Du lịch Thủ đô: Chuyển mình, khẳng định vị thế
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 15:36, 26/07/2019
Du lịch Hà Nội phát triển và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Ảnh: Bá Hoạt
Những con số ấn tượng
Bám sát Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp như rà soát quy hoạch, xác định rõ tiềm năng, lợi thế để đầu tư; hoàn thiện thể chế phát triển hạ tầng du lịch; cải thiện chất lượng dịch vụ, xúc tiến sản phẩm mới, thị trường mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển… Đặc biệt, trong định hướng chỉ đạo, trước khi có Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 26-6-2016 về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với sự “tiếp sức” từ các nghị quyết kể trên, nhiều giải pháp đã được thực hiện, từ đó cả 4 chỉ tiêu quan trọng của ngành Du lịch Thủ đô đều có bước tăng trưởng khá. Cụ thể, năm 2018, số khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 6 triệu lượt người, vượt 5,2% so với chỉ tiêu đến năm 2020 về số khách quốc tế mà Nghị quyết số 06/NQ-TU của Thành ủy đã đề ra. Công suất sử dụng buồng, phòng của các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội đạt 62,28% vào cuối năm 2017 và đạt 64,86% vào cuối năm 2018. Trong nửa đầu năm 2019, chỉ số này đã tăng lên 72,7%.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu về tổng thu từ khách du lịch tăng trưởng đều trong những năm qua. Nếu năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 67.856 tỷ đồng, thì đến năm 2018 tăng lên 77.480 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này là 50.242 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước…
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, để đạt được kết quả này, có sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương. Đặc biệt là đã có nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời, phát triển; không ít cách làm hay, đột phá được thành phố triển khai.
Trong đó, chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước được thực hiện với quy mô, trình độ chuyên nghiệp, có nội dung cụ thể gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường. Thể hiện rõ nhất là việc thành phố tiếp tục ký kết hợp tác tuyên truyền về Hà Nội giai đoạn 2019-2024 trên Mạng tin tức truyền hình cáp CNN (Mỹ), sau giai đoạn 2017-2018 khá thành công.
Du khách nước ngoài tham quan, mua hàng trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hà
Một trong những giải pháp được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng, đó là phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Sau Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hoạt động vào năm 2016, trong năm 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục có thêm Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; Không gian bích họa phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Tiếp đến là sản phẩm du lịch xe bus 2 tầng; chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”... Hiện, thành phố cũng đã công nhận 11 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố; thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì; giới thiệu 5 dự án du lịch với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng…
Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng và triển khai ứng dụng du lịch thông minh, gắn với thực hiện “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” và nhiều điểm du lịch của Hà Nội đã được lắp đặt trạm phát wifi miễn phí…
Tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển
Theo Sở Du lịch Hà Nội, mặc dù ngành Du lịch Thủ đô đã có bước chuyển biến khá mạnh mẽ, song sự phát triển đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Điều này thể hiện rõ qua việc, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới có 67 khách sạn từ 3 đến 5 sao; số lượng cơ sở lưu trú được công nhận hạng từ 3 đến 5 sao và cao cấp đứng thứ 4 và chiếm tỷ lệ 8,4% cả nước. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội giai đoạn 2017-2018 chiếm tới 26,8% lượng khách của cả nước.
Để khắc phục những hạn chế này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút đầu tư phát triển hệ thống khách sạn đẳng cấp cùng với việc xúc tiến phát triển thị trường; chủ động thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua các hoạt động đối ngoại của thành phố và các sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới như: Giải đua xe công thức I (năm 2020) và SEA Games lần thứ 31 (năm 2021). Thành phố cũng tiếp tục thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú cao cấp…; đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét miễn thị thực nhập cảnh cho công dân một số quốc gia phát triển, là thị trường trọng điểm của Việt Nam như Australia, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ, New Zealand…
Đánh giá về du lịch Thủ đô, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng hiện còn nhiều thế mạnh để khai thác, phát triển. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhìn nhận, muốn kéo khách quay lại, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, Hà Nội cần tiếp tục có những sản phẩm du lịch mới, giàu tính trải nghiệm. Khu vực ngoại thành với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đa dạng các làng nghề... đủ chất liệu để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Ngô Hoài Chung cho rằng, thành phố Hà Nội có hệ thống bảo tàng, di tích, khu vực phố cổ… Đây là những tiềm năng ngành Du lịch Hà Nội tiếp tục khai thác, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Rõ ràng, còn nhiều dư địa để ngành Du lịch Hà Nội khai thác, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.