Cách mạng 4.0 của EVN: Mang đến nhiều dịch vụ tiện ích
Tin tức - Ngày đăng : 21:59, 04/07/2019
Với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ trong kinh doanh điện năng, phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó nổi bật là ứng dụng hệ thống thông tin và dịch vụ khách hàng (CMIS) - phần mềm dùng chung trong công tác kinh doanh điện năng đầu tiên áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) được EVN giao nhiệm vụ xây dựng phần mềm CMIS. Sau một thời gian triển khai và áp dụng, hệ thống CMIS đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong công tác kinh doanh điện năng, công tác quản lý cũng như giảm chi phí đầu tư mua sắm các phần mềm hỗ trợ.
Cách mạng 4.0 của EVN mang đến nhiều dịch vụ tiện ích
Ông Phạm Dương Minh, Giám đốc EVNICT cho biết, đơn vị đã nâng cấp từ phiên bản 2.0 lên 3.0, hệ thống CMIS được bổ sung các chức năng nghiệp vụ mới như: Kiểm tra giám sát mua bán điện; dịch vụ bán lẻ điện năng; quản trị điều hành; các ứng dụng thao tác ngoài hiện trường, quản lý lưu trữ hồ sơ điện tử… Ðây là những chức năng bổ sung, đáp ứng được những yêu cầu mới trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, phù hợp với quy trình kinh doanh điện năng hiện hành của EVN.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, cán bộ EVNICT phụ trách dự án phần mềm này, trước đây để đăng ký sử dụng dịch vụ của ngành Điện, khách hàng phải trực tiếp đến phòng giao dịch điện lực để làm thủ tục, thì nay với CMIS 3.0, có 5 tổng công ty đã hoàn thiện nâng cấp trang mạng chăm sóc khách hàng, trong đó có Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội. Chỉ cần một cuộc điện thoại, một vài thao tác trên điện thoại thông minh hay máy tính kết nối internet, khách hàng có thể đăng ký dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi và thanh toán tiền điện trực tuyến.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, việc dự báo nguy cơ xảy ra sự cố rất bị động và khó khăn, thì hiện nay các đơn vị điện lực chủ động giám sát tất cả các thông số về điện áp, tình trạng quá dòng, đầy tải, lệch pha… của từng trạm biến áp. Cứ 30 phút/lần, hệ thống sẽ cập nhật thông số dữ liệu nên đã sớm phát hiện nguy cơ sự cố, giúp chủ động thông báo với khách hàng, đồng thời khoanh vùng và xử lý sự cố kịp thời.
Hệ thống đo xa tại các trạm biến áp công cộng còn giúp các đơn vị điện lực tính toán chính xác nhu cầu phụ tải cho từng khu vực và trên toàn thành phố theo thời gian xác định. Trên cơ sở đó, việc điều tiết phụ tải, vận hành lưới điện cũng như xây dựng các kế hoạch nâng cấp, đầu tư, cải tạo lưới điện thuận lợi hơn.
Đối tượng hưởng nhiều tiện ích của phần mềm này chính là khách hàng sử dụng điện. Anh Nguyễn Quang Thụy, ở ngõ 323 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) cho biết, nhờ có dịch vụ điện trực tuyến đã giúp gia đình anh rút ngắn thời gian lắp mới đồng hồ đo điện. Mọi thao tác anh đều thực hiện trên mạng và sau đó nhân viên ngành Điện đến tận nhà để tư vấn, khảo sát, lắp đặt mà gia đình không phải đến đến chi nhánh điện.
Những ứng dụng đã tạo bước tiến vượt trội trong các khâu dịch vụ, thể hiện chủ trương ngành Điện chủ động đến với khách hàng, sẵn sàng phục vụ khách hàng theo phương châm “3 dễ”: Dễ tiếp cận - Dễ tham gia - Dễ giám sát; đồng thời giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Với việc ứng dụng CMIS 3.0, thời gian phát hành hóa đơn tiền điện của khách hàng không những được rút ngắn mà còn hỗ trợ việc ghi chỉ số đồng hồ đo điện với độ chính xác cao, đồng thời phản ánh đúng lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng theo nhiều biểu giá, chống gian lận trong sử dụng điện...