Từ hòa bình đến hội nhập và phát triển
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:35, 05/08/2019
20 năm trước (ngày 16/7/1999), tại Thủ đô La Paz, Bolivia, Hà Nội vinh dự và tự hào khi được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Sự kiện này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hòa bình đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung. Danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” chính là sự kết tinh của lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, và cũng chính là động lực cho sự phát triển của Thủ đô.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao, TP. Hà Nội, đại diện tổ chức UNESCO thực hiện nghi thức thả chim bồ câu mang thông điệp khát vọng hòa bình, thịnh vượng tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.
Niềm mong từ quá khứ
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khi còn sống từng chia sẻ: “Văn hóa hòa bình từng tồn tại như một lẽ sống của dân ta. Có dân tộc nào yêu quý hòa bình hơn dân tộc Việt Nam? Cho nên người Việt Nam, người Thăng Long – Hà Nội luôn mong muốn một cảnh thanh bình để sống yên vui, để phát huy tài năng là lao động sáng tạo, xây đắp cho quê hương. Có một biểu thị thú vị là khi đặt tên gọi cho các vùng đất ở kinh đô này thường nhân dân ta gửi gắm vào đó mong ước thanh bình, yên ổn, yên lành. Từ Bắc xuống Nam ta thấy có có các phường xóm Yên Hoa, Yên Ninh, Yên Định, Yên Tĩnh, Yên Thành, Yên Viên, Yên Quang, Châu Yên, Yên Thái; rồi Yên Trạch, Đại Yên, Yên Lãng (ở phía Tây); Lãng Yên, Lương Yên, Yên Lạc, Yên Xá, Yên Hội, Yên Nhất, Thịnh Yên (ở phía Nam); Yên Hòa, Yên Trung, Yên Tập, Yên Nội, Yên Phú (khu trung tâm); Trung Yên, Thanh Yên, Xuân Yên (ở phía Đông)”.
Sử cũ còn ghi sau khi “Bình Ngô”, vua Lê Thái Tổ đã thông qua lời văn của Nguyễn Trãi nói lên ước muốn của mình: “Giặc bị bắt, xin tha chết vẫy đuôi hổ đói” thì “Thần võ chẳng giết, tỏ lượng hiếu sinh mở rộng lòng trời”. Vua còn cấp thuyền, cấp ngựa cho các bại tướng, bại quân trở về nước. Ông còn nói: “Chúng đã tham sống sợ chết, thực dạ cầu hòa. Ta lấy toàn quân là hơn, cùng dân nghỉ sức để mở nền thái bình muôn thuở”.
Có câu thơ cổ viết rằng: “Thăng Long phi chiến địa” (Thăng Long không có chiến tranh). Nhiều người từng đặt câu hỏi không là chiến địa vậy sao lại là nơi bách chiến “Long Đỗ không dư bách chiến thành” (Đất Long Đỗ (cũng là Thăng Long) còn đó thành bách chiến). Ngược về lịch sử Thăng Long - Hà Nội mới hay “phi chiến địa” chính là ước vọng, còn thực tế lịch sử cho thấy Hà Nội đã từng hứng chịu không ít bão táp của chiến tranh. Nhà sử học Dương Trung Quốc điểm lại: “Mỗi khi giới thiệu về Hà Nội, câu chuyện “trả gươm” của vua Lê mà chứng tích vẫn hiển hiện qua bóng dáng của “Cụ Rùa” mới khuất không lâu, khi nổi chìm trong bóng nước hồ Gươm… vẫn luôn là câu chuyện mở đầu đặc sắc nhất. Rồi ta cũng biết đến 3 lần quân Nguyên Mông đánh chiếm nước ta là 3 lần vua Trần bỏ thành Thăng Long về quê, hội quân chờ cơ phá tan thế giặc. Đến thời Lê thì kế sách “tâm công” khiến quân ta vây hãm rồi vào thành Đông Quan không nhiều máu chảy đầu rơi mà còn lập “hội thề” nguyện đôi bên muôn đời hòa hiếu…”
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “sở dĩ Thành phố Hà Nội được tôn vinh là “Thành phố Vì hòa bình” cũng vì nó đã được “thử lửa” qua chiến tranh. Chính nhờ những trải nghiệm chiến tranh mà dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô nói riêng càng trân trọng hơn những giá trị của hòa bình.
Dấu ấn đẹp của thời kỳ đổi mới
Giải thưởng UNESCO - “Thành phố Vì hòa bình” mà Thành phố Hà Nội được trao tặng từ 20 năm trước có thể nói là một dấu ấn rất đẹp của thời kỳ đổi mới, góp thêm vào những trang sử vẻ vang của Thủ đô ngàn năm văn hiến và có tác dụng động viên, cổ vũ nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, đóng góp xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: “Sau 20 năm, Thủ đô tiếp tục phấn đấu không ngừng; xây dựng, phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, mà còn là thành phố đa sắc màu văn hóa; các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao”.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam thì đánh giá: “Sau khi được trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội đã “hướng ngoại” hơn, trở thành một Thủ đô năng động, tham gia ngày càng nhiều vào các hợp tác trong khu vực và quốc tế. Thành phố Hà Nội đã có nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như: Khôi phục các di tích, hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, quảng bá các nghề thủ công truyền thống, cải thiện các dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường và tạo lập không gian xanh…”
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm Thành phố Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO cũng đã bày tỏ sự vui mừng khi được quay trở lại Hà Nội sau 20 năm. “Hà Nội, hai mươi năm sau khi được vinh danh, không chỉ là một khu đô thị lớn hơn với dân số đông hơn mà là một thành phố mở cửa, một Thủ đô hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế. Chúng tôi thấy một đất nước Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm” – ông Firmin Edouard Matoko nói.
Nhìn lại chặng đường 20 năm, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng Hà Nội không chỉ tự hào, vinh dự với danh hiệu đã nhận mà còn xem đây là động lực để tiếp tục phát triển và cống hiến. Những thành quả đã đạt được thời gian qua là minh chứng cho thấy Hà Nội đã và đang nỗ lực để phát huy giá trị của danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ với những thành tựu và dấu ấn đáng tự hào thì không thể không nhắc tới những thách thức, áp lực đang đặt ra cho Thủ đô hôm nay. Để tiếp tục xứng đáng với danh hiệu này, thành phố cần có những giải pháp về quy hoạch và quản lý đô thị, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Và một điều vô cùng quan trọng đó là sự chung sức của mỗi người dân Thủ đô để xây dựng, giữ gìn và vun đắp cho Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.