Nhà thơ liệt sĩ Trần Mai Ninh
Truyện - Ngày đăng : 09:22, 07/08/2019
Suốt nửa thế kỷ nay, các bài thơ Tình sông núi và Nhớ máu của Trần Mai Ninh đã để lại những ấn tượng rất mạnh trong tâm trí những ai đã đọc. Mơ mộng và quyết liệt. Yêu dấu nặng lòng với đất đai, sông núi và căm hờn sắt máu một mất một còn với kẻ thù. Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh là tình cảm chủ đạo trong thơ Trần Mai Ninh. Lần đầu tiên trong thơ trữ tình Việt Nam có một giọng thơ chiến đấu ngùn ngụt lửa, máu, chết chóc
Suốt nửa thế kỷ nay, các bài thơ Tình sông núi và Nhớ máu của Trần Mai Ninh đã để lại những ấn tượng rất mạnh trong tâm trí những ai đã đọc. Mơ mộng và quyết liệt. Yêu dấu nặng lòng với đất đai, sông núi và căm hờn sắt máu một mất một còn với kẻ thù. Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh là tình cảm chủ đạo trong thơ Trần Mai Ninh. Lần đầu tiên trong thơ trữ tình Việt Nam có một giọng thơ chiến đấu ngùn ngụt lửa, máu, chết chóc:
Cả một đàn chó ghẻ
Sủa lau nhau
Và lần lượt theo nhau
Chết không ngáp
Dao găm để gáy
Súng màng tang
Ông ộc xối đầy đường
máu chó…
Bài thơ viết năm 1946, nghĩa là cách đó dăm ba năm thơ Việt Nam còn đắm chìm trong khí quyển lãng mạn, ngà ngà mà say, ngây ngây mà sầu, rầu rầu mà khóc. Dưới bút Trần Mai Ninh, nhân vật trữ tình của thơ mang một diện mạo mới, chưa thấy có trong nền thơ:
Ơ những người
Đen như mực đặc thành keo
Tròn một củ
Hay những người gày sắt lại
Mặt rẹt một đường gươm
Lạnh gáy…
Đó là những người đánh giặc, những chiến sĩ biệt động, trong lòng họ chỉ nung nấu một hành động: Giết giặc Cả mắt/ cả người/ cả hồn ta sát tới. Họ sống trong đáy âm thầm và đến nhìn tương lai họ cũng không được nhìn bằng ánh mắt bình thường: Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai.
Thơ ấy ai đọc một lần cũng nhớ nhưng cuộc đời Trần Mai Ninh thì lại ít người biết đầy đủ. Trong các sách giáo khoa văn học, trong kỷ yếu các nhà văn Việt Nam cũng chỉ cho biết: Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh 1917, quê Thanh Hóa, tham gia cách mạng từ phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939), là người làm thơ, viết báo trên các tờ Bạn dân, Thời thế, Tin tức, Thế giới, Người mới, Bạn đường… Khi Mặt trận Dân chủ bị đàn áp, ông về hoạt động ở Ngọc Trạo, Thanh Hóa. Bị bắt. Vượt ngục. Tham gia giành chính quyền 1945 ở Nam Trung Bộ. Tham gia kháng chiến ở Quãng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Bị bắt, hy sinh trong tù khoảng 1948. Tác phẩm: Thằng Tuất (truyện vừa 1939), Trừ họa (truyện ngắn 1941), Ngơ ngác (truyện dài 1942), Sống dã rồi viết văn (tiểu luận 1944) và một số bài thơ. Năm 1980, Như Phong sưu tầm thơ văn Trần Mai Ninh làm tuyển tập thơ Thơ văn Trần Mai Ninh.
Theo mấy dòng ghi chú vắn tắt về tiểu sử ấy thì Trần Mai Ninh là một nhà thơ liệt sĩ nhưng do hoàn cảnh thời ấy người ta không lập được hồ sơ đầy đủ để xác minh ông là liệt sĩ. Một nửa thế kỷ trôi qua, những người bạn chiến đấu của ông như nhà văn Nguyễn Chí Trung, ông Nguyễn Thuận… vẫn không nản chí điều tra, sưu tầm, xác minh hoàn cảnh hy sinh của ông. Đồng đội ông xác minh được hoàn cảnh ông sa vào tay giặc, những ngày bị tù đày tra tấn. Nhưng đến cái chết của ông thì những người sưu tầm bị lạc trong những chi tiết huyền thoại do các nhân chứng là nhân dân ở Nha Trang cung cấp. Khó phân biệt đâu là hiện thực đâu là do lòng khâm phục của nhân dân trước gương hy sinh lẫm liệt của ông mà huyền thoại hóa đi: Ông bị địch chọc mù mắt vì vẽ tranh cách mạng, bị chúng cắt lưỡi vì luôn chửi rủa chúng, ông bị địch dùng xe kéo lê xác trên đường phố… Các lời kể có khác nhau chi tiết, ngay thời điểm ông hy sinh, người nhớ là 1947, người cho là 1948, nhưng đều toát lên niềm khâm phục kính yêu của người kể về phút ông đền nợ nước.
Năm 1999 ông được Nhà nước công nhận liệt sĩ.
Trong lễ tưởng niệm 52 năm ngày ông hy sinh (1948 – 2000), tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội ngày 21/7/2000, qua những hồi ức của bạn chiến đấu, bạn văn chương như Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Thuận, Học Phi, Tô Hoài, Lương Sỹ Cầm… và người em gái ông bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thanh, những người dự thấy rõ tính cách ông, một tính cách ngạnh trực ngang tàng, một ý chí không biết sợ, không chịu khuất phục. Tính cách ấy làm chúng ta hiểu thơ ông, hiểu những hành động quyết liệt của ông ngay trong nanh vuốt kẻ thù và hình dung được những giây phút lâm chung khí phách của đời ông.
Một bản hệ thống hóa đời hoạt động và sáng tác của Trần Mai Ninh, sưu tầm, sàng lọc từ nhiều nguồn, đã được công bố: Năm 1935, ở tuổi 18, ông đỗ bằng Thành chung (tương đương Trung học cơ sở bây giờ), Trần Mai Ninh rời Thanh Hóa ra Hà Nội, học trường Thăng Long, tham gia nhóm “Nghiên cứu Mác xít" và hoạt động trong phong trào Thanh niên dân chủ Đông Dương. Bắt đầu viết báo, viết văn, minh họa sách báo, với nhiều bút danh: Trần Mai Ninh, Hồng Diện, Tố Chi, Mai Đỗ, TK… Về sau tụ lại với bút danh thơ Trần Mai Ninh.
Trần Mai Ninh viết nhiều thể loại truyện ngắn, truyện dài, kịch. Nhưng thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là thơ. Thơ ông xuất hiện trên các trang báo cách mạng từ năm 1938 (năm 21 tuổi). Đó là những năm đắc thắng của phong trào Thơ Mới, đắc thắng trong sự cách tân hình thức thể hiện, đắc thắng cả trong khuynh hướng lãng mạn trên thi đàn công khai. Nhà thơ trẻ Trần Mai Ninh xuất hiện khi ấy cố nhiên tiếp nhận nhiều khai phá hình thức sáng tạo của phong trào Thơ Mới với các tên tuổi Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận… nhưng ông phát triển trên một quỹ đạo tư tưởng hoàn toàn khác biệt, quỹ đạo thơ kêu gọi chiến đấu giành độc lập dân tộc. Đó cũng là quỹ đạo của nhà thơ trẻ Tố Hữu mà dưới mỗi chân bài, nơi sáng tác là tên các xà lim, các nhà tù Quy Nhơn, Lao Bảo... Không biết Trần Mai Ninh khi ấy có đọc các bài thơ Tố Hữu lưu hành bí mật không. Tôi chắc không, hoặc hiếm lắm. Nhưng thơ hai ông có nhiều nét tương đồng. Ấy là sức tố cáo tội ác giặc Pháp và những âm mưu thâm độc của chúng ấy là tính chiến đấu, là lời kêu gọi, cổ vũ tổ chức chiến đấu. Thơ như mệnh lệnh của lương tâm, như tiếng gọi của trí tuệ, của lý tưởng. Trần trụi, chắc thật. Lời lẽ đanh lại như khẩu hiệu. Để nhớ. Để làm:
Lòng tôi đứng dậy
cao ghê quá
Nó muốn nâng lên
dậy cả trời
Và tung ra khắp
không gian rộng
Để kết liên
người lại với người
(...)
Đoàn thanh niên mới
vươn mình dậy
Bứt những ngôi sao
kết hoa hồng
Để rải trên đài tươi thắm của
Hòa bình nhuốm
vạn ánh kim cương
Bài thơ đăng trên báo Mới số 4, ngày 15/6/1939, nhưng cả giọng thơ cả ý tưởng như thơ của bây giờ. Phẩm chất hiện đại là một đặc trưng thơ Trần Mai Ninh. Tiếc ông hi sinh sớm quá, 30 tuổi, thành công vừa chạm tới. Ông chưa đủ thời gian để phát triển, để mở rộng thêm những tầng sâu thẳm khác của tâm hồn con người. Đất nước mất một tài năng thơ chiến sĩ giàu tiềm lực. Đặc biệt hai bài thơ, viết vào chặng cuối của đời. Tình sông núi và Nhớ máu là một sự mở đường về thi pháp lãng mạn cách mạng, giới thiệu một phẩm chất trữ tình dữ dội, hiếm gặp trong thơ Việt. Cả hai bài được đưa vào sách giáo khoa trung học từ khá sớm, góp phần làm hình thành nhân cách yêu nước đắm say, quyết liệt và ý chí chiến đấu hi sinh vì nghĩa lớn. Có một sự tương đồng kì diệu, cao cả giữa điệu tâm hồn của tác phẩm và sự hi sinh lẫm liệt của tác giả. Trần Mai Ninh như một ngôi sao băng hiếm và lạ xẹt qua bầu trời thi ca nước nhà nhưng sức lưu quang lại là vĩnh viễn.