Thiếu trường học trong các khu đô thị: Giám sát chặt việc thực hiện quy hoạch

Tin tức - Ngày đăng : 15:16, 18/07/2019

Nhiều khu đô thị (KĐT) mọc lên với tốc độ chóng mặt nhưng chưa đi đôi với việc đầu tư xây dựng các trường học, gây quá tải nặng nề cho hệ thống trường công lập có sẵn.
Câu chuyện tưởng không còn mới tại Hà Nội nhưng vẫn luôn mang tính thời sự mỗi dịp năm học mới cận kề.

Thiếu trường do thiếu… trách nhiệm
Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Hà Nội, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn TP có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trong số này có rất nhiều dự án KĐT mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.
Điển hình tại các dự án: KĐT mới Phùng Khoang; KĐT Xuân Phương – Viglacera; KĐT Thành phố giao lưu; KĐT ngoại giao đoàn; KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; khu chức năng đô thị Ao Sào; KĐT mới Cầu Bươu; khu nhà ở Thạch Bàn; KĐT Đặng Xá…
Nguyên nhân của tình trạng các KĐT thiếu trường học là các chủ đầu tư chỉ chăm chăm lo xây nhà để bán mà chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng xã hội. Vì ít lợi ích nên một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các KĐT mới, đặc biệt là khu vực các quận đã được chủ đẩu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng các nhà đầu tư thứ cấp này chậm triển khai. Điều này dẫn đến thực trạng tại nhiều KĐT nhà ở đã cũ nhưng trường chưa xây.
Có thể dẫn chứng như KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Còn lại 5 ô đất, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình, 2 ô đất đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch, 1 ô đất đang vướng mắc, chưa hoàn thành GPMB.
Chính vì sự chậm trễ này mà đầu năm học 2018 - 2019, do học sinh quá đông từ KĐT này, trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã phải cho học sinh học theo lịch học “lạ” luân phiên 4 ngày/tuần (tương ứng 8 buổi/tuần), học cả thứ Bảy...

Tương tự, KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp có quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học gồm 3 lô xây trường mầm non, 1 lô xây trường tiểu học, 1 lô xây trường THCS, 1 lô xây trường THPT nhưng đến nay mới có 1 lô đã hoàn thành xây trường mầm non. Còn lại 2 lô đất trường mầm non và 1 lô đất trường THCS HUD đã chuyển nhượng hạ tầng cho các nhà đầu tư thứ phát để xây dựng công trình, tuy nhiên đến nay vẫn án binh bất động. Còn tại KĐT mới Việt Hưng, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị chuyển giao 5 lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp hai nhưng đến nay chỉ có 1 công trình trường học hoàn thành…
Vào cuộc quyết liệt
Theo Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP Nguyễn Thanh Bình, sự chậm trễ xây trường tại các KĐT phần lớn do công tác giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của các sở, ngành và địa phương chưa quyết liệt. Thể hiện qua đợt giám sát của ban Ban Văn hóa – Xã hội trước kỳ họp HĐND TP vừa qua, các sở ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã (có KĐT) chưa cung cấp được số liệu, tình hình đầu tư xây dựng trường học trong các KĐT trên địa bàn TP từ năm 2016 đến nay.
Để giải quyết được thực trạng này, KTS Trần Huy Ánh - ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, trước tiên và quan trọng nhất là sự quyết tâm vào cuộc của địa phương. Lấy ví dụ tại quận Hoàn Kiếm - một quận lõi trung tâm, có diện tích nhỏ, dân số đông nhất TP nhưng các cơ sở trường công lập luôn đáp ứng đủ nhu cầu con em trong quận.
Thậm chí, nhiều khu đất có vị trí đẹp cũng đang được quây tôn để xây trường học chứ không phải các dự án bất động sản. Hay như tại quận Hai Bà Trưng, nhờ việc quyết tâm “giữ đất” từ các khu vực nhà máy, xí nghiệp di dời nên đã xây dựng được nhiều trường học tại các khu đất “vàng” như: Trường mầm non tại khu đất 622 Minh Khai; trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm); trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)…
Ngoài ra, ngành giáo dục Thủ đô cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền các quận huyện, các sở ngành chức năng nhằm quy hoạch và xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực, địa bàn dân cư.
Cùng với đó, chính quyền TP cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án.
“Có thực hiện được đồng bộ các giải pháp, tình trạng thiếu trường lớp tại các KĐT mới được giải quyết triệt để, nếu không chỉ như ném đá ao bèo”- KTS Trần Huy Ánh nhận định.

Vũ Lê/Kinhtedothi