Tạo cơ chế mới thúc đẩy các dự án trọng điểm
Tin tức - Ngày đăng : 10:21, 15/07/2019
Gỡ nút thắt chậm tiến độ các dự án BT
Nhiều năm nay, người dân sống xung quanh dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (gọi tắt là dự án rạch Xuyên Tâm) vẫn chưa thoát được cảnh “sống chung với ô nhiễm”.
Bà Hoàng Thị Vinh (sống bên bờ rạch Xuyên Tâm, đoạn qua quận Bình Thạnh) cho biết, rác thải, nước sinh hoạt chưa xử lý xả trực tiếp xuống rạch lâu ngày, phát sinh “ổ bệnh” do chuột, ruồi, muỗi. Người dân phải tiếp xúc mỗi ngày vì không thể chuyển đi đâu được.
Năm 2002, UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Do nguồn vốn ngân sách không đủ, năm 2016, thành phố có chủ trương thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư, thanh toán theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng mức đầu tư khoảng 5.106 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 7-2017, UBND thành phố yêu cầu dừng các dự án thanh toán theo hợp đồng BT đang đàm phán để chờ quy trình mới, khiến dự án bị “treo” đến nay.
Do đây là dự án cấp bách nên UBND quận Bình Thạnh đã đề xuất tách riêng khâu bồi thường thành dự án độc lập, thực hiện theo hình thức đầu tư công; còn gói xây lắp thực hiện sau khi có quy định việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã thống nhất về chủ trương theo hướng tháo gỡ trên, đồng thời yêu cầu các đơn vị hoàn chỉnh thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền, kịp khởi động dự án trong năm 2019.
Một dự án lớn đầu tư theo hợp đồng BT khác rất được người dân mong chờ là dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án này cũng chung số phận chậm tiến độ do gặp vướng mắc trong vấn đề thủ tục, pháp lý và giải phóng mặt bằng. Nhờ cơ chế phối hợp ba bên (UBND thành phố, nhà đầu tư, bên cho vay vốn), dự án đã được tái khởi động từ sau Tết Nguyên đán 2019 sau gần 10 tháng tạm dừng thi công. Theo nhà đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam), dự án sẽ hoàn thành chậm nhất trong quý II-2020.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 243 dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 59 dự án hoàn thành trong năm 2020 và 90 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công 30 dự án quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư là 19.582 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ khởi công 64 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới gần 500.000 tỷ đồng. Các dự án trên đều là dự án trọng điểm của thành phố và được đầu tư theo nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, có không ít dự án chậm tiến độ, chủ yếu do thiếu vốn.
Thành phố đóng vai trò “người kiến tạo”
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Trong đó, nhiều dự án do các đơn vị đề xuất chưa tính kỹ đến việc huy động vốn từ các nguồn lực để bổ sung cho vốn ngân sách, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng.
Thực tế cho thấy, nếu có cơ chế cởi mở, mời gọi, thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư, thành phố sẽ chỉ phải xây dựng chính sách, giải quyết các thủ tục hành chính và giám sát việc thực hiện. Như vậy, hiệu quả sẽ tăng lên.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, tới đây thành phố sẽ xã hội hóa triệt để các hoạt động đầu tư. Theo đó, trừ những dự án mà Nhà nước bắt buộc phải đứng ra thực hiện việc đầu tư do tính chất quan trọng hay do quy định của pháp luật, còn lại xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp, người dân thực hiện.
Thành phố không trực tiếp đóng vai trò là “nhà phát triển dự án” mà chỉ đóng vai trò “người kiến tạo” thông qua việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, lập quy hoạch, tạo lập quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giám sát triển khai đầu tư xây dựng.
Việc này không chỉ giảm sự phụ thuộc của dự án vào ngân sách thành phố mà ngược lại, còn làm tăng nguồn thu cho ngân sách từ nguồn tiền thu được qua việc lựa chọn nhà đầu tư (đấu giá, đấu thầu), tiền nộp nghĩa vụ ngân sách (các khoản thuế, phí...).
Với cơ chế này, nhà đầu tư sẽ là người đứng ra thương lượng với người dân để bồi thường giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình. Việc đàm phán sẽ tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và các bên đồng thuận, tránh việc áp đặt dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.
“Thành phố sẽ đóng vai trò tổ chức quy hoạch, hỗ trợ thủ tục hành chính và trung gian giữa nhà đầu tư với người dân, bảo đảm việc thương lượng tuân thủ các quy định pháp luật”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.