Chống úng ngập bằng nhiều giải pháp
Tin tức - Ngày đăng : 07:57, 04/08/2019
Một điểm úng ngập.
Theo các chuyên gia từ Ban Quản lý xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, về cơ bản, các điểm úng ngập trên địa bàn có 3 loại: Úng ngập do mưa lớn; úng ngập do triều cường và úng ngập do mưa lớn kết hợp triều cường. Đến hết năm 2018, sau rất nhiều nỗ lực chống ngập của các ban, ngành, toàn thành phố còn 18 tuyến đường úng ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường. Con số này so với 10 năm trước là 126 và 95.
Hiện UBND thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Dự án Giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá 10.000 tỷ đồng. Theo đó, các cống lớn được xây dựng chặn ngang một số con sông, kênh chính khắp thành phố, điều tiết mức nước khi triều cường, không để dâng cao gây ngập lụt. Dự kiến trong quý II-2020, các công trình này được đưa vào vận hành, hạn chế ngập do triều cường cho một khu vực rộng lớn gồm tất cả các quận nội thành. Việc còn lại là xử lý các điểm úng ngập cục bộ do mưa lớn.
Mỗi khi mưa lớn trút xuống thành phố Hồ Chí Minh, các điểm ngập quen thuộc lại được nêu tên: Đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận 1, đường Võ Văn Ngân ở quận Thủ Đức, đường Phạm Văn Đồng ở quận 9... GS.TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Hệ thống thoát nước lạc hậu, phát triển đô thị không theo quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn tới ngập nước sau mưa. Vì vậy, cần phải khoanh vùng từng khu vực nhỏ để xử lý úng ngập. Đây cũng chính là cách mà thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng: Hoặc tiêu nước mưa thật nhanh ở các vùng trũng (máy bơm công suất lớn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh), hoặc lưu trữ và điều tiết từng lượng nước mưa nhất định từ nơi cao về nơi thấp, tránh ngập cục bộ.
Một trong những giải pháp đang được thành phố Hồ Chí Minh thí điểm là xây dựng 7 hồ điều tiết nước cỡ nhỏ theo công nghệ Nhật Bản, với tổng trị giá khoảng 475 tỷ đồng tại nhiều điểm ngập cục bộ. Theo PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, những hồ điều tiết ngầm này có chức năng giữ lại nước mưa ở nơi cao, cho thoát chậm về nơi trũng, giảm ngập lụt. Trong đó, hồ điều tiết ngầm đầu tiên được xây dựng trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) được thiết kế dài 10m, rộng 9m, sâu khoảng 2,5m, bên trong là những khối nhựa rỗng cross-wave liên kết dạng mô đun trữ nước. Thời gian thi công chỉ 7 ngày, sau đó tái lập mặt đường trả lại không gian bên trên.
Mới đây, kỹ sư Trương Thanh Hiển (Hiệp hội Những người sáng tạo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh) còn thử nghiệm một giải pháp chống ngập cục bộ mới, đó là sử dụng các hộp bê tông sợi (không dùng cốt thép) lắp ghép với nhau đặt dưới vỉa hè, mặt hẻm, tạo ra nơi chứa nước mưa tạm thời. Các hộp bê tông rỗng đặt ở độ sâu 0,5m, mỗi mét vuông có thể chứa 500 lít nước mưa, chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng. Nước mưa sẽ được lưu lại dưới hàng nghìn ki lô mét vỉa hè hay trong hàng nghìn con hẻm khắp thành phố và thoát dần về nơi thấp, tránh gây úng ngập...
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong lúc thành phố đang chờ những dự án chống ngập lớn mang tính tổng thể được vận hành, thì những giải pháp chống ngập cục bộ của các chuyên gia, nhà khoa học cần được khuyến khích. Để các giải pháp trên được triển khai rộng rãi, cần được các ban, ngành chuyên môn đánh giá từ góc độ khoa học, sau đó thí điểm một số khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng để chứng minh hiệu quả.