dụ, con trai cụ Chí Đức) đã có ơn cưu mang một người Tàu, là con trai của một đạo sĩ, một thầy phong thủy có tài. Để đền ơn cưu mang con trai, vị đạo sĩ này đã tìm một khu đất tốt - “Kế thế công khanh” để táng cha của Cung Quận công (là cụ thủy tổ Chí Đức) và dặn lại là phải di cư cả họ sang thôn Bùi Đông, xã Tịnh Liệt, huyện Thanh Trì (tức là vùng Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội ngày nay) thì con cháu mới đời đời được hưởng phúc.
Đình Giáp Nhị
Ngôi mộ cụ Chí Đức ở Quảng Công đã trở thành phát tích của họ Bùi Thịnh Liệt và hiện vẫn còn tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Ngôi mộ có bia tích của Hoàng Giáp Tiến sĩ cháu đời thứ 9 khắc, được con cháu đời đời hương khói. Còn vị đạo sĩ người Tàu có công tìm được khu đất phát tốt để an táng Chí Đức công và dời cả họ Bùi sang Thịnh Liệt - được con cháu của dòng họ kính cẩn phối thờ trong từ đường, hiệu là Bắc triều phong thủy tiên sinh.
Ngay sau khi sang sinh sống ở Thịnh Liệt, họ Bùi đã sớm trở thành một dòng họ lớn bởi có rất nhiều nhân vật học hành, đỗ đạt và làm những chức vụ quan trọng trong triều đình phong kiến. Mở đầu là Quảng Quận công Bùi Xương Trạch, ông là đời thứ hai của họ Bùi ở Thịnh Liệt, cũng được coi là thủy tổ của chi trưởng. Về năm sinh, năm mất của ông còn chưa được thống nhất. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1468). Ông từng đi sứ tuế cống nhà Minh năm Hồng Đức thứ 20 (1489). Sau đó 3 năm lại được điều làm quan Giám thí trong kỳ thi Hội. Bùi Xương Trạch làm quan đến chức Thượng thư, chưởng Lục bộ sự, kiêm Đô ngự sử, Quốc Tử Giám Tế tửu, Tri Kinh diên sự, Thái phó, tước Quảng Quốc công, vinh thăng Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, sau gia phong Quảng Quận công. Ông là niềm tự hào đầu tiên và to lớn của con cháu họ Bùi làng Thịnh Liệt.
Giếng làng Giáp Nhị
Hai người con trai của Bùi Xương Trạch là Bùi Trụ và Bùi Vĩnh cũng là những tên tuổi xứng đáng là người kế tục, tiếp bước cha trên con đường hoạn lộ. Bùi Trụ là người con trai trưởng, là Nho sinh trúng thí, lo việc văn thư ở điện Ngọc Khuê. Khi Phạm Quỳnh gây rối, ông cùng Lê Bá Ly đi đón vua Lê Trang Tông về, có công “dựng lập triều nghi” nên được vinh thăng Hiệp mưu Tán lý công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Hộ bộ Thượng thư, tước Đổng Giang hầu, sau gia phong Thái phó Kính Quận công. Bùi Vĩnh là con trai thứ và là người đi lên bằng con đường khoa cử. Ông đỗ Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất giáp đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Nhâm Thìn, Mạc Đại Chính 3 (1532). Ông làm quan triều Mạc đến Hộ bộ Tả thị lang kiêm Tả xuân phường Tả thuyết thư, Đông Các học sĩ, tước Mai Lĩnh hầu, vinh thăng Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, gia phong Thái bảo mai Quận công.
Con trai của Bùi Vĩnh là Thượng thư Tiên Quận công Bùi Bỉnh Uyên là một nhân vật danh tiếng phụng sự qua 4 triều vua, trải hơn 60 năm của thế kỷ XVI. Ông không thăng tiến bằng con đường khoa cử mà bằng con đường “binh nhung”. Ông làm quan đến Binh bộ Thượng thư, Thượng thư bộ Lễ.
Con trai thứ của Bùi Bỉnh Uyên là Thịnh Quận công Bùi Bỉnh Di (đời thứ 5 chi trưởng) cũng là một nhân vật danh tiếng trong dòng họ Bùi. Ông là Nho sinh trúng thí, lúc đầu làm Lang trung bộ Binh, năm 1617 được thăng làm Giám sát Ngự sử đạo Yên Quảng, năm 1631 được thăng từ Hữu Thị lang thành Tả Thị lang, được ban tên thụy là Trang Kính, tước Thịnh Quận công.
Sang đến đời thứ 6, chi trưởng họ Bùi Thịnh Liệt cũng xuất hiện một Tiến sĩ là Bùi Bỉnh Quân, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, Lê Hoằng Định (1619), làm quan đến chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Ông cũng được cử đi sứ sang nhà Minh (chức phó sứ) nhưng ông đã chết trên đường đi. Ông được phong tặng là Công bộ Hữu Thị lang, tước hầu, được vua ban tên thụy là Thuần Nghĩa.
Đời thứ 9, chi trưởng họ Bùi Thịnh Liệt xuất hiện hai nhân vật nổi danh là Bùi Huy Bích và Bùi Phổ. Bùi Huy Bích đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769). Năm 1777, ông được bổ chức Đốc Đồng Nghệ An. Năm 1784, sau khi quân tam phủ đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, ông được thăng chức Hành Tham tụng, tước Kế Liệt hầu, thu xếp tạm yên nạn kiêu binh, ông được thăng chức Đồng bình chương sự kiêm Tham tụng nhưng ông không nhận rồi cáo bệnh về quê. Bùi Huy Bích không chỉ nổi danh bởi đường quan nghiệp mà ông còn là một nhà văn học, nhà sử học có danh tiếng với nhiều tác phẩm để lại cho đời sau như: Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển, Nghệ An thi tập, Tồn Am thì văn tập…
Bùi Phổ là một vị quan danh tiếng dưới triều Gia Long. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ như: Tri phủ phủ Kinh Môn, Tri phủ phủ Nam Sách, Tri phủ phủ Thái Bình; Thiêm sự bộ Binh, Thiêm sự bộ Hình; Binh tào Thừa biện; Hữu Thị lang bộ Binh; Hữu Tham tri bộ Binh; Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Công và Thượng thư bộ Binh. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp quan trường và luôn được vua quý mến, hậu đãi; là tấm gương sáng cho con cháu đời sau noi theo.
Không chỉ có các bậc danh thần ở thời phong kiến nổi tiếng cả về đường văn nghiệp, võ nghiệp mà sang đến thời hiện đại, dòng họ Bùi Thịnh Liệt cũng có rất nhiều người nổi tiếng được sử sách ghi tên. Như vào thời Pháp thuộc có Bùi Liêm, đời thứ 13 chi trưởng, là người sinh hoạt trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Bội Châu và được ghi danh trong danh sách các danh nhân Hà Nội. Những năm 30 của thế kỷ XIX có Bùi Đồng, là bác sĩ y khoa Tây học, tốt nghiệp năm 1938, là một trong những bác sĩ tốt nghiệp đầu tiên thời kỳ Pháp thuộc, sau này được phong là Giáo sư, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Xô. Năm 1943 có Bùi Xuyến là Cử nhân Luật và là một trong các thành viên xây dựng bộ luật dân sự đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Truyền thống khoa cử, học hành, đỗ đạt và cống hiến cho đất nước xưa của các thế hệ cha ông trong họ Bùi luôn là niềm tự hào của con cháu trong dòng họ và là bài học giáo dục sâu sắc cho các thế hệ con cháu sau này noi theo. Điểm qua một số nhân vật tiêu biểu thì có thể thấy đời nào trong dòng họ Bùi cũng có những danh nhân, anh hùng nổi tiếng, làm nên sức mạnh và vị thế của dòng họ. Đặc biệt, đa phần những người này đều thành danh từ con đường khoa cử, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp quan trường và luôn nêu cao tấm gương tận trung với đất nước.
Từ bề dày truyền thống khoa bảng của dòng họ, ngày nay họ Bùi ở làng Thịnh Liệt cũng là một trong số ít các dòng họ ở Hà Nội có phong trào khuyến học được diễn ra khá nền nếp. Ngoài việc khuyến học đối với các cá nhân học sinh thì họ Bùi ở Thịnh Liệt còn vinh danh cả các Gia đình hiếu học. Hoạt động khuyến học của họ Bùi trải suốt mấy mươi năm cho thấy tinh thần hiếu học, yêu cái chữ của các thành viên trong họ. Đó là một nét đẹp được bắt nguồn từ trong truyền thống hiếu học khoa cử khi xưa, nay được phục dựng, phát huy, mang màu sắc mới của thời đại mới.