Xây dựng đô thị thông minh: Thay đổi tư duy là yêu cầu quan trọng
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 21:07, 16/04/2022
Ngoài việc xây dựng nền tảng thể chế, chuẩn bị về nguồn lực tài chính, con người, hạ tầng, để xây dựng đô thị thông minh quan trọng nhất phải thay đổi tư duy từ người quản lý cho đến cư dân mới có những bước đi đột phá.
Mô hình nào phù hợp với Việt Nam
Tại tọa đàm “Đô thị thông minh từ chính sách đến thực thi” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 15/4, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã có bàn luận sâu về những yếu tố nền tảng của mô hình TP thông minh, đô thị thông minh từ thể chế, chính sách tổng thể đến cơ chế vận hành; từ văn bản pháp lý đến nguồn lực thực thi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng bàn thảo về những yếu tố nền tảng của mô hình TP thông minh, đô thị thông minh như quản lý hành chính, môi trường, y tế giáo dục, văn hoá xã hội, giao thông… Đồng thời nêu ra cơ hội, cũng như thách thức của những TP tại Việt Nam trong việc triển khai đề án TP thông minh
Ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đã và đang được triển khai hiệu quả.
Đến nay có 41/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế - xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành, từng vùng. Vấn đề là làm thế nào để các địa phương chọn được mô hình phù hợp, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.
Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, đô thị thông minh là một trong những hướng phát triển đô thị nhằm hướng đến mục tiêu quản lý, phát triển tốt hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Trong chỉ đạo định hướng của Đảng cũng có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gần đây là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định phát triển đô thị thông minh là một trong những xu hướng tất yếu.
“Tuy nhiên, qua theo dõi chúng tôi thấy nhiều đô thị của chúng ta đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển. Đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, các địa phương nên lựa chọn vấn đề ưu tiên để xây dựng TP thông minh, ví dụ Phú Quốc chọn du lịch thông minh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế cũng làm tốt...” - ông Lê Hoàng Trung nêu.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các địa phương là hiểu thế nào cho đúng về đô thị thông minh. Bởi khi hiểu đúng chúng ta mới biết đâu là vấn đề quan trọng, cần làm. Từ vai trò của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước... nếu không thống nhất được nhận thức vai trò của từng bên sẽ không thể thực hiện được.
Chuyên gia này cho rằng, đô thị thông minh thực chất là khái niệm "động", không có điểm đích, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả TP. Nhưng nó có một số đặc điểm chung và cách tiếp cận chung đó là đô thị thông minh, TP thông minh sẽ giải quyết các vấn đề của đô thị như môi trường, giao thông… một cách tốt nhất, mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, mọi nhu cầu, dịch vụ được tiếp cận dễ dàng.
Đô thị thông minh cũng thể hiện nền kinh tế sáng tạo, con người ứng xử văn minh hơn, được an toàn hơn. Đặc biệt, đô thị thông minh, TP thông minh sẽ có đặc điểm chung là hạ tầng, công trình, dịch vụ đều được kết nối thuận tiện hơn cho người dân. Quản trị xã hội cũng sẽ thông minh hơn, các dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu người dân phải tốt hơn. Đô thị thông minh là khi đứng chờ xe buýt, người dân sẽ biết phải chờ trong bao lâu; đi làm dịch vụ công, phải biết được các bước như thế nào, thời gian giải quyết bao lâu…
“Để xây dựng TP thông minh, đô thị thông minh thực ra công nghệ là không thể thiếu, nhưng trong bối cảnh này theo tôi yếu tố quan trọng nhất là giải pháp về quản trị của chính quyền đô thị. Đây được coi là nền tảng để phát triển các yếu tố tiếp theo” - ông Phan Đức Hiếu khẳng định.