Vĩnh biệt nhà văn đoạt giải Nobel Toni Morrison
Tin tức - Ngày đăng : 08:17, 09/08/2019
Nhà văn Toni Morrison Ảnh: INTERNET
Ít ai biết nhà văn người Mỹ gốc Phi đoạt giải Nobel Văn chương năm 1993 đã có một khởi đầu sự nghiệp viết văn muộn. Tiểu thuyết đầu tay "Mắt biếc" ("The Bluest Eye", 1970) của bà được xuất bản khi bà đã ngấp nghé tuổi 40. Lúc đó, bà đang làm biên tập viên của NXB danh tiếng Random House, làm mẹ đơn thân chăm con nhỏ, nên chỉ có thể viết khi trời chưa sáng. Như để bù lại sự muộn màng này, hàng loạt tiểu thuyết của bà ra đời. Tháng 3 năm nay, bà mới xuất bản tác phẩm mới nhất, tập tiểu luận "The Source of Self-Regard" (tạm dịch: Nguồn gốc của sự vị kỷ).
Ở Việt Nam, những tác phẩm của bà đã được dịch và giới thiệu tuy không trọn vẹn nhưng cung cấp cho độc giả hình dung khái quát về sự nghiệp của một trong những nhà văn da màu vĩ đại nhất thế giới. Từ năm 1995, tiểu thuyết "Mắt biếc" của bà đã được NXB Trẻ xuất bản, riêng tiểu thuyết giúp bà đoạt giải Pulitzer - "Beloved", có tới 3 bản dịch khác nhau lần lượt mang nhan đề: "Người yêu dấu", "Thương" và "Yêu dấu"…
Độc giả Việt Nam đã tìm thấy ở văn chương Toni Morrison sự đồng điệu của những dân tộc từng chịu áp bức. Sự xuất hiện của bà giữa lòng nước Mỹ vào thời điểm bấy giờ chính là nguồn cổ vũ cho phong trào đòi bình đẳng đang diễn ra sôi nổi. Bà tự nhận rằng: "Đơn giản không gian của tôi là Mỹ gốc Phi". Ở không gian đó, bà thỏa thích sáng tạo những câu chuyện có thể khiến độc giả rùng mình về tính bạo liệt của nó.
Hiếm có một nhà văn nào nhận được sự yêu mến từ giới chuyên môn lẫn độc giả đại chúng như Toni Morrison. Cựu Tổng thống Barack Obama từng nói về bà: "Văn xuôi của Toni Morrison mang đến cho chúng ta loại sức mạnh của luân lý và cảm xúc mà ít nhà văn nào làm được". Như một bà già hiền minh chỉ quẩn quanh góc bếp nhưng có thể thấu hiểu mọi sự trên đời, văn chương của bà không dự báo về tương lai mà trở thành một bài học về lịch sử, niềm tin và sức mạnh con người.