Kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV: Tiếp tục đổi mới chất lượng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:00, 17/07/2019
Kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Ảnh: Hữu Tiệp
Nhiều nghị quyết sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, do làm tốt công tác chuẩn bị, kỳ họp thứ chín đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp thông qua 11 báo cáo và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống người dân.
Nổi bật là nghị quyết “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông - vận tải”.
Bởi, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông - vận tải”, dù thu được kết quả nhất định, nhưng một số cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Trong nghị quyết mới ban hành tại kỳ họp thứ chín đã điều chỉnh, sửa đổi, mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nâng mức hỗ trợ thuế, phí, ưu đãi tín dụng; bổ sung cơ chế, chính sách mới bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành, đáp ứng thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”.
Đáng chú ý, HĐND thành phố đã ban hành 2 nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách với cán bộ cơ sở, gồm: “Số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội”; “Mức phụ cấp đối với phó trưởng công an xã, công an viên thường trực ở xã (nơi chưa bố trí công an chính quy) trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, Chính phủ vừa ban hành một số nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định đối với cán bộ, công chức cấp xã. Vì thế, Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND thành phố “Về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” hết hiệu lực thi hành, việc ban hành nghị quyết mới là đúng thẩm quyền.
“Đối với lực lượng công an xã, thành phố đang thực hiện lộ trình bố trí công an chính quy về các xã, thị trấn và phấn đấu đến năm 2021 sẽ hoàn thành. Do vậy, việc HĐND thành phố ban hành nghị quyết riêng quy định về mức phụ cấp đối với các chức danh phó trưởng công an xã và công an viên thường trực tại xã (nơi chưa bố trí công an chính quy) là cần thiết”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.
Sẽ giảm thời gian đọc báo cáo
Chánh Văn phòng HĐND thành phố Lê Minh Đức cho biết, kỳ họp này, HĐND thành phố tiếp tục đổi mới trong hoạt động chất vấn theo hướng "hỏi nhanh, đáp rõ". Dù không chọn vấn đề mới cho hoạt động chất vấn, nhưng các nhóm vấn đề HĐND thành phố tái chất vấn vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Đó là: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố; công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Cử tri các quận, huyện: Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Trì, Phú Xuyên… đều ghi nhận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, các đại biểu HĐND thành phố rất sâu sát, truy đến cùng những tồn tại, phức tạp chậm được giải quyết. Theo cử tri Nguyễn Đức Vũ (phường Phú La, quận Hà Đông), phần hỏi của đại biểu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất cụ thể, đặc biệt là nội dung các dự án chậm triển khai. Mong rằng, HĐND thành phố tiếp tục tái giám sát nội dung này, đi đến cùng vấn đề, tránh thất thoát ngân sách, lãng phí tài nguyên đất đai.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn phần việc cần rút kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng cho các kỳ họp tiếp theo. Đó là UBND thành phố chưa chủ động chuẩn bị sớm một số nội dung đã có trong kế hoạch kỳ họp thường lệ giữa năm; thời gian thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội còn ngắn. Cử tri Nguyễn Văn Thuật (thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên) còn cho rằng, phần đọc báo cáo của thành viên UBND thành phố dài, chiếm nhiều thời gian của nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trước khi chất vấn và trả lời chất vấn, các ban của HĐND rà soát lại kết quả thực hiện các nội dung được lựa chọn nên các ý kiến chất vấn rất trí tuệ, xác đáng, phản ánh được hơi thở cuộc sống vào nghị trường. HĐND thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu, cử tri về tiếp tục giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận tại hội trường; quy định mỗi đại biểu chỉ phát biểu từ 3 đến 5 phút, sử dụng chuông báo khi hết thời gian; tăng thời gian chất vấn, chia tổ thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội… tại những kỳ họp tiếp theo. Qua đó tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng của đại biểu và cử tri.