Hà Nội: Tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:25, 15/04/2022
Tiết kiệm, chống lãng phí còn mang tính hình thức
Giám sát tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn TP trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Đoàn ĐB Quốc hội TP ghi nhận, 5 năm qua, các đơn vị nhìn chung triển khai thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng NSNN, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai và quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động.
Điển hình tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, 5 năm qua có những thời điểm rất khó khăn, không có doanh thu nhưng đơn vị vẫn có tăng trưởng, nộp ngân sách, có lợi nhuận, duy trì được bộ máy, bảo toàn vốn, đảm bảo đời sống cho 10.000 NLĐ trong toàn hệ thống, không có đơn thư. Chính nhờ tinh giản bộ máy, tối ưu hóa thời gian lao động…, Tổng Công ty đã vượt qua được nhiều thách thức do chịu tác động sâu của dịch Covid-19.
“Dù phải ngừng hoạt động kéo dài và sản lượng vận chuyển bị cắt giảm, doanh thu bán vé xe buýt không thể đạt kế hoạch tại hồ sơ mời thầu, Tổng Công ty vẫn hạch toán đủ các khoản chi phí cố định như khấu hao, lãi vay, đất đai, bảo vệ an ninh an toàn, bảo quản tài sản, phương tiện, ứng trực triển khai các nhiệm vụ, phát sinh chi phí tăng cường phòng chống dịch và duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường ngay sau giãn cách xã hội… Chúng tôi đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp điều hành, tiết kiệm tối đa các khoản chi, tăng quản trị, đổi mới tái cơ cấu, vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP với các DN và NLĐ. Chế độ tiền lương giảm trên 70%, đến nay một số lĩnh vực vẫn duy trì chế độ lao động luân phiên 50%. Qua các đợt kiểm toán, Tổng công ty cơ bản không có vi phạm pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong lĩnh vực tài chính DN” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Nam chia sẻ.
Còn tại quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND quận Bùi Tuấn Anh cho hay, triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được cấp ủy, chính quyền quận quan tâm chỉ đạo thực hiện với hệ thống văn bản đồng bộ. UBND quận tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật từ quận đến cơ sở với sự tham gia của các đoàn thể chính trị để phối hợp giám sát, kiểm tra trên tất cả lĩnh vực, nhất là sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị SNCL được UBND quận hết sức quan tâm. Số đơn vị SNCL đã giảm từ 12 còn 5. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (vốn ngân sách), quận tiết kiệm được 27 tỷ đồng thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; tiết kiệm 1,7 tỷ đồng qua kiểm tra giám sát và đánh giá đấu thầu theo quy định; cắt giảm được 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức đoàn đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng…
Nhờ tăng cường tuyên truyền và quyết liệt các giải pháp, nhận thức của CBCCVC, NLĐ được nâng cao, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu cũng như ý thức sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN trong hoạt động bộ máy hành chính được thực hiện nghiêm ở tất cả các đơn vị. Tổng kinh phí quận tiết kiệm được giai đoạn 2016-2021 đạt 728.787 triệu đồng, trên các lĩnh vực: Đầu tư công, chương trình mục tiêu, giáo dục đào tạo, y tế, kinh phí hội nghị - công tác vật tư văn phòng, mua sắm tài sản, tinh giản biên chế, dịch vụ công ích.
Mặc dù vậy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, việc triển khai xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí của một số đơn vị, địa phương chưa cụ thể, chi tiết theo nhiệm vụ chuyên môn. Đáng chú ý, việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm chống lãng phí tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao trong chi mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước; việc ban hành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, công tác kiểm tra thực hành tiết kiệm, lãng phí của mỗi đơn vị và công tác kiểm tra của cấp trên đôi khi chưa thực sự sâu sát. Đồng thời, việc xử lý các dự án chậm triển khai, đặc biệt những dự án đã bàn giao đất nhưng chưa đưa vào sử dụng hiện chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực cho phát triển.
Đáng chú ý, tham gia giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân nhận định, vấn đề chi trong mấy năm gần đây của địa phương thấp hơn nhiều so với dự toán, nhất là chi cho XDCB, nên cần đánh giá tác động như thế nào đến vấn đề chống lãng phí dưới góc độ đóng góp cho phát triển KT-XH của địa phương. Đề cập vấn đề trên địa bàn một số quận còn khá nhiều dự án được thống kê trong danh mục dự án sử dụng đất chậm triển khai, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương nắm bắt thế nào về tiến độ và những vướng mắc của các dự án này? Liệu các chủ đầu tư có thực hiện được những kiến nghị của đoàn giám sát các cấp để đảm bảo nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế quận? Từ đó, đề nghị chính quyền có đề xuất cụ thể về phân cấp, phân quyền trong quản lý dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất.
Gương mẫu từ người đứng đầu
Trưởng Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Thủ đô thời gian qua được thực hiện có trách nhiệm. Trong các nhiệm kỳ Đại hội, Thành ủy đều có chương trình riêng về công tác này; HĐND TP thực hiện nhiều cuộc giám sát về các dự án chậm triển khai… TP cũng thường xuyên ban hành các văn bản về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công tác tuyên truyền, phổ biến đến CBCCVC được UBND các địa phương thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức…
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều tồn tại bất cập đặt ra, Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí chính là công tác lãnh đạo chỉ đạo cần xác định tầm quan trọng của vấn đề này, từ đó nâng cao trách nhiệm toàn hệ thống chính trị, tăng tuyên truyền để tạo lan tỏa công tác này trong toàn bộ các cấp, ngành, ngay từ người đứng đầu, từ đó hướng tới cả các DN, thành phần kinh tế, người dân. “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đòi hỏi có cách làm khoa học, hiệu quả và những mô hình sáng tạo, trong đó quan tâm áp dụng công nghệ số, CNTT, cải cách hành chính. Phải tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất; kết hợp tuyên truyền sâu rộng, vận động toàn thể cán bộ, Nhân dân cùng thực hiện, đặc biệt nêu cao vai trò người đứng đầu" - Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP nêu rõ.
Từ đó, Trưởng đoàn giám sát đề nghị trong kế hoạch thực hiện công tác này, các địa phương, đơn vị cần chia theo từng năm, để thực hiện có định lượng, có bộ công cụ kiểm tra thực tế tại các cơ quan, các phường; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát, từ đó biểu dương những nơi làm tốt, vượt kế hoạch, có sáng tạo để nhân rộng trên toàn TP và xử lý nghiêm minh những nơi còn tồn tại hạn chế.
Để tăng cường hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm, chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền trong việc ban hành chính sách pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, các cơ quan cần rà soát ngay để có những giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, làm sâu sắc thêm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả hệ thống tới từng cơ sở.