Thúc đẩy thị trường việc làm phát triển bền vững

Tin tức - Ngày đăng : 18:12, 07/07/2019

Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường lao động, việc làm ở Hà Nội tuy sôi động, song vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhằm thúc đẩy thị trường phát triển cân đối, bền vững, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, nỗ lực kết nối cung - cầu về lao động, tạo điều kiện cho những đối tượng có nhu cầu tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi…
Thúc đẩy thị trường việc làm phát triển bền vững
Đông đảo người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm quận Long Biên diễn ra giữa tháng 6-2019.

6 tháng đạt 61,7% kế hoạch cả năm 2019

Thống kê của 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố giải quyết việc làm cho hơn 90.000 người, đạt 61,7% kế hoạch. Điển hình là các quận Tây Hồ, Long Biên đã hoàn thành hơn 80% mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động. Những địa phương còn khó khăn như huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa… cũng có số người lao động tìm được việc làm vượt xa so với cùng kỳ những năm trước.

Chị Trần Thị Nga (tổ dân phố 12, phường Phúc Đồng, quận Long Biên) chia sẻ: “Sau nhiều năm tạm nghỉ chăm sóc con nhỏ, tôi đã tham gia phiên giao dịch việc làm quận Long Biên diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua và may mắn tìm được công việc phù hợp”. Còn anh Nguyễn Văn Thịnh (thôn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) kể: “Tốt nghiệp khóa học nghề mộc dành cho lao động nông thôn vào cuối năm 2018, tôi được một doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm việc, với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, cao gấp 2 lần so với thời gian làm công việc tự do”.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì đà khởi sắc, mang đến cơ hội giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho nhiều gia đình. Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách nhân sự, Tổng công ty May 10 (phường Sài Đồng, quận Long Biên) đánh giá, những người trong độ tuổi lao động ở Hà Nội tham gia vào thị trường lao động nhiều hơn, góp phần bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, Tổng công ty May 10 đã tuyển dụng được nhiều lao động, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, kinh tế - xã hội Thủ đô đạt kết quả nổi bật trong những tháng đầu năm, mang đến cơ hội việc làm cho nhiều lao động. Cùng với đó, thành phố đã bố trí thêm nguồn ngân sách và ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hơn 26.000 lượt hộ gia đình vay gần 1.100 tỷ đồng giải quyết việc làm. Đến ngày 30-6, nguồn dư nợ cho vay giải quyết việc làm đã đạt gần 3.300 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các địa phương còn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với khả năng, nhu cầu của từng đối tượng, bảo đảm hơn 80% số người tham gia học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp…

Với đà phát triển như hiện nay, mục tiêu giải quyết việc làm cho 154.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 4% trong năm 2019 của thành phố sẽ cán đích trước thời hạn.

Nâng cao hơn hiệu quả kết nối cung  - cầu

Lao động trong độ tuổi có việc làm tăng nhanh, tỷ lệ thất nghiệp giảm là tín hiệu đáng mừng. Song, thực tế mức tăng trưởng này vẫn chưa thúc đẩy thị trường lao động, việc làm ở Hà Nội phát triển cân đối, bền vững.

Số liệu tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 50.000 lao động tại các phiên giao dịch việc làm, trong khi số lao động đến tìm hiểu thông tin về thị trường, nghe tư vấn, định hướng nghề nghiệp qua kênh này chỉ có gần 38.000 người. Sau quá trình phỏng vấn, các doanh nghiệp tuyển được gần 11.000 lao động, bằng hơn 20% chỉ tiêu.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động chưa cao là do nguồn cung chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng. Hơn nữa, thông tin về thị trường lao động chưa được kết nối thông suốt tại một số ngành, địa phương. Để khắc phục tình trạng này, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mong muốn các quận, huyện, thị xã phối hợp với Trung tâm đưa thông tin thị trường lao động về cơ sở thông qua mạng lưới các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh, phiên giao dịch việc làm lưu động…

Việc tuyển sinh, đào tạo nghề theo sát nhu cầu xã hội được coi là giải pháp trọng tâm, nhằm đưa thị trường lao động phát triển theo chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, song cũng bộc lộ những hạn chế. Đến thời điểm này, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn mới tuyển sinh được hơn 50.000 người, bằng 24,5% kế hoạch năm. Mối liên kết giữa người lao động - nhà trường và doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp còn lỏng lẻo.

Bằng chứng là, toàn thành phố hiện có hơn 200.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có hơn 500 doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. “Muốn đưa công tác tuyển sinh, đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề, bắt buộc doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua đào tạo vào làm việc”, ông Chu Khắc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội kiến nghị.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, thu thập, phân tích thông tin về cung - cầu lao động trên phạm vi rộng. Kết quả điều tra là căn cứ để các ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch giải quyết việc làm khoa học, hiệu quả và hệ thống giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh theo sát nhu cầu. Các địa phương tập trung nâng cao chất lượng tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều gia đình được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm…

Với những giải pháp triển khai đồng bộ, hy vọng thị trường lao động, việc làm ở Hà Nội sẽ phát triển đúng hướng.

Với đà phát triển như hiện nay, mục tiêu giải quyết việc làm cho 154.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 4% trong năm 2019 của thành phố sẽ cán đích trước thời hạn.

Minh Ngọc/HNM