Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng XIII với các tỉnh miền núi phía Bắc
Tin tức - Ngày đăng : 06:56, 25/07/2019
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Dự cuộc làm việc có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành.
Đây là cuộc làm việc thứ 5 của Tiểu ban với các địa phương. Lãnh đạo 12 địa phương tham dự cuộc làm việc gồm Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa.
Lãnh đạo các địa phương cho biết, thời gian qua các địa phương đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng tốt, tập trung tháo gỡ ba nút thắt là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; đời sống của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở một số tỉnh giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc vẫn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Ngay như tại Lào Cai, một tỉnh phát triển trong vùng, cứ 4 hộ dân thì có 1 hộ nghèo hoặc cận nghèo. Dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện, song đây vẫn là vấn đề các địa phương đề nghị đầu tư nhiều nhất trong thời gian tới. Tuy có “rừng vàng”, nhưng một thực tế là người dân chưa sống được bằng nghề rừng.
Với lợi thế diện tích rừng lớn của vùng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đây là vùng sinh quyển, "lá phổi xanh" của đất nước, do đó cần dành nguồn lực để ưu tiên giữ gìn và phát huy giá trị của vùng sinh quyển này. Nêu đặc điểm các tỉnh phía Bắc là nhiều dân tộc cùng sinh sống, riêng Yên Bái có 57% dân số là người dân tộc thiểu số, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần tiếp tục đầu tư để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, vừa giữ ổn định chính trị - xã hội, vừa góp phần phát triển du lịch.
Các địa phương cũng đề nghị cần có cơ chế riêng để phát triển vùng, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền hơn nữa cho các địa phương, nhất là trong việc triển khai các dự án đầu tư.
Đưa ra con số rất đáng chú ý là từ 9 - 30% người dưới 15 tuổi ở các tỉnh trong vùng chưa từng được đi học, lãnh đạo một số địa phương đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần có cơ chế thuận lợi cho hoạt động giáo dục, đào tạo; đặc biệt là phải đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp cao, cán bộ lãnh đạo để có tư duy mới trong phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phát biểu kết luận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban, chia sẻ khó khăn, mất mát với tỉnh Yên Bái trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời biểu dương sự cố gắng của tỉnh, khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt. Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh phía Bắc phải luôn chủ động phòng chống mưa lũ, kể cả lũ quét, lũ ống, không để thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII phải sát hơi thở cuộc sống, vì vậy Tiểu ban làm việc với lãnh đạo các địa phương trong các vùng của cả nước. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để xây dựng các văn kiện quan trọng: Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo các địa phương đã nêu ra nhiều ý kiến có chất lượng, thẳng thắn, sâu sắc và có tầm văn kiện đại hội; đề xuất nhiều giải pháp để phát triển vùng. Thủ tướng cho rằng, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, khát vọng vươn lên của các địa phương là lợi thế quan trọng để thúc đẩy phát triển vùng.
Thủ tướng đề nghị, trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần nghiên cứu, khai thác phát huy lợi thế riêng, đặc biệt là vùng có truyền thống cách mạng, văn hóa đa dạng, điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển. Ngoài ra, đây còn là vùng dược liệu; nằm cạnh thị trường lớn. “Lợi thế rất quan trọng là niềm tin, khát vọng, đoàn kết, quyết tâm rất cao về chính trị với truyền thống quê hương cách mạng”, Thủ tướng nói.
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 10 năm qua, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục phát huy thành quả đổi mới, 11 tỉnh trong vùng và Hà Nội đã có sự ổn định chính trị xã hội, niềm tin người dân được củng cố, kinh tế phát triển bền vững và đều tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra. Nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ; nhiều tỉnh đã có quy mô nền kinh tế được nâng lên, thu ngân sách tăng cao. Trong đó, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2020 thu ngân sách đạt 3.000 tỷ đồng, thì hiện đã đạt mức 3.300 tỷ đồng. Đặc biệt, dù còn khó khăn, các địa phương rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội, giảm nghèo. Nhiều tỉnh giảm liên tục từ 4 - 6%, đời sống nhân dân được nâng lên.
Thủ tướng nhấn mạnh, vai trò rất quan trọng của vùng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới; ổn định chính trị, yên lòng dân, tạo điều kiện phát triển đất nước. Đặc biệt, vùng là "lá phổi" của cả nước, có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững, điều tiết nước cho sản xuất và sinh hoạt cho cả vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô.
Từ thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định hướng quan điểm phát triển đối với vùng theo hướng toàn diện và bền vững. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, thì phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần phải tập trung giữ vững ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, vì tỷ lệ nghèo của khu vực này trên 17%, tỷ lệ nghèo cả nước là khoảng 7%; giữ gìn đoàn kết dân tộc và thực hiện tốt chính sách dân tộc; giữ rừng, khôi phục, trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững; giữ đất, ổn định an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nguồn nước.
“Coi trọng an ninh và an sinh là vấn đề đặt ra cho vùng”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh yếu tố con người là quan trọng đối với sự phát triển, Thủ tướng cho rằng, giáo dục của 9 tỉnh miền núi phía Bắc còn yếu, còn là vùng trũng nên cần tập trung khắc phục.
Thủ tướng cũng gợi ý các tỉnh trong vùng cần khai thác tối đa lợi thế so sánh của mỗi địa phương, sự năng động, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, biến điểm yếu thành lợi thế phát triển, như bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng để phát triển du lịch; tỷ lệ che phủ rừng cao giúp phát triển lâm nghiệp bền vững; giáp thị trường lớn là Trung Quốc có thể thúc đẩy xuất nhập khẩu; khai thác sử dụng hiệu quả từ nguồn quỹ đất lớn để phát triển cây trồng, vật nuôi có thế mạnh.
Về phương hướng phát triển của vùng, ngoài phát triển bền vững, phát triển xanh, thì một phương hướng quan trọng mà Thủ tướng lưu ý là khắc phục tồn tại trong chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương, nhất là chính sách phát triển để ổn định; mở rộng không gian phát triển không chỉ với Hà Nội mà cả đẩy mạnh hợp tác với các thị trường trong khu vực.
Thủ tướng tán thành với các địa phương về việc cần xây dựng chính sách đặc thù mới, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, kể cả bằng nguồn ODA và các nguồn lực xã hội hóa khác. Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải, Văn phòng Chính phủ tập hợp để nghiên cứu giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng của vùng.