Thiết kế không gian công cộng - điểm tô cho hồn cốt đô thị: Cần sự chung tay của cộng đồng
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:17, 09/09/2022
Tiến sĩ lý luận và lịch sử mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế:
Những ý kiến đóng góp là vô cùng quan trọng
Không gian công cộng ở Hà Nội hiện còn rất thiếu, và đặc biệt là Hà Nội chưa có quy hoạch cụ thể trong lĩnh vực thiết kế không gian công cộng. Việc quy hoạch này rất quan trọng bởi tương ứng với mỗi không gian sẽ có các hình thái, phong cách nghệ thuật khác nhau, quy hoạch sớm thì sẽ không tạo ra sự xung đột giữa các không gian. Hơn nữa, việc quy hoạch còn giúp xác định được tiêu chí, chẳng hạn, một trong những tiêu chí rất quan trọng của thiết kế công cộng là tính đặc thù của từng khu vực. Ví dụ như ở Huế, từ lâu chính quyền địa phương đã có quy hoạch cụ thể về vấn đề này. Những thiết kế trong không gian tâm linh cổ kính của Hoàng thành sẽ có hình thức, phong cách khác với nét trẻ trung, hiện đại như thiết kế những khu thương mại.
Còn ở Hà Nội hiện nay, các thiết kế cho không gian công cộng như đường phố, công viên, vườn hoa... có vẻ như đang rơi vào tình trạng “đồng phục” trong khi đáng lẽ các thiết kế liên quan tới khu phố cổ, khu trung tâm chính trị... cần có nét riêng mang tính đặc thù. Tiếp đến là thiết kế đô thị. Tôi có thể đưa ra một ví dụ về thiết kế biển hiệu của các hàng quán... Nếu như chúng ta đọc lại tư liệu thời Pháp thì sẽ thấy rõ rằng, các thiết kế tại khu phố cổ rất có “màu sắc”, có phong cách riêng. Còn bây giờ, thử nhìn biển hiệu cửa hàng tại khu phố cổ với một cửa hàng ở ngoại thành Hà Nội sẽ thấy cơ bản là khá giống nhau.
Việc thiết kế không gian công cộng hiện còn gặp một khó khăn nữa, liên quan tới vấn đề đào tạo. Những chuyên ngành về thiết kế không gian công cộng chưa trở thành một chuyên ngành đào tạo đúng nghĩa. Ví dụ như Trường Mỹ thuật công nghiệp tới đây mới thành lập một khoa có liên quan đến thiết kế công cộng, còn trước đây chỉ phân khoa chung chung.
Thêm vào đó, tôi cho rằng, khi đặt bút thiết kế không gian công cộng, tức là dành cho cộng đồng thì những ý kiến đóng góp của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần coi trọng hơn nữa công tác điều tra, phỏng vấn xã hội học để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với mong muốn, nhu cầu của người dân. Đồng thời, cộng đồng thiết kế không gian công cộng cũng nên học tập kinh nghiệm hay ở các thành phố khác tại Việt Nam như Huế, Hội An hay của các thành phố lớn trên thế giới.
Kiến trúc sư Lê Việt Hà - Chủ tịch VietNam Design Group:
Sự phát triển còn lộn xộn, thiếu bản sắc
Hà Nội là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Điều đó cho thấy thiết kế sáng tạo đang được ưu tiên, được coi trọng. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó) và bước vào giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ thì sự phát triển ở nhiều khu vực trở nên khá lộn xộn, thiếu bản sắc.
Nhìn sang nhiều thành phố khác trên thế giới, dễ thấy từ rất lâu họ đã có các hoạt động thiết kế làm đẹp không gian công cộng. Chẳng hạn, chương trình Văn hóa và nghệ thuật công cộng của thành phố Durham (Bắc Carolina, Mỹ) hợp tác với Keep Durham Beautiful (KDB) đã nhận được khoản tài trợ 15.000 USD từ South Arts để thúc đẩy việc ngăn chặn nạn xả rác thông qua sáng tạo nghệ thuật công cộng tại ba nhà chờ xe buýt tại Durham. Tại Việt Nam, các không gian công cộng ít nhiều thiếu sự vào cuộc của các nhà thiết kế. Với những bức tường bị bôi bẩn hay các thanh chắn đường xấu xí, chúng ta có thể học cách của nhà thiết kế Tây Ban Nha, ông Diego Cortizas del Valle với ý tưởng tận dụng chấn song cửa cũ mang đậm nét Hà Nội để làm hàng rào. Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể dùng những hàng rào giàu màu sắc này để ngăn đường ở phố đi bộ khi cần.
Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự hợp tác và cùng tham gia của cộng đồng trong quá trình đóng góp ý kiến cũng như tham gia xây dựng không gian công cộng. Qua đó, nhiều người hiểu hơn về giá trị từ công việc mà các nhà thiết kế đang làm, và họ sẽ chủ động chung tay gìn giữ, trân trọng không gian công cộng ấy hơn.
Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playgrounds:
Người thiết kế phải đặt mình vào vị trí người sử dụng
Khái niệm không gian công cộng rất rộng, nó bao gồm cả công viên, vườn hoa, rồi thậm chí là vỉa hè, ngõ hay không gian mặt nước... Tuy nhiên, từ trước đến nay, người ta thường nghĩ không gian công cộng là công viên, vườn hoa và bỏ qua các không gian quan trọng khác khiến việc thiết kế không gian công cộng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cụ thể, vì không coi đường là không gian công cộng nên chúng ta không thường đặt câu hỏi rằng nó có được thiết kế tốt hay không, nó đã phù hợp và dành cho tất cả mọi người như cái tên “công cộng” của nó hay chưa. Nhờ việc đặt câu hỏi đó và tìm cách trả lời, chúng ta sẽ nhận ra rằng, việc đường phố hiện nay vẫn chưa có phần thiết kế dành cho người khuyết tật là một thiếu sót thật sự.
Theo tôi, người làm thiết kế, đặc biệt là thiết kế không gian công cộng, phải đặt mình vào vị trí của người sử dụng không gian ấy để biết họ cần gì, muốn gì. Nếu thiết kế một công viên, những người đặt bút vẽ bản thiết kế phải đặt vị trí của mình vào một đứa trẻ hay một người già, những người cần được hỗ trợ nhiều nhất trong không gian ấy, như thế thì họ mới thiết kế được các không gian công cộng hữu ích, phù hợp với cộng đồng.
Hiện nay, tại Hà Nội, các không gian công cộng như công viên, vườn hoa đang được thiết kế khá xa rời nhu cầu thực tế. Cụ thể như Công viên Hòa Bình, dù sở hữu quỹ đất rất lớn nhưng thiết kế của nó lại giống như các công viên cũ. Đa số người dân đang sử dụng các con đường trong công viên để chạy bộ, những tiện ích cho trẻ em thì không nhiều và phần lớn là những dịch vụ có thu phí... Thêm vào đó, hiện đang có một sự lãng phí rất lớn khi Hà Nội chưa đầu tư xứng đáng cho các hoạt động trên không gian mặt nước. Trong khi đó, các hoạt động thể thao, giải trí trên mặt nước có thể đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của người dân... Đặc biệt, công tác thu thập ý kiến của người dân trong việc xây dựng không gian công cộng chưa được thực hiện một cách kỹ lưỡng.
Ngoài ra, để cộng đồng thiết kế không gian công cộng phát huy khả năng sáng tạo và hiện thực hóa ý tưởng của mình, theo tôi, Hà Nội cần có một cơ chế đặc thù để thúc đẩy các sáng kiến tiến gần hơn với thực tiễn; cần tạo môi trường, điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể cống hiến nhiều hơn, tạo ra nhiều không gian công cộng hữu ích hơn nữa.