Nụ cười hạnh phúc

Truyện - Ngày đăng : 15:58, 13/07/2019

Đây này… Mẹ mình đây này. Thương lôi ra một tấm ảnh nhỏ. Người trong ảnh đích thị là mẹ nó. Mẹ đang bế nó hồi nó 1 tuổi. Mẹ nhìn nó trìu mến, môi cười tươi như hoa. Nó nâng niu tấm ảnh lấy từ chiếc hộp gỗ ngoại nó giấu kĩ trong đáy tủ. Nó giấu, định bụng sẽ giữ riêng một mình nó biết. Nhưng vì tụi thằng Phan, thằng Xô đang nói về mẹ chúng. Thương cũng muốn khoe về mẹ nên nó quyết định phá bỏ lời hứa ban đầu.
Nụ cười hạnh phúc
Minh họa của Lê Huy Quang

 - Chủ nhật này mẹ tao sẽ cho tao xuống phố chơi đấy.

- Hè này, mẹ tao hứa sẽ cho tao về ngoại. Thằng Phan và thằng Xô khoe với nhau niềm vui vì có mẹ. Chúng liếc nhìn Thương bằng cặp mắt đồng cảm:

- Mẹ mày mất rồi. Ba thì đi làm ăn xa. Bà ngoại mày thì già yếu. Tội mày. Phan bảo.

- Ừ. Nghe mẹ tao bảo, mẹ thằng Thương qua đời lâu lắm rồi. Xô thêm vào.

- Không. Mẹ mình vẫn ở đây, vẫn ở trong này này. Thương chỉ tay vào túi áo đã tuột đường chỉ đến phân nửa, nói.

- Mày nói sao…? Mẹ mày… Không thể nào. Hai đứa kia vừa ngạc nhiên vừa nhìn nhau cười. Nhưng thấy Thương cứ khư khư giữ lấy túi áo trước ngực, chúng tò mò, bước lại gần:

- Đây này… Mẹ mình đây này. Thương lôi ra một tấm ảnh nhỏ. Người trong ảnh đích thị là mẹ nó. Mẹ đang bế nó hồi nó 1 tuổi. Mẹ nhìn nó trìu mến, môi cười tươi như hoa. Nó nâng niu tấm ảnh lấy từ chiếc hộp gỗ ngoại nó giấu kĩ trong đáy tủ. Nó giấu, định bụng sẽ giữ riêng một mình nó biết. Nhưng vì tụi thằng Phan, thằng Xô đang nói về mẹ chúng. Thương cũng muốn khoe về mẹ nên nó quyết định phá bỏ lời hứa ban đầu.

- Ôi! Đây chỉ là một bức ảnh. Ừ… thì mẹ mày trong ảnh. Nhưng giờ… mẹ mày đã qua đời rồi. 

- Không. Mẹ mình vẫn ở đây. Thương đứng phắt dậy, mắt trừng nhìn hai đứa bạn cùng tuổi, bỗng dưng nước mắt ròng ròng. Nó quay ngoắt, chạy một mạch về phía con đường hun hút, hai bên toàn cỏ gianh tốt um, đôi chân trần dẫm trên lớp sỏi lởm chởm giữa cái nắng đầu hè gay gắt, tay vẫn khư khư giữ tấm ảnh.

- Mấy tấm ảnh chụp của mẹ thằng Thương mình nhớ đã giấu kĩ ở cái hộp gỗ, đặt dưới đáy tủ này, sao giờ mất đâu một tấm. Có khi nào… thằng cu Thương… Bà Xa trầm ngâm. Bà đoán già đoán non chuyện về bức ảnh. Đôi mắt già nua của bà lặng lẽ khi nghĩ về số phận của đứa con gái mệnh bạc.

Chị Mạn, con gái bà Xa lấy chồng từ năm 19 tuổi. Chồng chị là anh Lai, người cùng làng, vốn tứ cố vô thân. Biết là rổ rá cạp lại nhưng bà Xa cũng vui vì anh Lai là người thật thà, hiền lành lại thương vợ. Vợ chồng chị Mạn anh Lai ở chung với bà Xa trong ngôi nhà nhỏ ở cuối làng. Hai vợ chồng làm lụng quanh năm cũng chẳng đủ tiêu. Vì thế, họ chẳng dám nghĩ đến chuyện sinh con. Nhưng sao có thể vì cái đói mà sợ sinh con. Bà Xa phân tích rồi giục con:

- Nghèo thì nghèo cũng phải có lấy đứa con! Nhà không có tiếng trẻ con lạnh lẽo lắm! Thế rồi chị Mạn cũng mang thai. Làng quê quanh năm hết hạn hán lại lũ lụt, cơm chỉ bữa khoai bữa sắn… Thằng cu Thương chào đời. Nó èo uột, thiếu kí nhưng nhờ sữa khoai sắn mẹ nó ăn nên trộm vía thằng bé cũng có da có thịt. Để có tiền nuôi con, anh Lai phải làm nghề thợ đụng. Nhưng đồng tiền kiếm được cũng vặt vẹo, nhỏ giọt. Cái ngặt cái nghèo đi liền với bệnh tật. Chị Mạn bị ung thư không có tiền chạy chữa. Bệnh chuyển nặng rồi qua đời. Thằng bé Thương khi đó mới lên 3 tuổi. 

Nhớ hồi mẹ nó còn sống, nó quấn lấy mẹ như sam. Mẹ nó đi đâu, làm gì, nó cũng bám lấy áo theo đi cho bằng được. Ngày mẹ nó mất, nó chỉ quanh quẩn ngồi bên chứ chẳng chịu đi đâu. Nó nghĩ mẹ chỉ đang ngủ chứ chẳng hề biết rằng nó đã mất mẹ mãi mãi. Nó không khóc cũng chẳng cười. Nó ít nói hẳn, chỉ thích lẳng lặng ngồi một mình, tay chân không buồn nhúc nhích. Bà Xa và anh Lai vì không muốn thằng bé chứng kiến cảnh đưa mẹ nó đi chôn nên lựa khi nó đang ngủ thiếp rồi di quan, dù ngoài trời mưa tầm tã.

Từ ngày vợ mất, anh Lai gầy sọp hẳn. Bà Xa thì ngày một già cả, thường xuyên đau bệnh. Suốt thời gian đầu, Thương nhớ mẹ, ngày nào nó cũng hỏi bà và ba nó:

- Mẹ đâu rồi? Sao mẹ không về với con? Sao mẹ không chơi với con nữa? Nghe nó hỏi, mẹ con bà Xa chỉ biết nín lặng, quay đi gạt nước mắt. 

Thấm thoát cũng 7 năm. Bà Xa nhiều lần khuyên con rể gá nghĩa với người đàn bà có cùng hoàn cảnh trong làng. Bà bảo, lỡ ông trời có gọi bà đi bất chợt, cũng có người thay anh Lai chăm sóc thằng cu Thương. Nhưng anh Lai bảo:
 - Con chỉ muốn sống như thế này thôi, cũng là cách trả nghĩa mẹ thằng Thương và cho con của con một cuộc sống bình yên. Anh Lai quyết định vào Nam làm thuê. Anh để con trai ở nhà nhờ bà Xa chăm sóc. Anh hứa khi nào kiếm được tiền kha khá, anh sẽ về. 

- Thương, có chuyện gì mà cháu ngồi buồn vậy? Nghe giọng bà Xa hỏi, Thương đang ngồi dưới gốc dâu bên bờ giếng, liền len lén giấu tấm ảnh vào trong túi áo, đưa tay quệt vội hàng nước mắt chưa kịp khô, giọng gượng gạo:
- Dạ. Không có chuyện gì đâu ngoại.

- Nói cho ngoại biết sao cháu lại buồn? Bà Xa gặng hỏi. Thương nức nở:

- Cháu nhớ mẹ! Cháu rất muốn gặp mẹ. Các bạn được mẹ dẫn đi học, đón về. Các bạn được mẹ dẫn đi chơi, mua cho thứ này thứ khác. Còn cháu thì… cháu chỉ được gặp mẹ qua ảnh này. Thương từ từ lôi tấm ảnh trong túi áo đưa về phía bà của nó. Bà Xa cầm lấy tấm ảnh, lòng đau như cắt.

- Cháu ngoại của bà. Đứa cháu tội nghiệp của bà. Bà Xa ôm cháu vào lòng, bà hiểu trái tim bé bỏng của nó đang rất yếu đuối, đang bị tổn thương và rất cần sự chở che, yêu thương. Nó khóc. Bà cũng khóc. Đôi dòng nước mắt đục ngàu của bà lăn xuống kẽ miệng mặn chát.

- Có ngoại đây. Rồi ba Lai nữa. Ngoại và ba sẽ thay mẹ yêu thương cháu, sẽ bù đắp cho cháu. Bà Xa vỗ nhẹ vào vai thằng bé, giọng đứt đoạn, khẽ khàng. Thương ôm chặt lấy ngoại của nó, tiếng thút thít càng to dần.

Thương đến trường. Cái áo cọc mặc trên người đã xỉn màu, cái quần đùi cũng cong tớn, đôi dép tổ ong nham nhở vết dính vết hàn, dây vải, đoạn thép níu cột chằng chịt. Hai chân nó lem luốc bùn đất vàng ố. Nó đội trên đầu chiếc mũ tai bèo bạc phếch trước khi vào Nam, ba nó để lại. Mồ hôi nhễ nhại ướt đầm trán và tóc gáy. Tay nó vẫn nắm chặt tập sách, vở, cây bút… Bóng nó nhỏ thó, thui thủi đến tội nghiệp. 

Đoạn đường từ nhà đến trường dài hơn hai cây số, ngày nắng cũng như mưa, Thương đều cuốc bộ một mình. Nắng thì sách vở cầm tay. Mưa thì giấu trong ngực áo. Nhiều hôm đi học về, cả người lẫn sách ướt sũng. Có hôm, Thương sốt li bì. Thương cháu, bà Xa cũng chỉ biết lấy mấy thứ lá quanh nhà nấu nước xông cho nó chứ tiền đâu đưa cháu đến bệnh viện.Thằng bé khổ đã quen nên chẳng bao giờ thấy nó than vãn bất cứ điều gì. Nhiều khi nghĩ, bà Xa lại tự trách số kiếp mình sao cứ mãi nghèo khổ để đến con cháu phải khổ theo.

- Ngoại ơi, ước gì cháu có một cái cặp để đựng sách vở. Mùa mưa đến rồi, mấy cuốn sách bị ướt, dễ bị rách lắm ngoại ạ.
- Ừ… Mùa mưa đến rồi. Bà Xa chỉ biết nhắc lại lời cháu rồi im lặng.

Anh Lai vào Nam đã hơn nửa năm nhưng vẫn chưa có tin tức gì báo về. Bà Xa đã dò la thăm hỏi người quanh làng làm trong Nam nhưng cũng không một ai gặp anh. Bà đâm lo. Mấy suy nghĩ thoáng qua đôi khi khiến bà chột dạ, lo lắng. Rồi bà lại tự động viên mình. Chắc ba thằng Thương sẽ về thôi.

Mấy bữa nay, Thương hay ngồi một mình. Ngay cả khi đến lớp, Thương  cũng ngồi một mình. Bà Xa tìm gặp cô giáo Nga, cô giáo dạy Thương trên lớp, biết được Thương buồn vì bài văn cô ra tả về chiếc cặp đi học, nó bỏ giấy trắng vì không biết viết như thế nào. Thương đi học về. Nó im lặng. Ngoại nó hỏi, nó lí nhí:

- Cháu không thể làm bài văn tả về chiếc cặp vì... Bà Xa xoa đầu thằng bé. Bà hiểu nỗi buồn trong câu nói ngập ngừng của nó. 

Sáng hôm sau, bà Xa ra đầu làng. Bà thấy người ta ngồi tết những sợi dây ni lông thành những chiếc giỏ đựng đồ hết sức xinh xắn. Bà nghĩ, sợi ni lông đan thành giỏ được thì một chiếc cặp từ sợi ni lông cũng sẽ làm được. Ngày xưa bà cũng từng đan làn tre, giỏ tre cho nhà ông Bá trong làng nên bà còn nhớ cách đan. Bà hỏi về giá của một bó sợi ni lông và vui mừng vì nó vừa với túi tiền bà tằn tiện, chắt bóp được. Bà đem về. Suốt đêm đó, bên ngọn đèn dầu, bà tỉ mẩn đan. 

- Ngoại ơi, ngoại sao thế?

- Ngoại hơi mệt chút thôi. Ngoại… tặng cháu chiếc cặp này! Bà Xa mỉm cười cầm lấy chiếc cặp có dây đeo làm từ những sợi ni lông màu xanh lam vừa hoàn thành đưa về phía Thương.

- Một chiếc cặp. Ngoại đã đan nó? Vậy là ngoại đã thức cả đêm để làm chiếc cặp này cho cháu đấy ư? Lần đầu tiên trong đời, cháu thấy một chiếc cặp đẹp đến vậy. Thương sung sướng. Nó ôm lấy bà Xa, nói lời yêu thương và cảm ơn bà rối rít. Nó say sưa nghe bà nó kể từng bước để làm chiếc cặp từ những sợi ni lông màu xanh lam. Và nhờ có ngoại nó, bài văn cô giáo Nga giao về, nó cũng đã hoàn thành. 

Buổi trưa, khi hai bà cháu đang ăn cơm, người đưa thư đứng ngoài cổng gọi Thương ra lấy thư ba nó gửi về. Nó vui vẻ đọc cho ngoại nó cùng nghe. Trong thư, ba nó báo cuối tháng này sẽ về. Ba còn hứa sẽ mua cho nó một chiếc xe đạp mới để đi học. Thằng bé hạnh phúc, cười híp mí. Nó nói với ngoại nó  rằng tối nay sẽ ngồi viết thư gửi vào Nam cho ba, sẽ khoe với ba về chiếc cặp mới ngoại vừa tặng và hứa với ba sẽ cố gắng học thật tốt.

Chiều hôm ấy, Thương đến trường. Nó vui vẻ hẳn. Bên thằng Phan, thằng Xô và đám bạn trong lớp, nó say sưa kể về chiếc cặp mới, về chiếc xe đạp ba nó hứa sẽ mua... Nó cười… nụ cười lấp lánh niềm hạnh phúc.

Lê Thị Xuyên