Ngăn chặn lừa đảo mua bán nhà đất bằng vi bằng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:21, 08/07/2019
Anh P.T.T. (ngụ tại quận Tân Bình) cho biết, vào cuối năm 2017, anh mua một ngôi nhà có diện tích 48m2 ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), với số tiền 670 triệu đồng. Căn nhà của anh T. là một trong 4 căn nhà được chủ nhà xây dựng trên khu đất rộng 130m2. Vì diện tích mỗi căn nhà đều nhỏ hơn quy định được tách sổ nên cả 4 căn đều chung một "sổ đỏ".
Do căn nhà không có "sổ đỏ" riêng nên anh T. không thể làm hợp đồng công chứng và sang tên chủ sở hữu. Vì thế, anh cùng chủ nhà ra văn phòng thừa phát lại trao tiền, lập vi bằng về việc giao dịch. Theo anh T., người bán cam kết sau khi bán hết 3 căn nhà còn lại sẽ sang tên tất cả người mua vào "sổ đỏ". Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, anh T. bất ngờ nhận được thông báo là toàn bộ khu đất bị ngân hàng siết nợ vì chủ nhà đem thế chấp ngân hàng và mất khả năng trả nợ. “Vi bằng lập ra chỉ có giá trị khi chúng tôi tiến hành khởi kiện chủ nhà lừa đảo mình. Nhưng họ cũng phá sản rồi thì lấy đâu ra tiền mà đền bù cho chúng tôi...”, anh T. chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 11 văn phòng thừa phát lại đang hoạt động, và hiện vẫn có một số văn phòng cố tình cấu kết với “cò” đất để lập vi bằng mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận nền, giao nhận tiền để che giấu mục đích xấu.
Về vấn đề này, ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 5 cho biết: "Vi bằng của thừa phát lại không phải văn bản công chứng, chứng thực; vi bằng không xác nhận các hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng của thừa phát lại là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật...".
Để ngăn chặn tình trạng trên, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện hướng dẫn của Sở, UBND các quận, huyện đã tăng cường công tác phổ biến pháp luật về hoạt động thừa phát lại nói chung và hoạt động lập vi bằng nói riêng. Trong đó một số quận, huyện đã cảnh báo người dân không thực hiện các giao dịch về nhà, đất thông qua hình thức lập vi bằng.
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, từ công tác kiểm tra, giải quyết việc đăng ký vi bằng của thừa phát lại, Sở nhận thấy hầu hết các vi bằng do văn phòng thừa phát lại lập chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên, không ghi nhận các giao dịch về chuyển nhượng nhà, đất giữa các bên. Khi có nhu cầu chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất, Sở đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ các tổ chức hành nghề công chứng để được giải quyết theo thẩm quyền...