Xây dựng thương hiệu: Yếu tố sống còn của nông sản Việt
Tin tức - Ngày đăng : 06:51, 08/07/2019
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều… Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, do chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính. Đáng chú ý, có tới 90% lượng nông sản Việt được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Và khoảng 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, không có logo, nhãn mác. Nếu không cải thiện được vấn đề này, Việt Nam khó có thể bứt phá để trở thành nước dẫn đầu về xuất khẩu nông sản.
Đơn cử như sản phẩm chè, hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam, mà chủ yếu biết đến nhãn chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...
Dù Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta, nhưng thực tế tại thị trường nước ngoài vẫn chưa có thương hiệu lớn cà phê Việt Nam theo đúng nghĩa. Đây không chỉ là bất lợi lớn với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản, mà còn khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Phú Ngọc (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, nhiều sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài đã được chuyển thành thương hiệu của nước khác, hay nói cách khác mình chỉ là công cụ sản xuất cho nhãn hiệu nước ngoài. Vì vậy, mấu chốt của xây dựng thương hiệu là chất lượng, xây dựng quy cách cho sản phẩm đáp ứng yêu cầu mà phía đối tác đưa ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh), việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam mới dừng ở mức khuyến khích. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập. Khoa học kỹ thuật lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Tập trung vào ngành hàng thế mạnh
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, chỉ có phát triển thương hiệu, nông sản Việt mới có thể trụ vững trên thị trường quốc tế. Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để tạo dựng thương hiệu, bảo đảm các mặt hàng này đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, xây dựng thương hiệu nông sản nên tập trung vào thương hiệu quốc gia, sau đó là thương hiệu vùng. Chỉ cần nói đến Bordeaux (Pháp), cả thế giới nghĩ đến rượu vang. Hay nhắc đến pizza là mọi người sẽ đều nghĩ đến Italia. Đây chính là một dẫn chứng thành công trong việc xây dựng thương hiệu vùng.
Điển hình như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là một trong những loại đặc sản nổi tiếng, được người tiêu dùng cả nước ưa thích. Để hạn chế tình trạng được mùa mất giá, các cơ quan chức năng của huyện đã nỗ lực quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, khẳng định nguồn gốc cũng như đặc thù của vải thiều Lục Ngạn… Đến nay, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 8 quốc gia gồm: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia và Mỹ.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Trong khuôn khổ của chương trình, Bộ Công Thương dành sự hỗ trợ rất cụ thể cho các doanh nghiệp riêng trong lĩnh vực nông thủy sản để hỗ trợ cho quá trình tiếp cận thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu.
Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho nông sản. Nhờ đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng để phát triển sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch. Từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút nhà nhập khẩu, du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng.