Danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” tạo động lực để Thủ đô phát triển mạnh mẽ
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:04, 15/07/2019
Tới dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các sở, ngành thành phố Hà Nội; đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức hữu nghị cùng các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa, lịch sử…
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh: Cách đây 20 năm, ngày 16-7-1999, tại thành phố La Paz, thủ đô Bolivia, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới, cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Hai mươi năm trôi qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý này. Đó là vinh dự và cũng là thách thức lớn lao để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho nền hòa bình trường tồn trên Trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập.
Hội thảo “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, 20 năm hội nhập và phát triển”, nhằm điểm lại những thành tựu đã đạt được sau 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Đây cũng là dịp để quảng bá về văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô về thành phố hòa bình, cùng nhau xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", cùng hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc.
Tại hội thảo, 12 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện cho các tầng lớp nhân dân… đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về Thủ đô phát triển.
Các tham luận đều đánh giá Hà Nội đã nỗ lực trong việc duy trì các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO đó là: Bình đẳng trong cộng đồng; về quản lý phát triển đô thị bền vững; về bảo vệ môi trường sống; về thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" tạo nên động lực để thành phố phát triển và cống hiến, như phát huy các giá trị của di sản, xây dựng các biểu tượng của thành phố...
Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn thân thiện, được lựa chọn là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế mà gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai. Hà Nội đã xây dựng quy hoạch thành phố để đáp ứng nhu cầu phát triển. Hà Nội cũng đã quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công.
Hoạt động đối ngoại nhân dân được mở rộng, góp phần giúp cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về Thủ đô, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quảng bá hình ảnh của Hà Nội hội nhập và phát triển. Hà Nội đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, được nhiều người nước ngoài yêu mến, lựa chọn là nơi làm việc, học tập và du lịch.
Ông Mai Phan Dũng, quyền Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam:
Người Hà Nội chung tay xây dựng, vun đắp cho Thủ đô giàu đẹp
Hà Nội được UNESCO vinh danh và trao giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” vì đã có nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới và đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí của giải thưởng. Từ một thành phố còn gợi lại nhiều ký ức chiến tranh, Hà Nội đã trở thành một điểm đến hòa bình của thế giới.
Sau 20 năm kể từ khi nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều thách thức, áp lực trên mọi lĩnh vực. Trước những thách thức ấy, đòi hỏi mỗi người dân Thủ đô và người dân cả nước chung tay xây dựng, giữ gìn và vun đắp cho Hà Nội ngày một giàu đẹp.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm:
Phát huy giá trị danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”
Nhìn lại chặng đường 20 năm, Hà Nội không chỉ tự hào, vinh dự với danh hiệu đã nhận mà còn xem đây là động lực để tiếp tục phát triển và cống hiến. Nhiều sự kiện đã diễn ra là minh chứng cho Hà Nội đã và đang nỗ lực phát huy giá trị “Thành phố Vì hòa bình”. Từ cuối năm 1999, ngay khi đón nhận danh hiệu và hướng tới kỷ niệm 990 năm Thăng Long, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục, truyền thống và bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Hai mươi năm qua, kết quả về phát triển giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật là những minh chứng cho thấy Hà Nội luôn phát huy được danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.
Ông Ibnu Hadi, Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam:
Hà Nội phát triển ngày càng nhanh
Sau 3 năm sống và làm việc tại Việt Nam, tôi có thể thấy thành phố này đang phát triển ngày càng nhanh. Tôi có cơ hội chứng kiến cũng như tham gia nhiều hoạt động tại Thủ đô của Việt Nam. Khi UBND thành phố Hà Nội bắt đầu thiết lập khu vực phố đi bộ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm vào cuối tuần, nó trở thành điểm đến cho không chỉ người dân Hà Nội mà cả khách du lịch tới tận hưởng cuộc sống và văn hóa của Hà Nội. Đó cũng là một trong những địa điểm yêu thích của tôi ở Hà Nội.
Khu vực phố đi bộ được biết đến nhiều hơn khi thành phố Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao để quảng bá hình ảnh Thủ đô, thu hút đông đảo bạn bè quốc tế như: Giải chạy Báo Hànộimới Vì hòa bình, hay các sự kiện giao lưu văn hóa khác…
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam:
Hà Nội đã có nhiều thành tựu trong các lĩnh vực
Thành phố Hà Nội đã có nhiều thành tựu trong nhiều lĩnh vực như: Khôi phục các di tích, hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, quảng bá các nghề thủ công truyền thống, cải thiện các dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường và tạo lập không gian xanh. Sau khi được trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội đã “hướng ngoại” hơn, trở thành một Thủ đô năng động, tham gia ngày càng nhiều vào các hợp tác trong khu vực và quốc tế.