Hà Nội khẩn trương chống dịch sốt xuất huyết

Tin tức - Ngày đăng : 08:18, 09/08/2019

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến rất phức tạp, toàn TP Hà Nội ghi nhận gần 2.000 bệnh nhân mắc.
Nhiều địa bàn xã, phường trở thành khu vực trọng điểm về ổ dịch SXH. Trước tình hình này, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị 12 quận, huyện có số ca mắc cao khẩn trương chống dịch.

Những điểm nóng về dịch bệnh


Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đã kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và làm việc với UBND quận về các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Ghi nhận ca mắc SXH đầu tiên vào cuối tháng 4/2019, đến nay số mắc tại phường Minh Khai đã là 89 trường hợp, chiếm 82,75% số mắc của toàn quận. Trong đó, có 47 trường hợp là học sinh, sinh viên thuộc tổ dân phố Nguyên Xá 1, Nguyên Xá 2 và Nguyên Xá 3. Có 448 bể hở ở 3 tổ dân phố này được xác định là ổ bọ gậy nguồn.

Hà Nội khẩn trương chống dịch sốt xuất huyết
Cán bộ y tế Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm thả hóa chất vào các bể cảnh của hộ gia đình để diệt bọ gậy.
Phường Minh Khai là một trong 3 xã, phường có nhiều bệnh nhân mắc SXH nhất TP, cùng với phường Phú Lương (quận Hà Đông), xã Tiền Phong (huyện Thường Tín). Hiện tại, trên địa bàn phường còn 3 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện E. Còn tính trên toàn quận Bắc Từ Liêm, ghi nhận 116 trường hợp mắc SXH, 8 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Trước tình hình này, ông Hoàng Đức Hạnh yêu cầu phường Minh Khai và toàn quận Bắc Từ Liêm tập trung cho công tác phòng chống dịch SXH, phun hoá chất triệt để tại các ổ dịch và những nơi có nguy cơ cao. Đặc biệt tuyên truyền, vận động người dân phòng bệnh.

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 1.800 trường hợp mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Cả 30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân mắc, trong đó 85% số ca mắc nằm ở 12 quận, huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thường Tín, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thanh Trì, Ba Đình, Hoài Đức, Hai Bà Trưng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Nhật Cảm cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã tổ chức 1.048 chiến dịch vệ sinh môi trường với trên 2,5 triệu lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy. Cùng với đó, TP đã tổ chức 102 chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại 13 quận, huyện có nhiều bệnh nhân với 135.000 hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành 164 công trường, 1.095 cơ quan, đơn vị, trường học…

Mặc dù ngành y tế đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH, nhưng dịch hiện vẫn diễn biến khó lường bởi các yếu tố nguy cơ như thời tiết mưa, nắng thất thường, thích hợp cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển. Trong các khu dân cư, nguồn sản sinh ổ bọ gậy rất đa dạng từ bể hở, xô chậu đựng nước, phế liệu, phế thải…

“Nếu người dân không có ý thức phòng bệnh ngay từ chính gia đình mình bằng cách vệ sinh môi trường sạch sẽ, chặn nguồn sinh sản và phát triển của muỗi thì e rằng, dịch bệnh SXH khó bề kiểm soát được” - ông Cảm nói.

Sẵn sàng các tình huống chống dịch

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bệnh cảnh lâm sàng có thể nặng, diễn biến phức tạp. “Năm 2019, có thể dịch SXH không bùng phát như năm 2017 nhưng ngành y tế Hà Nội xác định phải đối mặt lâu dài với dịch bệnh này không chỉ trong năm nay mà cả những năm tiếp theo” - Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nói.

Chính vì vậy, ông Hiền yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống dịch; tích cực tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành y tế cũng như chủ động phòng chống dịch SXH. Các đơn vị chuẩn bị đủ máy phun, hóa chất, tăng cường giám sát diễn biến dịch bệnh trên bệnh nhân, côn trùng và virus Dengue để nhận định, dự báo và đáp ứng phòng chống dịch.

“Tổ chức xử lý quyết liệt, triệt để ổ dịch, không để ổ dịch kéo dài, với việc phun hóa chất, ưu tiên phun bằng máy phun mù nóng tại công trường xây dựng, trường học, khu thuê trọ, chợ dân sinh” - ông Hiền nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng yêu cầu giám đốc các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Sở Y tế tiếp tục có cảnh báo hàng tuần về dịch bệnh gửi các quận, huyện có số mắc nhiều để cấp ủy, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP sẽ tiếp tục kiểm tra các quận, huyện, xã, phường nhiều bệnh nhân, có ổ dịch kéo dài.

Sở Y tế giao nhiệm vụ cho trung tâm y tế các quận, huyện có tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp nghiên cứu thành lập 2 đội đặc nhiệm/đơn vị, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ. “Lực lượng này có nhiệm vụ xuống xã, phường hỗ trợ và kiểm tra xem cơ sở triển khai công tác phòng chống dịch ra sao, cần rút kinh nghiệm gì” - ông Hiền cho biết.

Tổ chức ngay chiến dịch tổng vệ sinh môi trường

Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp trên địa bàn, UBND TP đã có công văn yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện ngay chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống dịch, duy trì vào thứ Bảy hàng tuần. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, đảm bảo 100% hộ gia đình được xử lý.

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các Đội xung kích diệt bọ gây chống dịch và Tổ giám sát phòng, chống dịch SXH. Ngoài việc triển khai phòng chống dịch tại khu dân cư, cần chú trọng đến các khu vực công cộng như tại các cơ quan, công trường, xí nghiệp, nghĩa trang, trường học… Yêu cầu các đơn vị đóng trên địa bàn phối hợp và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để bùng phát, lan rộng. Thực hiện tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân, đảm bảo đủ thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do SXH.

Theo kinhtedothi.vn