Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 50.000 tỷ đồng

Tin tức - Ngày đăng : 00:02, 20/07/2019

Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Thanh tra. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.553 cuộc thanh tra hành chính và 84.604 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm 50.339 tỷ đồng, 1.004ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 34.500 tỷ đồng và 142ha đất (đã thu hồi 4.037 tỷ đồng); kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 639 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 71%), 7ha đất; khởi tố 4 vụ, 3 đối tượng.
Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 2.252 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 77 đơn vị vi phạm. Tiến hành hơn 1.000 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 183 vụ việc vi phạm, 129 người vi phạm. Tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 4.410 cán bộ, công chức, viên chức.
Qua kiểm tra nội bộ phát hiện 3 vụ, 3 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 20 vụ, 10 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 4 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm phát hiện hành vi tham nhũng. Việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện; một số biện pháp hiệu quả thấp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Hiện vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, Nhân dân. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán.
Xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng
Trong 6 tháng cuối năm, ngành Thanh tra xác định, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Cùng đó, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu: Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt 3 nội dung chính.
Thứ nhất, tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, triển khai có hiệu quả các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng theo kế hoạch.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng.

Thái San/Kinhtedothi