Thủ tướng Chính phủ: “Tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn”

Tin tức - Ngày đăng : 08:26, 09/08/2019

Tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” tổ chức sáng nay (7.8), Thủ tướng đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp chung sức tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động.
Thủ tướng Nguyá»n Xuân Phúc phát động phong trào năng suất lao động quốc gia tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào năng suất lao động quốc gia tại Hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia" sáng 7.8.2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu phát biểu, Thủ tướng cho rằng tính năng suất lao động theo cách lấy GDP chia cho tổng số lao động thì con số này của Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, dẫn lời của GS. Michael Porter (người đưa ra lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia), Thủ tướng nêu: “Chúng ta phải hiểu đầy đủ rằng năng suất sử dụng các nguồn lực bao gồm vốn, lao động, đất đai và các tài nguyên khác, trong đó đặc biệt là năng suất của lao động đóng vai trò trung tâm, vì đây là thước đo chính xác nhất và có ý nghĩa duy nhất cho năng lực cạnh tranh, mặc khác đây là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia”.
Chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng “tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn”. Điều này thể hiện mức tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016 – 2018 tăng 5,8%.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, trong tăng năng suất, thì con người là vấn đề chủ lực, năng suất lao động không đơn thuần chỉ là khoa học công nghệ.

Định hướng đúng nhưng phải có thể chế chính sách phù hợp, không thể cho rằng chỉ cần đưa công nghệ vào là được, mà phải chú trọng đổi mới giáo dục, đào tạo nhân lực, phân luồng học sinh ngay từ cấp cơ sở.

“Nếu như Việt Nam chỉ cần có 100 bà Thái Hương (Chủ tịch tập đoàn TH-PV), 50 bà Kiều Liên (bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Sữa Việt Nam–PV) trong lĩnh vực sữa thì nền nông nghiệp Việt Nam đã khác” - Thủ tướng nêu ý kiến.

Dưới cái nhìn của Thủ tướng, trong nhiều năm qua, năng suất lao động của người Việt Nam đã được cải thiện, không ngừng tăng lên và Việt Nam đang là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ nhất Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, hiện còn nhiều "điểm nghẽn" khiến năng suất nói chung và năng suất lao động nói riêng bị hạn chế điều kiện để “bung ra” và phát triển.

“Cái gốc là cải cách thể chế chính sách, pháp luật, kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động, cạnh tranh về thị trường lao động… Trình độ và kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Với trên 50% nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Phân tích cặn kẽ những “điểm nghẽn” ảnh hưởng và cản trở đến năng suất lao động, Thủ tướng đã chỉ ra 6 định hướng và 6 nhóm nhiệm vụ trong tâm cần thực hiện.

Trong đó, cần tập trung nâng cao năng lực quản trị của nhà nước, nâng cao năng lực quốc gia, xây dựng cơ chế để người lao động được trao cơ hội để phát huy nâng cao năng lực của mình để đưa đất nước thịnh vượng; cải thiện tính hiệu quả của thị trường lao động của cả 2 lĩnh vực “cung” và “cầu”; thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút tài năng; xây dựng một có chế đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục; tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc; tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, gia nhập vào dòng chảy thương mại của thế giới… theo phương châm “hội nhập bên ngoài để cải cách bên trong”.

Kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào năng suất lao động quốc gia sâu rộng trong toàn xã hội. “Chính phủ, Thủ tướng, cả bộ máy chính trị cùng đồng hành với doanh nghiệp và người dân, kề vai sát cánh chung sức, chung lòng để đưa đất nước Việt Nam phát triển” - Thủ tướng kêu gọi, đồng thời khẳng định: Tăng năng suất lao động, mục đích cuối cùng là để đất nước Việt Nam phát triển hơn.

Theo Laodong