Đấu thầu qua mạng: Nâng hiệu quả, tăng hấp dẫn
Tin tức - Ngày đăng : 06:52, 08/07/2019
Sáu tháng đầu năm 2019, đã có 13.400 gói thầu được đấu thầu qua mạng, với tổng giá trị 37.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hình thức đấu thầu qua mạng đang trong xu hướng phát triển và thu được kết quả tích cực bước đầu đối với các chủ thể tham gia là nhà thầu và bên mời thầu... Số lượng gói thầu và giá trị các gói thầu đang có xu hướng tăng qua các năm. Trong giai đoạn năm 2016-2018, đã có 30.527 gói thầu được đấu thầu qua mạng, với tổng giá trị là 61.872 tỷ đồng, tổng giá trị trúng trúng thầu là 57.266 tỷ đồng (tiết kiệm 7,44%). Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, đã có 13.400 gói thầu được đấu thầu qua mạng, với tổng giá trị là 37.000 tỷ đồng, bằng hơn một nửa giá trị của cả giai đoạn năm 2016-2018.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng xác nhận, đấu thầu qua mạng đã trở thành công cụ hữu hiệu để loại bỏ các hành vi tiêu cực trước đây như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, lợi ích nhóm..., mang lại lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp và cộng đồng.
Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang dẫn đầu khối doanh nghiệp nhà nước, với tỷ lệ gần 60% các gói thầu được áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng. Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN, EVN luôn dành nguồn vốn rất lớn để đầu tư, xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu năng lượng của cả nước, nên việc đấu thầu là thường xuyên. Việc lựa chọn đấu thầu qua mạng đã góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như giúp đơn vị tiết kiệm, giảm chi phí.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân, ông Ngô Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ y tế (trụ sở tại phường Việt Hưng, quận Long Biên) chia sẻ: “Chúng tôi đã quan tâm đến hoạt động đấu thầu qua mạng và tìm hiểu kỹ để tham gia. Gần đây, công ty đã đấu thầu qua mạng thành công một số gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho một số bệnh viện thuộc ngành Giao thông - Vận tải tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An... Mọi việc diễn ra rất chặt chẽ, nhưng bình đẳng và chính xác, qua đó chúng tôi đã chứng tỏ được năng lực của mình, đáp ứng được yêu cầu của bên mời thầu”.
Đến nay, đấu thầu qua mạng đang được triển khai tại nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Hiệu quả rõ rệt của hình thức đấu thầu này đã được chứng minh trên thực tế và tạo ra sức hấp dẫn để các chủ đầu tư áp dụng. Đó là sự đáp ứng đầy đủ, chính xác và công khai về thông tin của chủ dự án (bên mời thầu). Do đó, mỗi nhà thầu có thể tự lượng sức mình, cân nhắc việc có tham gia đấu thầu hay không; có thể tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại... so với cách đấu thầu cũ. Đặc biệt, các nhà thầu có thể chủ động và “thi đấu” sòng phẳng với nhau. Do giao tiếp trên mạng, nên các bên liên quan không tiếp xúc trực tiếp, từ đó triệt tiêu được những hành động tiêu cực. Chỉ đơn vị xứng đáng, đáp ứng các yêu cầu của gói thầu mới có thể được lựa chọn.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay, hầu hết các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước và địa phương đã áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng. Một số địa phương đi đầu trong thực hiện đấu thầu qua mạng là: Đà Nẵng, Hòa Bình, Sơn La, Đắk Nông…; trong khi các bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải đứng trong tốp đầu khối các bộ, ngành đã triển khai đấu thầu qua mạng.
Chủ động khuyến khích doanh nghiệp tham gia
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tỷ lệ gần 60% các gói thầu được áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng. Ảnh: Bá Hoạt
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, dù đấu thầu qua mạng đang trở nên phổ biến, nhưng kết quả vẫn hạn chế, chưa tận dụng hết dư địa, cũng như còn cách xa so với yêu cầu của Chính phủ. Cụ thể, số lượng gói thầu đã đấu thầu qua mạng trong 6 tháng qua mới chiếm tỷ lệ 28% trong tổng gói thầu, trong khi yêu cầu là 50%.
Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền về hiệu quả của đấu thầu qua mạng chưa đầy đủ. Đơn cử, đến nay mới có 18% các nhà thầu biết và sẵn sàng tham gia đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, một số quy định pháp lý chưa thật phù hợp, năng lực cán bộ thực hiện công việc này còn hạn chế, không đồng đều, ít kinh nghiệm...
Đáng lưu ý, kết quả và mức độ áp dụng đấu thầu qua mạng hầu như không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đơn vị có dự án cần mời thầu, mà phụ thuộc vào trách nhiệm, ý chí của ban lãnh đạo và người đứng đầu. Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương thông tin, một số tỉnh xa xôi, thiếu trang thiết bị, chất lượng nhân lực bị đánh giá còn hạn chế…, nhưng tỷ lệ đấu thầu qua mạng vẫn xếp hạng cao trong cả nước. Điều đó chứng tỏ nếu lãnh đạo địa phương, đơn vị có sự cầu thị, quyết liệt thực hiện thì kết quả sẽ khả quan. "Tại sao tỉnh nghèo như Sơn La, Đắk Nông... vẫn đạt tỷ lệ đấu thầu qua mạng cao? - ông Nguyễn Đăng Trương đặt câu hỏi và thông tin - thời gian tới, Cục Quản lý đấu thầu sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình đấu thầu qua mạng; đôn đốc các đơn vị chủ động thực hiện, cũng như công bố tên các đơn vị cố tình né tránh...".
Ông Adu Gyamfi Abunyewa, chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất, nếu ngành chức năng chủ động, khuyến khích doanh nghiệp quy mô nhỏ tham gia đấu thầu qua mạng sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực. Đó là, phát huy tính tự chủ, tự tin của doanh nghiệp, cũng như cung cấp cơ hội cho họ một cách bình đẳng. Qua đó, doanh nghiệp nhỏ sẽ trưởng thành, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa...
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025, với mục tiêu 100% gói thầu có giá trị nhỏ (bằng 2 tỷ đồng trong năm 2019; sau đó nâng lên 5 tỷ đồng năm 2020 và 10 tỷ đồng năm 2021) sẽ được đấu thầu qua mạng. Đây là những “ngưỡng” giá trị gói thầu phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vai trò nhà thầu.