Mầm cây
Truyện - Ngày đăng : 08:55, 24/07/2019
- Rồi ngoại sẽ nhanh khỏi thôi. Mấy bữa nay do trời đang lành lạnh đột ngột chuyển sang nắng gắt nên ngoại mới mệt vậy. Ngoại phải mạnh để sống với con thật lâu. Con chỉ có ngoại thôi. Ngoại có chuyện gì, con biết sống với ai!
- Ôi, thằng cháu đáng thương của ngoại. Thấy giọng cháu sụt sùi, bà Thuần cũng rơm rớm. Sống mũi bà cay xè. Bà đưa tay lau đi mấy giọt mồ hôi tứa ra trên trán cháu, vuốt lại lẹm tóc rối xù của nó cho thẳng thớm rồi ôm nó vào lòng. Bà cố gắng để không khóc, cũng là không muốn đứa cháu tội nghiệp của bà nhìn thấy bà khóc. Bà già rồi nhưng bà cần phải mạnh mẽ. Bà cần phải làm chỗ dựa cho nó. Nó mới chỉ 10 tuổi. Thằng bé tội nghiệp lắm. Nó khác gì một mầm cây bé tí, non nớt, yếu đuối cần được chở che, cần được nâng đỡ, chăm sóc. Vậy mà… Qua song cửa sổ đã lỗ chỗ mối mọt rỗng rãng, đôi mắt bà Thuần hấp háy. Khoảng sân chói chang nắng đang sáng rõ bỗng từ từ mờ dần. Đôi dòng nước từ hai kẽ mắt bà ri rỉ theo lớp chân chim hai bên khóe lăn xuống cằm được bà đưa tay lau vội. Ăn từng muỗng cháo thằng bé đút, bà Thuần chực khóc. Kí ức về những tháng ngày ba, mẹ thằng bé còn sống lại hiện về.
Bà Thuần góa bụa. Mãi ngoài 40 tuổi bà mới sinh ra chị Hằng. Cha của chị Hằng là ai? Họ hàng, làng xóm, ngay cả bản thân chị Hằng cũng không biết. Bà Thuần giấu biệt. Nghe phong phanh đâu hồi có đoàn người trên phố về làm công trình cầu cống ở quê suốt ba tháng trời, người làng có thấy thấp thoáng một người đàn ông trung tuổi thường xuyên ghé nhà bà xin nước uống. Công trình xây xong, đoàn người ấy cũng rời quê đi. Hai, ba tháng sau đó, hàng xóm thấy bụng bà Thuần lùm lùm. Ai nấy đoán già đoán non. Người mừng cho bà. Luống tuổi rồi, kiếm lấy đứa con vui tuổi già cũng đâu có gì sai. Người bĩu môi mai mỉa. Chừng ấy tuổi rồi không nhịn nổi hay sao mà còn bù khú để phải mang cái bụng lè lè. Thiên hạ mồm năm miệng mười, quan tâm làm gì cho mệt. Dù ai nói ngả nghiêng, bà cũng chỉ im lặng làm thinh. Chị Hằng ra đời, bà Thuần vui vẻ hẳn. Nhà một mẹ một con, thêm tiếng khóc cười của con trẻ, căn nhà bớt đi cái lạnh lẽo. Bà đi đâu, con cũng líu ríu, bi bô theo sau. Làm việc cực nhọc nhưng thấy con cười, con chạy lại lau mồ hôi, con rót nước, con cầm cây quạt phẩy phẩy cho bà,… tự nhiên bà thấy cuộc đời trở nên ý nghĩa và chỉ cần thế là đủ. Hai mẹ con bà an yên với cuộc sống cơm đủ ăn, áo đủ mặc và trời cho sức khỏe để làm ăn lương thiện. Nhiều lần thấy con bần thần nghĩ ngợi, bà Thuần cũng định kể ra sự thật nhưng chị Hằng ôm lấy bà, thủ thỉ:
- Con chỉ cần có mẹ là đủ. Mẹ đã cho con cuộc sống. Giờ con chỉ muốn làm lụng nuôi mẹ suốt đời, ngoài ra, con không muốn biết thêm bất cứ điều gì cả. Bà Thuần thuận theo ý con nên những câu xì xào, chọc ghẹo của miệng thế gian mỗi khi thấy mẹ con bà như “không chồng mà chửa” hay “con không cha” rồi “đứa con hoang”,… lâu dần cũng nhạt.
Nhà nghèo, thương mẹ già vất vả, sau mấy năm vào Nam làm công nhân, chị Hằng cũng quyết định trở về quê. Nhưng chị không về một mình. Cùng đi với chị có anh Thanh, trạc tuổi chị. Anh Thanh quê ở miền Tây, mồ côi ba mẹ, lên phố làm thuê kiếm sống đã lâu. Hai người gặp nhau như một cái duyên ông tơ bà nguyệt se sẵn. Thương chị Hằng thật lòng, anh Thanh theo Hằng về quê sống. Đám cưới của hai người chẳng mâm cao cỗ đầy, vẻn vẹn có ít kẹo bánh với chén trà gọi là ra mắt xóm làng. Hai người sống hòa thuận và càng hạnh phúc hơn khi thằng cu Hiếu chào đời. Vợ chồng hằng ngày đi làm ở xưởng gỗ cách nhà gần 10 cây số. Cuộc sống đang yên lành thì tai ương ập tới. Ngày thằng cu Hiếu chuẩn bị vào lớp 1, vợ chồng chị Hằng bị tai nạn qua đời. Xót con thương cháu, bà Thuần đành gắng gượng vực dậy để thay hai con chăm sóc thằng cu Hiếu. Bà cháu nương tựa vào nhau trong căn nhà cấp bốn liêu xiêu cuối làng.
- Em là mầm cây gì vậy bé con? A! Chắc mầm cây đu đủ rồi. Mấy hôm trước, cô Lý nhà bên có đem sang biếu bà Thuần miếng đủ đủ chín. Bà nhường Hiếu ăn. Trong số mấy hạt đu đủ chín, Hiếu giục chúng xuống đám đất trống góc vườn, không ngờ chỉ sau trận mưa thấm đất, một trong số hạt ấy đã nảy mầm. Chiếc mầm bé tí đội đất đứng dậy trông y chang như một vị thần đang đội cả bầu trời. Trông mầm cây ấy mới đáng yêu làm sao. Hiếu ngồi bó gối, mắt say sưa ngắm chiếc mầm bé tí, thì thầm:
- Mầm cây ơi, điều ước của em là gì? Chiếc mầm bé tí non tơ ngậm đầy sương đêm với cặp mắt biếc rờn khép nép vẻ như đang nhìn Hiếu. Không ngạc nhiên, tò mò ngồi trên sân như lúc đầu, Hiếu khẽ bước xuống góc vườn để nhìn chiếc mầm thật rõ.
- À! Anh biết rồi. Chắc chắn mầm ước có đủ nắng, có đủ gió, có đủ chất dinh dưỡng để lớn đúng không? Vì ngoại anh từng bảo, mầm cây sẽ nhanh trở thành một cái cây to khỏe nếu như có những điều ấy mà. Hiếu lại bần thần:
- Còn anh… Mầm biết anh ước gì không? Anh chỉ ước bà ngoại anh khỏi bệnh. Ngoại là tất cả với anh cũng như ánh sáng, gió và chất dinh dưỡng là tất cả với mầm vậy. Hiếu đang mải mê nghĩ thì giọng thằng Giang, bạn cùng xóm với nó gọi vang ngoài ngõ:
- Hiếu ơi!
- Giang! Cậu vào đây! Vào đây mình cho xem cái này này!
- Cái gì thế?
- Hiếu nhảy chân sáo ra đầu ngõ kéo tay Giang vào. Đây này… cậu xem… Một cái mầm đu đủ rất dễ thương. Mình sẽ bảo vệ em ấy. Cậu thấy thế nào?
- Ừ! Dễ thương thật. Ba mình bảo bất kỳ mầm cây nào cũng đều rất kỳ diệu. Khi cậu tặng ai đó một mầm cây nghĩa là cậu đang tặng họ một điều ước ý nghĩa. Hiếu tròn xoe mắt:
- Nếu thế… mình sẽ tặng ngoại mình. Vì ngoại đang bị bệnh. Mình muốn ngoại nhanh hết bệnh và sống với mình mãi mãi. Được không nhỉ?
- Đúng rồi… Có lần ông nội mình bảo, nếu tặng ai đó mầm cây đu đủ nghĩa là mình đang tặng sức khỏe cho họ. Cũng như tặng cây bưởi là tặng sự may mắn; tặng cây lúa là tặng sự no đủ; tặng cây đậu là tặng sự đỗ đạt vậy... Hiếu ngạc nhiên khi nghe thằng Giang nói. Nó thấy phấn khởi trong lòng. Rồi cả hai đứa cùng ngồi ngắm nhìn mầm cây đu đủ, bàn luận say sưa về mầm cây mũm mĩm, đáng yêu. Câu chuyện của hai đứa trẻ khiến bà Thuần nãy giờ đứng nép bên bậu cửa lắng nghe, vừa vui mừng vừa xúc động.
Hiếu mới là đứa trẻ lên 10, nhưng là đứa trẻ sống rất tình cảm. Nó biết quan tâm, chăm sóc ngoại nó như một người trưởng thành. Từ việc nấu cơm, nấu cháo; từ việc quét dọn đến giặt giũ áo quần rồi thì ra đồng tát cá, bắt cua… những công việc ấy, thường ngày ngoại nó làm hết. Thế mà khi ngoại nó bệnh, nó làm thoăn thoắt. Ngoại nó không thể ngờ thằng bé lại giỏi giang đến thế. Bình thường, thằng bé rất thích cùng bạn ra đồng thả diều nhưng từ hôm ngoại nó bệnh, nó từ chối tất tần tật lời mời mọc, năn nỉ. Nghe bà giáo Nhung bảo người bị ho mà ăn cháo hẹ sẽ đỡ nhiều lắm, nó liền chạy ra chợ tìm mua cho bằng được rau hẹ đem về nấu cháo cho bà ăn. Bà Thuần lắm đêm trằn trọc nghĩ ngợi rồi cứ tự trách mình. Đời bà khổ nên con cái bà khổ. Giờ đến lượt cháu bà cũng khổ. Giá như ông trời đừng bắt ba mẹ nó đi sớm thì biết đâu đời nó sẽ bớt khổ đi phần nào. Rồi lẽ ra chính bà phải là nơi dựa vững chắc cho thằng bé. Vậy mà đôi lúc, chính thằng bé lại là nơi để bà dựa vào. Nhiều đêm, trong những giấc chiêm bao, nghe thằng bé gọi tên ba, tên mẹ nó, trái tim bà như thắt lại nơi lồng ngực, bà chỉ biết khóc thầm. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng nghĩ đến đứa cháu còn nhỏ dại, ngoan ngoãn, hiền lành, biết yêu thương như thằng Hiếu, lòng bà Thuần lại càng tủi phận, càng đau đáu. Bà cũng chỉ mong ông trời đừng vội gọi bà đi để bà có thêm thời gian ở bên nó cho đến khi nó có thể tự lập được.
Đi học về, Hiếu dừng lại ở góc sân để thăm mầm cây đu đủ. Nó bỗng ngạc nhiên khi thấy mầm cây đã được rào quanh bằng các thanh tre vót nhẵn chụm lại. Nó định chạy vào hỏi ngoại thì ngoại nó đã bước ra.
- Ngoại ơi, ngoại đừng ra ngoài! Ngoại còn chưa đỡ bệnh mà.
- Ngoại đỡ rồi. Cũng nhờ chén cháo hẹ cháu nấu. Ăn vào là thấy đỡ ho liền! Nghe ngoại nó nói, nó mừng rơn, cười tít.
- Từ nay con sẽ nấu cơm, giặt giũ quét dọn để ngoại được nghỉ ngơi. Con lớn rồi mà ngoại! Nó bước lại, nắm lấy tay ngoại:
- Có phải ngoại đã làm hàng rào xung quanh để bảo vệ mầm cây đu đủ không ạ?
- Ừ. Ngoại cũng muốn bảo vệ cho chiếc mầm non ấy như muốn bảo vệ đứa cháu yêu của ngoại vậy!
- Con tặng ngoại mầm cây này! Vì đu đủ tượng trưng cho sức khỏe đó ngoại. Bà Thuần khẽ gật đầu, mỉm cười rồi ôm thằng Hiếu vào lòng. Thằng bé cũng ôm chặt lấy bà của nó. Bao yêu thương bỗng trở nên đong đầy từ một mầm cây bé nhỏ.