Lần đầu tiên ca Huế kết hợp với nhạc đương đại trong MV “Tình em bến đợi”
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 20:57, 16/04/2022
NSƯT Diệu Hương chia sẻ: “Trong sự nghiệp, tôi đã hát vô số những bản ca Huế cổ, cũng hát những bản nhạc được viết lời mới. So với các thể loại âm nhạc khác như tuồng, chèo, cải lương..., ca Huế kén người nghe hơn vì nó thuộc loại nhạc cung đình chỉ được hát trong cung vua, phủ chúa. Trong một quãng thời gian dài, tôi luôn đau đáu làm sao để phát triển ca Huế, đưa loại hình âm nhạc này đến gần hơn với khán giả. Tôi đã thử nghiệm và cuối cùng tìm ra cách kết hợp ca Huế với âm nhạc hiện đại”.
Với xuất phát điểm là ca sĩ dòng nhạc nhẹ, lại là giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Huế, từng học opera và có hơn 10 năm phụ trách mảng ca Huế và dân ca, nhạc cổ miền Trung trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Diệu Hương có nhiều cơ hội thuận lợi để thể nghiệm, tìm ra sự "đối thoại” giữa dân ca Huế và nhạc đương đại. Chị không gò bó ca Huế trong khuôn khổ những lời ca cổ, những giai điệu quen thuộc mà hát ca Huế với tâm thế cởi mở theo một cách riêng.
Sau một thời gian khá dài thử nghiệm với rất nhiều làn điệu, nhiều bản ca Huế, từ những giai điệu thân thuộc đến cả những bản ca ít người biết, Diệu Hương mới cho ra mắt tác phẩm đầu tiên, đó là bản kết hợp “Tình em bến đợi” - tổ khúc dân ca gồm 3 làn điệu nổi bật trong dân ca Bình Trị Thiên - Huế, gồm: “Tình em bến đợi”, “Lý hoài nam (Lý qua đèo)” và “Lý ngựa ô”.
Để thực hiện sản phẩm này, NSƯT Diệu Hương tự mình biên soạn và hướng dẫn phần hòa âm phối khí. Chị vẫn lấy âm nhạc dân tộc làm gốc với âm thanh của đàn tranh, sáo nhưng thêm vào những hòa thanh, biến tấu thành một bản world music khiến người nghe dễ hấp thu, dễ cảm nhận hơn.
Phần hình ảnh cũng được nữ ca sĩ đầu tư đầy tâm huyết với những cảnh quay đẹp mộng mơ ở đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với gốc đa, bến nước, sân đình… Nữ ca sĩ cảm thấy rất may mắn vì đã lưu giữ lại được những hình ảnh rất đẹp của gốc đa - biểu tượng và là một phần lịch sử của đình Chèm trong MV.
Link MV: Xem tại đây
Lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió, năm 18 tuổi, Diệu Hương đã theo Đội Thông tin tuyên truyền văn hóa lưu động tỉnh Quảng Trị đi diễn ở khắp nơi. Từ năm 1995, chị hoạt động tại Đoàn nghệ thuật Quảng Trị. Trong 7 năm liền tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, nghệ sĩ Diệu Hương đoạt 4 Huy chương vàng. Năm 2001, Diệu Hương từng đi thi Sao Mai và giành giải Ca sĩ trẻ triển vọng.
Từ năm 2011, Diệu Hương phụ trách mảng ca Huế và dân ca, nhạc cổ miền Trung trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tháng 5-2012, Diệu Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật dân tộc, đặc biệt trong việc giữ gìn và quảng bá ca Huế.