Một thời Đông Bắc và những cuộc gặp gỡ kỳ lạ
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:45, 05/07/2019
Tháng 2 năm 1979, một chiều cuối xuân rét mướt, chúng tôi tới Tiên Yên. Phố cổ Tiên Yên ngày thường tấp nập trên bến dưới thuyền, nay đìu hiu vắng vẻ. Dân chúng đã được lệnh sơ tán. Phía Móng Cái, cuộc chiến chống quân xâm lược bành trướng đang diễn ra ác liệt. Chúng tôi cần phải tìm chỗ ngủ qua đêm để ngày mai đi tiếp lên phía mặt trận. Thấy cơ quan hội phụ nữ huyện vừa mở cửa, chúng tôi liền đi tới thì gặp ngay một người đàn ông trẻ tuổi vóc dáng rắn rỏi, khỏe khoắn và tươi tắn bước ra.
Nhà thơ Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Tháng 2 năm 1979, một chiều cuối xuân rét mướt, chúng tôi tới Tiên Yên. Phố cổ Tiên Yên ngày thường tấp nập trên bến dưới thuyền, nay đìu hiu vắng vẻ. Dân chúng đã được lệnh sơ tán. Phía Móng Cái, cuộc chiến chống quân xâm lược bành trướng đang diễn ra ác liệt. Chúng tôi cần phải tìm chỗ ngủ qua đêm để ngày mai đi tiếp lên phía mặt trận. Thấy cơ quan hội phụ nữ huyện vừa mở cửa, chúng tôi liền đi tới thì gặp ngay một người đàn ông trẻ tuổi vóc dáng rắn rỏi, khỏe khoắn và tươi tắn bước ra. Anh hỏi chúng tôi: “Các anh là đoàn nhà văn Việt Nam đi mặt trận? Trong đoàn các anh có nhà văn Ma Văn Kháng không?”. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Ôi Vũ Mão! Cựu thiếu sinh quân những năm 50 bạn tôi. Vũ Mão đang là Trưởng ty Thủy lợi, Tỉnh ủy viên Quảng Ninh, trong những ngày chống quân bành trướng nóng bỏng này, vừa được điều lên đây đảm nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang thống nhất của Tiên Yên.
Buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Tha hương gặp cố nhân. Mừng quá! Chúng tôi, các nhà văn lập tức quấn lấy Bí thư. Và Bí thư, con người lịch thiệp quảng giao dễ mến như tri kỷ gặp tri âm lập tức mời chúng tôi về địa điểm sơ tán của cơ quan Huyện ủy. Một tiệc chiêu đãi nho nhỏ nhưng không kém phần thịnh soạn được mở ngay trong đêm và sau đó kéo dài cho tới nửa đêm là cuộc đôi hồi của Bí thư với chúng tôi. Khỏi phải nói những gì Vũ Mão đã trả lời các câu hỏi của đám nhà văn đang săn tìm tin tức chiến sự. Và thú vị làm sao, chen giữa câu chuyện chiến tranh là thơ của Vũ Mão được chính tác giả đọc cho nghe bài thơ sáng tác năm 1962, khi tác giả sống xa người vợ trẻ đang công tác ở tận thị xã Móng Cái, tỉnh Hải Ninh.
Ngày ấy Ka Long dòng mát xanh
Pò Hen – Thán Phún biếc trong lành
Mênh mang Trà Cổ hoàng hôn tím
Thủy mặc chan hòa đẹp bức tranh
Chinh chiến dấu xưa còn ghi khắc
Dâng trào nhựa sống thủa hùng anh
Đôi mươi xa ngái hồn thơ mộng
Biên ải điệp trùng còn đẫm xanh
Yêu quá đi thôi một tâm hồn rộng mở. Cảm động quá đi thôi tâm tình một chàng chinh phu xa cách người yêu ở hai câu thơ cuối. Mến phục quá đi thôi, vì ngay sau đó là liền một giờ đồng hồ, Vũ Mão đọc cho chúng tôi nghe mấy chương trong cuốn Chuyện ngày thường ở huyện, tập ký sự đang được người đương thời nhiệt tình đón đọc của nhà văn Liên Xô Oveskin qua bản chép tay từ trang đầu đến trang cuối cuốn sách của chính Vũ Mão, một chính trị gia, một tâm hồn thi nhân dạt dào bay bổng!
Một thời Đông Bắc là tập bút ký chính luận ghi chép những kỷ niệm sâu sắc của Vũ Mão trong thời gian đứng mũi chịu sào, gánh vác trọng trách nặng nề ở Tiên Yên. Một thời Đông Bắc là sản phẩm tinh thần của một ngọn lửa hợp thành từ hai nguồn cháy sáng: Nhiệt thành chính trị và phẩm tính thơ mộng của văn nhân thi sĩ họ Vũ.
Về Tiên Yên, Vũ Mão đảm trách nhiệm thống soái về chính trị và quân sự, tài tình thay, thượng cấp khéo léo chọn mặt gửi vàng. Về Tiên Yên, với Vũ Mão chính trị gia và nghệ sĩ, không chỉ là cuộc gặp gỡ với một vùng đất được thiên nhiên ban tặng những ưu đãi, một miền núi non kỳ vĩ, một bờ biển tươi đẹp, một vùng đồng bằng trù phú, một huyền thoại, một vùng đất phong thủy tốt đẹp hữu tình. Một địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đặc sắc. Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên. Tiên Yên với Vũ Mão trong những ngày tháng lịch sử ấy, còn là nơi, người cán bộ chính trị trẻ tuổi say sưa lý tưởng có những cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Tiên Yên – Đông Bắc trong những năm tháng lịch sử không thể quên ấy, thần tình quá, chính là nơi hội tụ quần anh của các gương mặt anh hùng chiến sĩ một thời hào hùng.
Nguyễn Anh Đệ, vị Tư lệnh đầu tiên của Đặc khu Đông Bắc. Phó Tư lệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chiểu, tác giả của hai loại vũ khí nổi tiếng SKZ và A12. Phó Tư lệnh Đoàn Xưởng trẻ tuổi đồng thời là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Thượng tướng Nguyễn Thế Trị thời kỳ chống quân xâm lược là Phó Sư đoàn F323, người có công đóng góp lớn vào kho tàng lý luận quân sự Việt Nam. Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Đại hội Thi đua lần thứ nhất năm 1952 Giáp Văn Khương. Anh hùng Lực lượng vũ trang thời chiến tranh chống Mỹ Lê Mã Lương. Lê Bẩy, thông thạo tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Quan Hỏa, có tài cưỡi ngựa, bắn súng, giỏi võ, tay không đã từng đánh bại nhiều tướng phỉ người Hoa. Vị Chủ tịch đầu tiên của chính quyền miền Đông, xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên, được tôn vinh là Hùm xám miền Đông, khiến thủ lĩnh Xứ Nùng tự trị Voòng A Sáng cũng phải nể sợ. Sùng Lãm, Sư trưởng Sư 320 B đánh đâu thắng đó, vị tướng tài nổi tiếng khắp các chiến trường từ Bắc đến Nam. Nguyễn Đức Tâm, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, con người còn in dấu bóng hình lồng lộng trong thơ Vũ Mão.
Thủa thiếu thời lòng kiên trinh chí lớn
Nghĩa tình dân vượt ghềnh thác
gian lao
Bước tung hoành phong sương trời
Đông Bắc
Lưu dấu đời ngời tâm đức sáng sao…
Kể sao cho hết, mỗi gương mặt, mỗi chân dung, mỗi đặc điểm về tư cách và năng lực. Đẹp biết mấy bài ca ra trận. Mỗi chàng trai một Lê Mã Lương (Thơ Tố Hữu). Và như vậy không thể không trân trọng ghi lại công tích của nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, cô gái mậu dịch viên quê ở Bình Ngọc, Móng Cái, khi quân xâm lược nổ súng đánh chiếm đồn Công an vũ trang 209, đã tự động cầm vũ khí chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, hy sinh ở tuổi 25, hiện có tượng đài ở trường Trung học cơ sở Bình Ngọc để cho các thế hệ trẻ mai sau noi theo tấm gương anh hùng của chị.
Viết về những tháng ngày được gặp gỡ, sống chung và làm việc gần gụi những con người đã góp phần làm nên lịch sử vẻ vang một thời Đông Bắc ấy, tuy chỉ là những câu văn giản dị, nhưng Vũ Mão bao giờ cũng thể hiện sự kính trọng và hơn nữa, lòng ngưỡng mộ chân thành. Bao giờ anh cũng bày tỏ sự chiêm nghiệm, minh triết, thấu đáo của một nhà chính trị cùng thời, rất biết trân quý các giá trị với mỗi phẩm giá tài năng. Đó chính là tầm nhìn của một nhân cách chính trị, nồng nhiệt với lý tưởng chiến đấu xây dựng vì Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là tình yêu của anh với đất nước, đồng bào đồng chí thân yêu. Đó cũng là sự trìu mến ân ưu của một tấm lòng nghệ sĩ dễ xúc động, chan hòa và tha thiết.
Nói Vũ Mão là nhà chính trị là nói một sự thật hiển nhiên. Anh là Tỉnh ủy viên rồi Ủy viên Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh từ khi còn rất trẻ. Anh đã kinh qua các chức vụ Trưởng ty Thủy lợi, Bí thư Huyện ủy, Bí thư Tỉnh đoàn, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng tới 5 khóa, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Anh còn là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, đã từng là Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Hiện thời anh là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và đảm nhiệm công việc này tới 36 năm.
Nói Vũ Mão là một nghệ sĩ cũng là nói một mặc định đã đinh ninh. Anh yêu và sáng tác văn thơ nhạc từ khi còn rất trẻ. Anh là tác giả của hơn hai trăm ca khúc viết về các miền quê yêu dấu của đất nước và đặc biệt có tới gần bảy chục ca khúc viết về tình hữu nghị với các nước trên thế giới. Anh đã cho xuất bản các tập thơ: Lộng gió bốn phương, Tự lòng, Cùng em góc biển chân trời, Dòng thu, Tình khúc thời gian, Thao thức, Khát vọng xanh, Sắc hương cho đời (Song ngữ Anh Việt)…
Nhà chính trị và nghệ sĩ. Tình yêu và lý tưởng. Hai trong một hài hòa. Đó là cảm giác khá thú vị khi đọc tập bút ký này của anh Vũ Mão.
Hà Nội, ngày 23/4/2019