Hà Nội đẩy mạnh phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 20:45, 14/07/2019

Sau gần 5 tháng bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hà Nội, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi, Hà Nội đã, đang tập trung lực lượng phòng, chống bệnh dịch; tổ chức tiêu hủy triệt để lợn bệnh; hỗ trợ kịp thời kinh phí cho người dân; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...
Hà Nội đẩy mạnh phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Cán bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đan Phượng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện bệnh dịch có chiều hướng giảm ở số hộ, thôn. Trong tuần từ ngày 1-7 đến 7-7, bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 907 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 16 thôn; làm mắc bệnh, tiêu hủy 16.910 con với trọng lượng 1.191 tấn.

So với tuần trước (từ ngày 24-6 đến 30-6), dịch bệnh phát sinh giảm hơn 568 hộ, 37 thôn, số lợn tiêu hủy cũng giảm 14.674 con với trọng lượng 1.049 tấn. Đến nay, đã có 63 xã, phường thuộc 17 quận, huyện, qua 30 ngày không phát sinh bệnh dịch...

Dù vậy, công tác phòng, chống bệnh dịch vẫn chưa hết khó khăn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, vi rút có đặc tính rất khác với các loại vi trùng khác, độc lực cao nên rất khó khống chế. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng, thực hiện áp dụng đầy đủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Thậm chí, một số hộ chăn nuôi còn có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dịch. Nhiều quận, huyện khó khăn trong việc thuê nhân công tiêu hủy lợn, nhất là tại các hộ chăn nuôi lớn...

Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, các xã đều gặp khó khăn trong việc bố trí quỹ đất vì số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, đặc biệt là việc quản lý hố chôn... nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách bồi dưỡng chưa phù hợp với người trực tiếp tham gia chống bệnh dịch (làm việc ngày/đêm trong môi trường độc hại, nguy hiểm...) dẫn tới việc huy động hoặc thuê nhân lực gặp khó khăn.

Chung quan điểm, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Phạm Văn Tuấn cho biết, một số xã có bệnh dịch nhưng việc tổ chức tiêu hủy lợn chưa quyết liệt; việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bệnh dịch của một số cán bộ thú y cơ sở chưa được thường xuyên, kịp thời; nhận thức của một số hộ chăn nuôi về công tác phòng chống bệnh dịch còn hạn chế nên chưa chấp hành đầy đủ quy định trong công tác phòng chống bệnh dịch...

Để nâng cao công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai có hiệu quả 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn thành phố với tổng số hóa chất đã cấp và sử dụng là 216 tấn.

Ngoài ra, các địa phương đã cấp bổ sung 215 tấn hóa chất và 7.225 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống bệnh dịch. Sở phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ  đầu, khống chế ngăn bệnh dịch lây lan diện rộng...

Cùng với các giải pháp cụ thể, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội làm việc với các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bàn giải pháp tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố nhằm tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra - vào trên địa bàn thành phố.

Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Phía chính quyền địa phương cần có hướng dẫn cho người dân trong việc tái đàn sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi được khống chế.

HNM