Doanh nghiệp phát thải lượng lớn khí CO2 ra môi trường sẽ phải trả phí

Tin tức - Ngày đăng : 14:17, 10/08/2019

Những đơn vị phát thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả phí. Dự kiến, 4 tỉnh thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng.
Bộ NN&PTNT
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Linh

Sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng từ phí hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng

Tại hội thảo về thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng do Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức ngày 7/8/2019, ông Nguyễn Văn Vũ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng (dự thảo).

Theo dự thảo, 4 địa phương được lựa chọn thí điểm là: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Đặc biệt, dự thảo cũng nêu rõ nhiệt điện than, xi măng phải trả phí hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng. Dự kiến có 20 nhà máy thực hiện thí điểm chi trả trên địa bàn 4 tỉnh gồm: 9 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than và 11 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020.

Theo dự thảo này, mức chi trả cụ thể là, đối với nhà máy nhiệt điện than, mức thu 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2). Đối với xi măng mức thu là 2.100 đồng/tấn Clinker (tương đương 1,35 USD/tấn CO2). Qua kết quả điều tra, khảo sát, đây là mức giá trung bình mà các doanh nghiệp (DN) sẵn lòng chi trả.

Mức tiền chi trả này sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện cũng như giá thành sản xuất xi măng của các nhà máy lên khoảng 0,29%. Nhưng mức tăng này vẫn nằm trong khoảng tăng giá thành thực tế của lĩnh vực sản xuất xi măng là 0,3 - 1%/năm.

Tuy nhiên, "mức chi trả này sẽ không tác động nhiều đến tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN tham gia thí điểm cũng như chi tiêu của các hộ gia đình. Dự kiến, 4 tỉnh thí điểm sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng (tỉnh Thanh Hóa gần 41 tỷ đồng/năm; tỉnh Quảng Ninh gần 123 tỷ đồng/năm; Thừa Thiên Huế trên 6 tỷ đồng/năm và tỉnh Quảng Nam trên 2 tỷ đồng/năm), trong đó thu từ nhiệt điện than 112 tỷ đồng, xi măng 44 tỷ đồng. Với khoản thu này có thể chi trả đến các hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng; phục vụ công tác bảo vệ rừng, giảm áp lực ngân sách” – ông Nguyễn Văn Vũ giải thích.

Dự thảo còn nêu rõ, kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia đã chỉ ra nhóm các nhà máy nhiệt điệt và xi măng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Trong đó, trên 99% phát thải của các nhà máy này là khí CO2. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế tài chính nào với khí CO2.

Trong khi đó, việc định giá khí thải CO2 là cơ chế để các DN trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh đã được nhiều nước thực hiện. Đồng thời, Việt Nam cũng đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015), cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính.

“Chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng là cơ hội để có nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết” – Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Khó vẫn phải làm

Để thực hiện chủ trương này, đại diện một số DN thuộc đối tượng phải chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng cho rằng phí trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng cần được tính vào giá điện; việc thu phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và cần có lộ trình cho DN thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Sơn – Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều (Quảng Ninh) cho hay: “DN sẵn sàng tham gia để góp phần bảo vệ môi trường bởi nhiệt điện than có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Song trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, phần chi phí này phải được tính vào giá điện. Đồng thời nên có lộ trình để cho DN thực hiện bởi theo tính toán của DN thì dự kiến sẽ phải chi 10 tỷ đồng cho hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng".

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng việc thực hiện chủ trương này là rất đúng nhưng cần có lộ trình, kế hoạch phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Việt Nam đang thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh với quyết tâm cao, từng bước hình thành thị trường tín chỉ Co2 bởi đây là một xu thế tất yếu, là công cụ quan trọng mà toàn cầu đang tập trung thực hiện. Việt Nam đã làm được một số việc, cam kết thực thi có trách nhiệm các cam kết quốc tế. Dù việc thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ cac-bon của rừng có khó khăn thì là việc phải làm sớm, bắt buộc phải làm theo đúng thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của các bên...”.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị các tổ chức cá nhân có liên quan tham mưu cho lãnh đạo sớm có ý kiến tham gia chính thức về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng./.

Thoibaotaichinhvietnam