Quan tâm toàn diện đến người có công

Tin tức - Ngày đăng : 18:00, 27/07/2019

Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với gần 800.000 người, trong đó có hơn 91.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo toàn diện đến người có công. Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân thiết thực, đầy ý nghĩa.
Thiết thực tri ân

Những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã trực tiếp đi thăm và tặng quà một số tập thể, cá nhân người có công tiêu biểu của Thủ đô. Ở cấp cơ sở, các địa phương cũng duy trì hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, gặp gỡ người có công, tu sửa nghĩa trang...

Quan tâm toàn diện đến người có công
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho người có công. Ảnh: Hà Hiền


Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lý Duy Thanh, toàn huyện đã bố trí gần 1,4 tỷ đồng để thăm, tặng quà 4.569 người có công và thân nhân người có công; trợ cấp hơn 1,1 tỷ đồng cho 2.200 trường hợp thờ cúng liệt sĩ; tặng 50 sổ tiết kiệm tình nghĩa; tặng sách vở, đồ dùng học tập cho hàng trăm lượt học sinh, sinh viên là con thương, bệnh binh...

Bên cạnh những hoạt động chung, nhiều địa phương đã chăm lo người có công bằng những hành động thiết thực. Chẳng hạn, quận Hà Đông tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền 10 triệu đồng/sổ cho người có công gặp khó khăn, cao hơn nhiều lần mức trung bình của thành phố; huyện Ba Vì, Thạch Thất... vận động các đơn vị, doanh nghiệp đóng góp, nâng mức phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Không những vậy, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế cũng đã tổ chức khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã khám, phát thuốc cho người có công ở phường Quang Trung (quận Hà Đông), xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai)...

Bệnh viện quân y 105 đưa cán bộ về các xã: Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Lại Yên (huyện Hoài Đức), Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây)… khám bệnh cho đối tượng chính sách và hướng dẫn họ cách chăm sóc sức khỏe.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND thành phố Hà Nội đã dành gần 100 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà người có công. Mức quà và đối tượng được tặng quà đều mở rộng hơn so với quy định chung.

Cụ thể, thành phố tặng 1 triệu đồng/suất quà đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên, đại diện thân nhân của liệt sĩ, người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp...

Ngoài ra, người có công trên địa bàn Hà Nội còn nhận được quà của Chủ tịch nước và của các địa phương. Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc chuyển 387.001 suất quà, trị giá 156,2 tỷ đồng đến người có công và gia đình.

Cùng với đó, các địa phương vận động nhân dân đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 30,6 tỷ đồng, bằng 138,4% kế hoạch; tặng 4.038 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí hơn 5 tỷ đồng, đạt 152,7% kế hoạch.

Đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thành phố, thương binh Nguyễn Huy Đạc, thôn Vàng, xã Cổ Bi chia sẻ: “Tôi sẽ luôn sống và làm việc với tinh thần “tàn nhưng không phế”, đồng thời động viên người thân nỗ lực lao động, học tập sao cho xứng đáng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội”.

Đưa chính sách đi vào đời sống

Các hoạt động tri ân, chăm sóc người có công của thành phố Hà Nội luôn được triển khai đầy đủ, kịp thời và thành phố cũng có nhiều chính sách đặc thù, phù hợp với thực tiễn.

Điển hình là chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công 2 năm/lần được các quận, huyện, thị xã thực hiện bài bản, rộng khắp. Trong năm 2019, toàn thành phố dự kiến đưa hơn 10.000 người đi điều dưỡng luân phiên.

Dù không còn người có công phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp, nhưng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công vẫn được các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố duy trì. Nhờ đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội có thêm 365 ngôi nhà nghĩa tình được xây dựng, vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Đón nhận nhà mới, bà Đỗ Thị Nghiên - là mẹ liệt sĩ Lê Văn Thúy, tổ dân phố 16, phường Thạch Bàn (quận Long Biên) xúc động: “Tôi đang ở với con trai út, chưa lập gia đình, làm nghề tự do, thu nhập thấp. Nếu thiếu sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng và xã hội dành cho người có công, ước mơ có ngôi nhà mới to đẹp hơn của gia đình tôi sẽ khó trở thành hiện thực”.

Việc giải quyết hồ sơ liên quan đến người có công cũng được các cấp, các ngành chức năng thành phố Hà Nội thực hiện bền bỉ, quyết liệt. Những hồ sơ đủ điều kiện đều được giải quyết nhanh gọn, đúng quy trình, cơ bản không còn hồ sơ tồn đọng. 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, việc chăm lo và thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn ngành. “Mục tiêu của ngành là làm sao để người có công trên địa bàn thành phố nhận được sự hỗ trợ toàn diện và sẽ có cuộc sống ngày càng tốt hơn”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết.

Minh Ngọc/Hanoimoi