Hoa trạng nguyên

Truyện - Ngày đăng : 14:41, 07/07/2019

- Thơm ơi, ra ăn sáng, chuẩn bị đi thi kẻo muộn! - Dạ. Cháu ra liền đây nội! - Ăn đi cháu! Còn ít đậu xanh với hơn lon gạo nếp nội dành bấy lâu. Đi thi mà ăn xôi đậu thì may mắn lắm đấy! - Nội…! Nội vất vả vì cháu nhiều quá. Cháu…
Hoa trạng nguyên
Minh họa của vũ khánh
 - Thơm ơi, ra ăn sáng, chuẩn bị đi thi kẻo muộn!
- Dạ. Cháu ra liền đây nội!
- Ăn đi cháu! Còn ít đậu xanh với hơn lon gạo nếp nội dành bấy lâu. Đi thi mà ăn xôi đậu thì may mắn lắm đấy! 
- Nội…! Nội vất vả vì cháu nhiều quá. Cháu…

- Không sao cả. Cháu thi tốt. Đậu đại học, sau này làm cô giáo là nội mừng rồi. Bà Mùi rơm rớm. Bà nhìn đứa cháu gái, miệng cười an vui, tin tưởng.

- Ở nhà, mẹ nhớ tưới nước cho hàng rào trạng nguyên trước ngõ. Dạo này nắng quá, cây cối thiếu nước khô khốc hết. Anh Thành, ba của Thơm từ ngoài sân bước vào nhà. Trước khi đưa cái Thơm đi thi, anh không quên dặn mẹ.
- Mẹ nhớ rồi. Có thằng cu Cường, mẹ sẽ không quên đâu.

- Chị Hai! Chị Hai!
- Cường! Em dậy sớm làm gì. Ngủ thêm chút nữa đi. Tiếng của bà nội, của ba và chị gái nói chuyện khiến thằng bé choàng tỉnh giấc. Lấy tay dụi dụi hai mắt cho tỉnh ngủ, nó trườn xuống khỏi giường, bước ra nhà ngoài trên đôi chân vừa teo vừa khoèo, tay cầm tờ giấy giấu ở đầu giường từ tối qua. Nó đưa cho Thơm:

- Chị hai cầm bức tranh này đi!
- Ôi! Út… út vẽ khi nào thế? Nội ơi, ba ơi, nhìn bức tranh út vẽ này! Bông trạng nguyên màu đỏ thắm! Cường bẽn lẽn, tay đưa lên gãi đầu, miệng cười chúm chím:

- Em vẽ hôm qua đấy. Giá như trạng nguyên cho hoa mùa này, em sẽ hái cả một bó thật to tặng chị hai.

- Chà chà! Cháu của nội có khiếu vẽ đấy. Sau này nó sẽ thành tài đây. Bà Mùi xoa đầu Cường, tấm tắc khen.

- Nhưng sao con lại vẽ hoa trạng nguyên?

- Vì nội bảo, hoa trạng nguyên đem đến sự tốt lành, may mắn cho bất cứ ai có nó. Anh Thành nghe con nói thì mỉm cười.
- Con trai ba giỏi lắm.

- Cảm ơn út. Chị hai sẽ cố gắng thi tốt để không phụ lòng nội, ba và út đã lo lắng, quan tâm. Thơm xúc động nhìn em trai rồi cẩn thận cất bức vẽ vào ba lô.

Trời tang tảng sáng, ba con anh Thành khăn gói đi bộ ra đầu làng để chờ xe buýt. Đường từ nhà xuống phố huyện chừng 20 cây số. Chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày khoảng 5 giờ rưỡi sẽ chạy ngang qua cây gạo đầu làng. Phải ra sớm cho kịp giờ. 

Bà Mùi và Cường vẫn đứng đầu ngõ cho đến khi ba con anh Thành đi  khuất dần cuối con đường rợp lá trạng nguyên. Rồi bà giục Cường vào nhà. Thằng bé níu tay bà nó cố đứng lại thêm chút nữa.

- Vào nhà kẻo sương xuống sẽ cảm lạnh mất. Bà giục đến lần thứ ba, đôi chân tật của Cường mới chịu bước. Tay nó nắm lấy tay bà, hai chân vòng kiềng bước từng bước theo. Nghĩ đến bức vẽ đã tặng chị hai, nó cảm thấy trong lòng rộn vui khó tả. Nó có niềm tin chắc chắn rằng chị Thơm nó sẽ làm bài tốt và đậu đại học.

Chị Lan, mẹ Thơm qua đời đã 10 năm. Lúc đó, Thơm lên 8, còn Cường thì mới tròn 2 tuổi. Anh Thành, ba của hai đứa nhỏ một mình mưu sinh nuôi mẹ già và hai con. Bà Mùi, mẹ anh Thành nay đã ngoài 70. Anh Thành thì đau bệnh suốt, căn bệnh hen suyễn trở nên mãn tính dẫu anh đã bỏ nghề công nhân lò gạch để chuyển sang nghề phụ hồ mấy năm nay. Mỗi khi trở trời, cơn tức ngực, ho khan, khó thở lại khiến anh cảm thấy khó chịu. Việc chữa bệnh của anh cũng chỉ cầm chừng với vài ba viên thuốc mua từ tiệm thuốc tây ngoài đầu làng. Thấy ba vất vả, có lần Thơm xin nghỉ học để đi làm công nhân. 

- Con dù đậu đại học thì cũng không có đủ tiền để mà học đâu. 
- Dù khó khăn thế nào, con cũng không được bỏ học. Đời ba khổ nhưng sẽ không để đời các con phải khổ theo. Giọng anh Thành dứt khoát.

Thơm là cô bé ngoan ngoãn, học giỏi. Ước mơ của Thơm là được làm cô giáo. Ước mơ ấy được ấp ủ từ hồi mẹ của Thơm còn sống. 

Chị Lan cũng từng là giáo viên. Chị và anh Thành quen nhau trong một lần chị về thực tập ở trường quê. Hai người dành tình cảm cho nhau. Bị gia đình ngăn cấm, nhưng vì tình yêu với anh Thành, chị Lan quyết định bỏ dạy trên phố để về quê sống với chồng. Bà Hương, mẹ chị Lan quyết từ mặt con gái từ đó.

Mấy năm sau, khi chị Lan bị bệnh nặng qua đời, bà Hương có về hương khói đôi lần và nhìn mặt hai đứa cháu ngoại. Có lần bà bảo với anh Thành:

- Tôi muốn đón cái Thơm lên phố ở cùng. Cái Thơm lành lặn, nuôi nó, sau này lớn lên còn nhờ đỡ nó ít nhiều chứ thằng Cường vừa khoèo vừa teo chân thì ở với anh. 

- Dù sao có chị có em vẫn tốt hơn mẹ ạ. Con tuy vất vả nhưng sẽ cố gắng nuôi hai đứa. Sau câu nói có ý từ chối của con rể, bà Hương lên xe về phố. Cả chục năm trôi đi, không có lấy một tin tức gì nữa.

Cường sinh ra đã bị tật bẩm sinh. Cũng vì nghèo, không có tiền nên thời gian mang thai con, chị Lan không có điều kiện đi khám thai. Hạnh phúc chưa tròn khi bác sĩ thông báo mình sinh con trai thì tin sét đánh đến liền sau đó. Đôi chân Cường vừa bị khoèo vòng kiềng vừa bị teo lại. Bác sĩ khuyên nên đưa Cường lên tuyến trên để chữa đôi chân khi nó còn nhỏ. Nhưng lấy tiền đâu chữa bệnh cho con. Chị nuốt nước mắt nhủ lòng sẽ cùng chồng làm lụng, vay tạm để cứu lấy đôi chân cho con trong thời gian sớm nhất. Nhưng sự đời vốn trớ trêu. Chị phát hiện mình bị ung thư sau một thời gian cảm thấy mệt mỏi, giảm cân. Căn bệnh đã quật ngã ước mơ và dự định chính đáng của người mẹ tội nghiệp ấy chỉ trong mấy tháng sau đó. Đến tận bây giờ, ước mơ chữa đôi chân cho con trai với anh Thành vẫn là còn là niềm hi vọng.

Hơn 10 tuổi, Cường vẫn vô tư, vui vẻ như bao đứa trẻ bình thường. Không vì đôi chân tật mà nó mặc cảm, bi quan. Nó vẫn ra đầu làng chơi với mấy đứa bạn trong xóm. Bạn bè trêu chọc. Nó nhoẻn miệng cười:

- Chân mình rồi sẽ lành lại như chân các bạn thôi. Ba mình bảo thế. Chờ ba làm nhiều tiền rồi sẽ chở mình lên phố chữa đôi chân. Nghe Cường nói, mấy đứa liền cười cợt:

- Nhà mày nghèo rớt mồng tơi, lấy đâu ra nhiều tiền mà chữa chân cho mày. Bà nội mày già yếu. Ba mày thì bị bệnh lại đi làm thuê. Còn chị mày thì chuẩn bị thi đại học…

- Mình… thế thì mình sẽ chờ chị hai. Chị ấy học giỏi sẽ thi đậu đại học. Sau này chị đi làm có tiền chữa chân cho mình cũng được.

- Nội cho con tưới cây trạng nguyên với!
- Thôi để nội làm. Chân con thế múc nước dưới ao lên rất khó. Không khéo lại ngã đau.

- Không sao đâu nội. Mỗi lần lấy nước lên, con xách ít là được. Trời nắng, trạng nguyên cần được tưới nước đều để có sức đâm chồi. Cây tươi tốt nghĩa là nội và ba luôn khỏe mạnh. Nghĩa là chị hai sẽ thi tốt. Để khi đông đến, hoa mới nở đẹp, nội nhỉ? Nghe mấy câu nói của cháu, bà Mùi bùi ngùi. Thằng bé vốn thiệt thòi đủ điều, vậy mà nó vẫn cứ nghĩ cho người khác. Lặng yên một lát, bà Mùi vui vẻ bảo:

- Vậy bà cháu ta chăm cây thôi! Cường dạ ngoan. Nó tưới cây bằng tất cả niềm hạnh phúc, hi vọng và chờ đợi.
- Nội ơi, chiều nay ba và chị hai sẽ về nội nhỉ?

- Ừ. Chiều nay ba và chị hai con sẽ về. Để nội ra vườn kiếm nắm rau tập tàng nấu canh. Trong khi nội nó hái rau, Cường hết ra ngõ lại vào sân, vẻ sốt sắng, trông đợi. 

- Có mệt không con?
- Con không mệt ba ạ. Mình về nhà thôi ba! Thơm cười, vuốt mồ hôi lấm tấm trên trán.

- Ừ… Chắc nội và thằng Cường đang mong lắm. Đối với anh Thành, mấy bữa đưa con xuống huyện đi thi quả là khoảng thời gian có thật nhiều kỉ niệm. Đó là chuyện bà Thuận, chủ nhà trọ, góa bụa nhưng có tấm lòng rộng lượng, bao dung. Bà cho ba con anh ở trọ miễn phí. Là câu chuyện của chị Hân, chủ quán nước bên đường thật thà, đáng trọng, nhặt được của rơi, tìm đến tận nơi để trả lại người đánh mất. Rồi những người cha, người mẹ ngồi bên ngoài cổng trường chờ con làm bài thi. Anh Thành thấy họ cũng giống như mình, đều thương con nên chấp nhận hi sinh tất cả miễn sao con có tương lai tốt đẹp. 

Chiều trải nắng trên hàng rào trạng nguyên trước ngõ. Cường vẫn đứng ở cổng đợi. Mắt nó đăm đăm nhìn về cuối con đường rợp bóng trạng nguyên. Bất chợt, nó sung sướng reo:

- Ba… chị Thơm! Nội ơi, ba và chị Thơm về rồi! Đôi chân khoèo của nó mạnh mẽ từng bước chạy về phía ba và chị gái. Hai chị em ôm chầm lấy nhau như thể đã xa nhau từ lâu lắm. Thơm vui vẻ:

- Nhờ có bông trạng nguyên út tặng mà hai làm bài tốt hết!
- Có thật không hai! Nó cười tít.

- Út nói rồi mà. Hoa trạng nguyên luôn đem tới may mắn cho mọi người. 

- Nếu thế, chị hai cũng sẽ vẽ một bông hoa trạng nguyên để tặng út. Hai hi vọng may mắn cũng sẽ đến với út. Nói rồi, chị em Thơm nắm tay nhau vừa đi vừa kể chuyện mấy ngày chị em xa nhà. Cường huyên thuyên đủ thứ khiến ba nó nghe mà bật cười.

Hai bức vẽ hoa trạng nguyên được dán ngang hàng nhau trên bức tường đã nứt nẻ, xỉn màu. Cường ngắm bức tranh chị hai vẽ tặng nó. Còn Thơm thì ngắm bức vẽ Cường tặng. Chúng mải mê bàn luận về những may mắn… Ngôi nhà nhỏ ngập tràn tiếng nói cười yêu thương.

- Cường…! Phải thằng cu Cường đây không?
- Dạ… cháu là Cường ạ. Bà là…
- Bà… bà… là bà ngoại của cháu đây… Cường đang ngồi chơi cùng đám bạn bên hàng rào trạng nguyên thì chiếc xe hơi sang trọng dừng lại ngay trước ngõ. Bà Hương bước ra khỏi xe, dừng lại hỏi khi nhìn thấy Cường. Thằng bé đang lớ ngớ thì anh Thành và con bé Thơm cũng vừa đi làm đồng về.

- Mẹ… sao… mẹ lại về đây!
- Mẹ… mẹ nhớ cháu, thương cháu. Mẹ thấy có lỗi nên…

Bà Hương kể cho bà Mùi và Thành nghe về khoảng thời gian mười năm sống trong dằn vặt, ân hận vì đã đối xử tệ với con với cháu. Bây giờ bà giàu có nhưng lại không người thân thích bên mình. Con trai đầu định cư ở nước ngoài năm mới về một lần. Chồng bà đã qua đời cách đây 3 năm. Bà sống một mình thui thủi, trống trải, cô đơn. 

- Mẹ muốn chung tay cùng con nuôi hai cháu ngoại. Mẹ sẽ nuôi cái Thơm học đại học, lo tương lai cho nó. Mẹ cũng sẽ tìm bác sĩ tốt nhất để chữa đôi chân cho thằng cu Cường. 

- Thôi thì… tất cả là vì tương lai của hai đứa trẻ! Bà Mùi nhìn con trai, nhìn bà Hương rồi lại nhìn hai đứa trẻ, bảo:
- Cảm ơn bà. Bà nói phải. Bà Hương khẽ đưa tay lên lau nước mắt.
Thơm nhìn Cường. Trong giây lát, hai chị em cùng hướng về những bức tranh vẽ hoa trạng nguyên dán trên tường. Chúng chợt nghĩ thì ra hoa trạng nguyên còn có ý nghĩa là sự đoàn tụ, hạnh phúc.

An Viên