Nhạc kịch Sóng: Dám sống, dám yêu
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:58, 13/04/2022
Ta đã làm gì để biến ước mơ thành sự thật?” - Từ câu chuyện dám sống, dám yêu và dám ước mơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh, vở nhạc kịch Sóng của Nhà hát Tuổi trẻ đã đặt ra câu hỏi mang đầy khát vọng như thế với khán giả hôm nay.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên, chuyện sống và yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh được “giải mã” trên sân khấu, trong một vở diễn theo phong cách broadway, dài gần 2 tiếng đồng hồ. Điều thú vị là, nhân vật ấy, câu chuyện ấy đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng dưới góc nhìn của thế hệ trẻ hôm nay nó vẫn thật tươi mới, quyến rũ…
Nhạc kịch Sóng lắng đọng những cảm xúc, suy tư, trăn trở về cách sống, cách yêu. Ảnh: NHTT
Sóng bắt đầu kể chuyện về diễn viên múa Xuân Quỳnh đang độ tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống, luôn cháy bỏng sống và yêu giữa hoàn cảnh đầy những éo le: Sớm mồ côi mẹ, cha đi bước nữa, chỉ có chị gái đùm bọc chở che. Và Xuân Quỳnh đã đem tất cả năng lượng tươi trẻ ấy để bước vào mối tình đầu cùng nghệ sĩ violon Trọng Khoa (nguyên mẫu từ người chồng đầu tiên của Xuân Quỳnh - ông Lưu Tuấn). Bởi vậy, Sóng đã khiến khán giả không khỏi tò mò trong nỗi mong chờ suốt cả năm qua, từ khi dự án được công bố để đến hôm nay cùng hòa vào những cảm xúc thanh tân của mối tình lãng mạn, trong sáng Trọng Khoa - Xuân Quỳnh. Đôi uyên ương đã có những tháng ngày từng yêu say đắm, từng ước mơ cùng xây tổ ấm với những đứa con: Nếu là trai sẽ là nghệ sĩ violon giống bố, nếu là mẹ sẽ là diễn viên múa giống mẹ. Nhưng thực tế cuộc sống luôn khác xa và đặt ra thử thách với mỗi người, và thường bắt đầu khi tình yêu đơm hoa kết trái - họ sớm được đón cậu con trai đầu lòng. Nếu Xuân Quỳnh quyết liệt vừa bươn chải mưu sinh vừa vươn đến ước mơ trở thành thi sĩ thì Trọng Khoa lại chỉ khư khư ôm lấy cây đàn mà hoài niệm về những tháng ngày tươi đẹp của tình yêu với đôi mắt trong veo, nhí nhảnh của Xuân Quỳnh rồi cùng dạo bước thảnh thơi, an nhàn mà không biết ằng tương lai sẽ đi về đâu khi không có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con, nhà không còn gạo ăn… Vì thế, những dư vị, mộng tưởng ngọt ngào của tình yêu đôi lứa sớm bị vỡ vụn trong tiếng nức nở của trái tim đa cảm Xuân Quỳnh.
Hy vọng Sóng có thể góp một ngọn lửa gây dựng sân khấu nhạc kịch nước nhà. Ảnh: NHTT
Sau những vũ điệu, lời ca vui tươi, sôi động ấy, Sóng đã đẩy cao nút thắt bằng việc đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật nữ chính trước hạnh phúc đầu đời tan vỡ với những bức bối, ngột ngạt, dữ dội mà quyết liệt như thế. Ở đó có một Xuân Quỳnh yêu hết lòng nhưng không chấp nhận thực tại hay đầu hàng số phận. Người phụ nữ tràn đầy năng lượng ấy dám phá vỡ những chuẩn mực xã hội, phá bỏ rào cản hôn nhân để vươn đến khát khao hạnh phúc đích thực. Tất nhiên, để có thể sống và yêu theo ước mơ của mình, Xuân Quỳnh phải vượt qua bao bão tố - bão tố không chỉ ở những định kiến ngoài cuộc đời mà còn đến từ chính lòng mình khi cô đang nặng gánh trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Những cung bậc cảm xúc cứ thế được bộc bạch trong âm nhạc, lời hát, vũ điệu: Mãnh liệt mà đớn đau, dứt khoát mà xót xa, dấn bước mà đắng cay...
Và, vượt qua cơn sóng lớn ấy, người phụ nữ dám sống, dám yêu, dám ước mơ như Xuân Quỳnh được bước sang trang mới của cuộc đời để xây tổ ấm và là nguồn cảm hứng sáng tạo để tài năng của Đăng Dương (nguyên mẫu từ nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ) lấp lánh. Để kể câu chuyện này, sân khấu của Sóng tạo bất ngờ với một nhà chật 6m2: “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo” nhưng lúc nào cũng phới phới tình yêu: “Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi/ Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/ Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời” (Nhà chật - Lưu Quang Vũ). Và đây cũng chính là khoảng trời thực sự hạnh phúc, bình yên của cặp vợ chồng thi sĩ, cũng là bến bờ Xuân Quỳnh muốn neo lại cho cuộc đời mình. Được hòa vào những phút giây cuộc sống gia đình tuyệt đẹp này, khán giả ở độ tuổi xưa nay hiếm không chỉ rộn ràng niềm vui mà còn có dịp ôn lại ký ức về một đám cưới, cuộc sống khốn khó, vất vả mà mộc mạc, bình dị, ấm áp tình người thời bao cấp năm xưa. Còn khán giả hôm nay thì đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong những thích thú, hồ hởi khi chuyện xưa được kể bằng những vũ điệu broadway tưng bừng, tươi trẻ như thể mới diễn ra đâu đây.
Nhưng, với một phụ nữ đa cảm như Xuân Quỳnh thì tình yêu “Có bao giờ đứng yên?” nên sau những phút giây hạnh phúc sẽ lại là: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ (…) Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Và, đó cũng chính là điều được vở nhạc kịch xoáy sâu bằng những lớp diễn trên bản phổ nhạc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh – lớp diễn chất chứa nỗi niềm phấp phỏng, âu lo, khắc khoải có khi tắt lịm vì kiệt sức của người phụ nữ tha thiết sống, tha thiết yêu. Chỉ đến khi tình yêu chung thủy và tiếng gọi của con trẻ: “Con yêu mẹ bằng ông trời/ Rộng lắm không bao giờ hết/ (…)/ Con yêu mẹ bằng Hà Nội/ Để nhớ mẹ con tìm đi/ (…) Con yêu mẹ bằng trường học/ Suốt ngày con ở đấy thôi…” (Con yêu mẹ - Xuân Quỳnh) mới đủ sức lay tỉnh người vợ, người mẹ, thi sĩ Xuân Quỳnh thức dậy. Diễn trên những bản phổ nhạc đầy ấn tượng cho các thi phẩm của Xuân Quỳnh, các nghệ sĩ đã hóa thân và đem đến cho khán giả không ít bồi hồi, xao xuyến, rưng rưng…
Có thể thấy, nhạc kịch Sóng còn có những phân cảnh dài dòng, đôi khi tuyến phát triển tâm lý kịch chưa ngọt, hai phần chưa cân xứng hay cách mở màn bằng cả ca khúc Thuyền và biển còn ôm đồm, chưa thực sự hấp dẫn thế nhưng vẫn đủ sức lắng đọng những cảm xúc, suy tư, trăn trở về cách sống, cách yêu. Đạo diễn đã khá khéo léo khai thác, diễn tả chiều sâu tâm lý nhân vật bằng việc chọn lựa và kết hợp khá ăn ý sáng tạo giữa lời thoại, thơ và nhạc. Được biết, có khoảng 20 bài thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ được phổ nhạc và ngân lên trong suốt vở nhạc kịch để vừa bày tỏ tâm trạng, nỗi lòng của các nhân vật vừa dẫn dắt tình huống kịch, trong đó có những bài nổi tiếng như: Thuyền và biển, Tự hát, Sóng, Con yêu mẹ, Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại, Nếu ngày mai em không còn làm thơ nữa, Nhà chật, Mắt của trời xanh…
Bên cạnh đó, diễn viên của Sóng dù chưa thực sự xuất sắc về ca hát, nhảy múa, diễn xuất nhưng vẫn có thể đem lại màu sắc tươi mới cũng như kỳ vọng về một thế hệ nghệ sĩ trẻ háo hức, say mê bước vào để khởi đầu cho một nền sân khấu nhạc kịch Việt Nam trong tương lai như Thu Thảo vai Xuân Quỳnh, Việt Anh vai Đăng Dương, Quốc Việt vai Trọng Khoa… Thêm nữa, khi nói về nhân vật trong nhạc kịch, hẳn rằng sẽ có sự băn khoăn: Vì sao những Đăng Dương, Trọng Khoa không được gọi tên như nguyên mẫu là Lưu Tuấn, Lưu Quang Vũ? Bởi lẽ, cuộc đời đầy sóng gió của nữ sĩ Xuân Quỳnh đã quá quen thuộc với công chúng, thế nên sẽ thật lạ lẫm thậm chí còn có phần gượng gạo khi hôm nay thưởng thức Sóng lại phải gọi những cái tên khác cho những người quan trọng trong cuộc đời bà.
Ngoài ra, một sân khấu khá cồng kềnh cùng những tạo hình chưa đặc sắc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng khá đơn điệu là điểm trừ khiến cho Sóng chưa thực sự bay bổng như tên gọi và có thể cùng cất nhịp khát vọng tình yêu, khát vọng kỳ vọng.
Tất nhiên, Sóng còn có không ít điểm cộng khi là nhạc kịch thuần Việt sử dụng một dàn nhạc semi-classic (bán cổ điển) gồm 23 người, cùng thăng hoa với diễn xuất của nghệ sĩ, cảm xúc của khán giả, như nhạc sĩ Minh Đạo (chỉ huy dàn nhạc) từng chia sẻ: “Chơi live có sự tương tác, giữa người chơi nhạc, diễn viên và khán giả với nhau, tạo năng lượng chỉ có những buổi trình diễn live mới có được”. Nhất là tổng đạo diễn, NSƯT Cao Ngọc Ánh thì luôn là những đam mê cháy bỏng từ Trời biếc thu sang đến Sóng để rồi có thể góp một ngọn lửa gây dựng cho sân khấu nhạc kịch nước nhà một vị trí xứng đáng trong lòng khán giả hôm nay.
Sau những đêm công diễn ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), Nhà hát Tuổi trẻ mong muốn sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều đêm diễn vở nhạc kịch Sóng đến khán giả Thủ đô cũng như khán giả cả nước. Mong rằng Sóng tiếp tục được hoàn thiện để bước vào cuộc mở đường cho sân khấu nhạc kịch còn non trẻ ở Việt Nam.