Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019): Sáng mãi hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Tin tức - Ngày đăng : 14:36, 27/07/2019
Đông đảo du khách nghe cựu chiến binh nói chuyện truyền thống tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên).
Thương binh Nguyễn Khắc Điệp, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức:
Càng những lúc khó khăn, càng phải cố gắng
Năm 1983, sau khi xuất ngũ về quê, tôi làm đủ mọi việc nhưng cuộc sống gia đình vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2012, khi thành phố có chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi mạnh dạn nhận của xã 2.000m2 đất trồng lúa rồi tự san lấp mặt bằng trồng cây ăn quả, cây lâu năm. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tôi vận động gia đình kiên trì bền bỉ trồng bưởi Diễn xen với rau màu và cây ăn quả ngắn ngày như chuối, táo...
Cũng có lúc thời tiết không thuận lợi, bị mất mùa, thu hoạch không đủ đầu tư chi phí chăm sóc cho cây, nhưng tôi nghĩ càng những lúc khó khăn càng cần phải cố gắng, nên quyết định đi học hỏi kinh nghiệm kiến thức về gây dựng lại vườn cây. Hiện vườn nhà tôi đã có khoảng 200 cây bưởi Diễn sắp đến kỳ thu hoạch. Mô hình kinh tế trang trại của tôi còn khiêm tốn, chưa tạo được công ăn việc làm cho nhiều người, nên tôi xác định còn sức khỏe còn tiếp tục phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương.
Thương binh Nguyễn Văn Ngân, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì:
Sẵn sàng “truyền lửa” cho lớp trẻ
Sau khi tham gia kháng chiến, năm 1977 tôi xuất ngũ trở về quê nhà cùng vợ con làm ruộng. Tuy nhiên, cuộc sống rất khó khăn nên tôi luôn trăn trở làm thế nào phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ vào cuộc sống. Thấy trên địa bàn thôn, xã còn nhiều diện tích bỏ hoang hóa, đầm lầy, tôi quyết định xin xã cho nhận 2,1ha để san lấp, làm trang trại mô hình VAC, tập trung vào gây giống cây ăn quả sạch. Để tăng năng suất cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế, tôi đi học hỏi nghiên cứu về trồng cây bưởi cảnh, một số loại hoa, cây cảnh cung cấp thị trường dịp Tết.
Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình cũng đã ổn định, thường xuyên tạo công ăn việc làm cho từ 5 đến 10 người có thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Giờ đã tích lũy được kinh nghiệm và có kiến thức tay nghề, tôi sẵn sàng “truyền lửa” cho bất cứ ai, nhất là lớp trẻ yêu mô hình như chúng tôi đang làm, để mọi người cũng phát triển kinh tế.
Thương binh Nguyễn Văn Thắng, 53 năm tuổi đảng, Chi bộ 2A, phường Quang Trung, quận Đống Đa:
Viết tiếp trang sử vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình
Khi thống nhất đất nước, tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống tại các chiến trường, được trở về với quê hương, gia đình. Vì thế, tôi nhận thấy phải có trách nhiệm viết tiếp bản hùng ca của lớp người đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Về nghỉ hưu, được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu tham gia công tác Đảng ở tổ dân phố, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Ban Hưu trí của phường..., ở bất kỳ vị trí nào tôi cũng quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và động viên con, cháu, bà con khu phố thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thương binh Chu Hữu Canh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức:
Nhân lên niềm tự hào của thế hệ cha anh
"Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong"... Những câu chuyện về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam được Hội Cựu chiến binh xã An Khánh thường xuyên kể lại cho học sinh các trường trên địa bàn thông qua các buổi nói chuyện truyền thống, qua đó góp phần hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Căn cứ từng sự kiện mà chúng tôi lựa chọn chủ đề cho phù hợp.
Chẳng hạn, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội kể câu chuyện về những tấm gương đảng viên kiên trung bất khuất, về phong trào xây dựng tổ chức Đảng ở những nơi gian khổ… Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hội có những hoạt động tri ân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”...
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, nhiều cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong xã đã góp tiền mua 1.150 lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc treo ở Nhà văn hóa xã, đường làng ngõ xóm trong những ngày lễ, Tết, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi trong toàn thể nhân dân.
Từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, hội viên cựu chiến binh cũng đóng góp hỗ trợ nhau vốn, cây, con giống để mở rộng sản xuất tăng thu nhập. Đây chính là nét đẹp của truyền thống Bộ đội Cụ Hồ mà tôi thấy cần phải duy trì để thế hệ sau này nhân lên niềm tự hào và tiếp nối.